Cổ phiếu bất động sản, xây dựng dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Cập nhật: 10:24 | 24/06/2023 Theo dõi KTCK trên

Góp phần không nhỏ cho động lực tăng điểm của thị trường thời gian qua là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, nổi bật là các nhóm ngành bất động sản, xây dựng...

Cổ phiếu BĐS kéo dài đà tăng

So với đầu tháng 5, nhóm cổ phiếu top đầu của ngành bất động sản như VHM của Công ty CP Vinhomes tăng hơn 12%, DIG của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng tăng 23%. ITC, EVG, LDG và nhiều mã bất động sản khác có mức tăng ấn tượng hàng chục phần trăm.

Cổ phiếu bất động sản, xây dựng dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư
Ngành xây dựng cũng nằm trong top 6 ngành được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất 2023

Nhóm cổ phiếu ngành xây dựng cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Tính biến động giá giao dịch trong vòng một quý gần đây, ông lớn của ngành là Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) ghi nhận mức tăng hơn 75%. CTR của Tổng Công ty CP Công trình Viettel tăng hơn 27%. Mã HTN của Công ty CP Hưng Thịnh Incons tăng hơn 42%. Nhiều mã xây dựng khác như TCD, HUT, IDJ, VC2, LIG, MST… cũng có mặt trong nhóm tăng giá mạnh.

Việc các cổ phiếu bất động sản và xây dựng có mức tăng mạnh mẽ cho thấy 2 nhóm ngành này đang dần lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư nhờ hàng loạt giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành như: Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP, quyết định giảm lãi suất điều hành, Thông tư cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ…

Diễn biến tích cực này phù hợp với nhận định trước đó của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường khi đưa các mã cổ phiếu bất động sản, xây dựng vào danh mục khuyến nghị đầu tư cho tháng 6. Đơn cử, SSI Research khuyến nghị 2 mã bất động sản là NLG, KBC.

Trong khi đó, danh mục khuyến nghị của Agriseco Research có sự hiện diện của KBC, CTD và có thêm mã VLB chuyên về vật liệu xây dựng. Các mã này đều ghi nhận mức tăng đáng kể trong tháng 6.

Ngành xây dựng cũng nằm trong top 6 ngành được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất 2023 theo kết quả khảo sát của Vietnam Report.

Triển vọng ngành bất động sản thời gian tới

Trong trung và dài hạn, các chuyên gia và nhà đầu tư đang có những kỳ vọng tích cực vào ngành xây dựng do cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và tiềm năng tăng trưởng của bất động sản tại Việt Nam còn rất lớn.

Làn sóng đầu tư công của Chính phủ đã giúp một số doanh nghiệp trong mảng hạ tầng đang triển khai các cao tốc trong giai đoạn 1 hoặc các nhà máy công nghiệp, dự án hạ tầng khác hưởng lợi. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này đã có sự phục hồi ấn tượng và được nhận định vẫn còn dư địa tăng trưởng do tốc độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm còn chậm, và sẽ ngày càng tăng tốc vào thời điểm nửa cuối năm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng dân dụng đã quay trở lại hoạt động, tiếp tục triển khai các dự án dang dở, khởi động dự án mới, đồng thời điều chỉnh chiến lược để duy trì hoạt động kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trợ lực cho triển vọng tích cực của cổ phiếu ngành xây dựng là những tín hiệu hồi phục của thị trường bất động sản. Thời gian gần đây, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất, nhiều nhà đầu tư đã quay lại thị trường, bắt đầu "săn tìm" dự án ở những địa phương có dư địa phát triển lớn...

Đáng chú ý, quý III sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Trong bối cảnh thị trường đang ấm lên, lãi suất huy động giảm, dòng tiền đáo hạn này được dự báo sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường nhà đất và chứng khoán với điểm sáng là các mã cổ phiếu bất động sản, xây dựng.

SSI Research trong báo cáo mới nhất dù đã nâng khuyến nghị từ kém khả quan lên trung lập bởi nhận định thị trường bất động sản đang có sự cải thiện, nhưng công ty chứng khoán này vẫn đưa ra lưu ý về những trở ngại đối với nhóm bất động sản. Đó là lãi suất cho vay vẫn cần giảm thêm để kích thích nhu cầu trở lại.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cần thời gian để thực sự tác động lên thị trường, đặc biệt là tháo gỡ những nút thắt trong quá trình cấp phép dự án. Và rủi ro vỡ nợ vẫn có thể xảy ra với những chủ đầu tư không thể thương lượng được với trái chủ để giãn thời hạn thanh toán hoặc cân đối dòng tiền để trả nợ.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng, cùng với những kỳ vọng về thay đổi chính sách thì chính các chủ đầu tư bất động sản cũng phải tự lực thay đổi chứ không thể chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước.

"Các doanh nghiệp nên chú trọng các sản phẩm bình dân hơn, đáp ứng nhu cầu nhà ở, đặc biệt là của dân thành thị. Đây là hướng đi tôi nghĩ là bắt buộc trong thời gian tới và chỉ có như vậy mới giúp thị trường bất động sản khơi thông được dòng vốn, phát triển", ông Phạm Văn Hiến, Giám đốc phân tích đầu tư, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhìn nhận.

Chuyên gia TVSI dự báo cuối năm 2023 và trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Điều đó đến từ việc khung pháp lý cho thị trường rõ ràng và hợp lý hơn, cũng như từ sự vận động, thay đổi của các chủ đầu tư và người mua nhà. Do đó, để đầu tư vào cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư cần cái nhìn dài hạn.

Chứng khoán phiên chiều 23/6: VN30 tăng tốt, VN-Index vẫn lỡ hẹn mốc 1.130 điểm

Thị trường chứng khoán xác nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, tuy nhiên VN-Index một lần nữa chưa thể vượt qua được vùng ...

Điểm nhấn thị trường 23/6: VNM thanh khoản lịch sử, VN-Index "giằng co" tại đỉnh

VN-Index diễn biến tương đối "giằng co" trong cả phiên giao dịch hôm nay. Thanh khoản giao dịch của cổ phiếu VNM bất ngờ tăng ...

Nhận định chứng khoán tuần 26-30/6: Cân nhắc chốt lời khi chỉ số tiệm cận 1.150 điểm

Thị trường tiếp tục tăng hơn 4 điểm trong ngày hôm nay và đóng cửa tại mốc 1.129,38 điểm, chính thức ở mức điểm số ...

Nhật Hải