Chăn nuôi sử dụng hơn 1.000 tấn kháng sinh mỗi năm

Cập nhật: 08:33 | 31/03/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo ước tính mỗi năm nước ta sử dụng 1.000 đến 1.200 tấn kháng sinh, trong đó có hơn 40 tấn dành cho gia cầm và hơn 980 tấn cho chăn nuôi lợn.  

chan nuoi su dung hon 1000 tan khang sinh moi nam Điều chỉnh đối tượng áp dụng với Thông tư chăn nuôi không được cho ăn bèo tây, cây chuối
chan nuoi su dung hon 1000 tan khang sinh moi nam Giá trứng thấp chưa từng thấy, người chăn nuôi lỗ nặng

Đó là thông tin do TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết tại Hội thảo "Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm" do Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức.

Lạm dụng thuốc kháng sinh ở mức báo động

Theo ông Sơn "Đây là một con số khủng khiếp, chưa kể các vật nuôi khác như trâu, bò, dê, cừu. Đến nay, theo điều tra gần như 100% các trang trại chăn nuôi đều sử dụng từ 2 đến 7 loại kháng sinh từ các loại phòng, điều trị bệnh đến loại kháng sinh kích thích sinh trưởng cho đàn gia súc và gia cầm với liều lượng gấp đôi, thậm chí gấp 5 đến 10 lần so với khuyến cáo trên bao bì, nhãn mác của các loại thuốc đó. Điều đáng báo động hơn là trang trại chăn nuôi ở Bắc Ninh, Hải Phòng còn sử dụng một số kháng sinh cấm trong chăn nuôi, điều này gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng trong chăn nuôi cũng như việc tồn dư kháng sinh nguy hiểm trên sản phẩm vật nuôi".

chan nuoi su dung hon 1000 tan khang sinh moi nam
Chăn nuôi sử dụng hơn 1.000 tấn kháng sinh mỗi năm

Trước tình hình sử dụng tràn lan kháng sinh, Bộ NNPTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn để kiểm soát về kháng sinh và các chất cấm trong chăn nuôi. Cụ thể, trong năm 2017, Bộ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, nhất là các chương trình hành động quốc gia về quản lý kháng sinh trong chăn nuôi.

Theo Luật Chăn nuôi đã được ban hành và có hiệu lực bắt đầu vào ngày 1/1/2020 thì người sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi phải được kê đơn từ bác sỹ thú y, việc quy định theo văn bản là như vậy nhưng thực tế việc kiểm soát được hay không lại là câu chuyện khác.

Cần tìm giải pháp

Việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng như các chất khác là một câu chuyện lâu dài và cần có một chương trình hành động quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho người dân thì chúng ta mới kiểm soát được việc làm dụng kháng sinh và kháng kháng sinh như hiện nay.

Bên cạnh việc đưa ra các quy định kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi như quy định về các kháng sinh được dùng, liều lượng dùng, mua kháng sinh phải theo đơn của bác sỹ thú y... Và một điều quan trọng nữa là chúng ta phải áp dụng 2 giải pháp quan trọng nữa đó là phải sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế như probiotic hoặc là các men vi sinh khác để thay thế thuốc kháng sinh mà các nước đang áp dụng rất hiệu quả.

TS Nguyễn Thanh Sơn cho biết, cần phải áp dụng các giải pháp về an toàn sinh học (ATSH), đây là một giải pháp rất hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh kể cả các dịch bệnh nguy hiểm trên lợn như dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng... cũng như cúm gia cầm, khi bà con áp dụng giải pháp này thì vật nuôi có nguy cơ mắc bệnh ít hơn sẽ làm giảm được việc sử dụng thuốc mà sản phẩm còn đảm bảo an toàn hơn.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, trong đợt kiểm tra an toàn thực phẩm những tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều mẫu thịt có tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng.

Cụ thể, khi lấy ngẫu nhiên 60 mẫu thịt (30 mẫu thịt heo, 30 mẫu thịt gia cầm) từ TP HCM và các tỉnh đem về giết mổ tại 2 cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng phát hiện 13/30 mẫu thịt heo (tỉ lệ 43,33%) có nguồn gốc từ Bình Dương, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và 1/30 mẫu thịt gia cầm (3,33%) có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép.

Đáng lo là thịt có tồn dư kháng sinh không dễ được nhận biết bằng mắt thường. Do đó, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi mới đủ công cụ để kiểm soát từ gốc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo bà Hoàng Lan, đại diện của Tổ chức FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc) tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ 2012 đến 2019, FAO đã phối hợp cùng với Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thực hiện chương trình "Tăng cường quản lý sản xuất và ATSH trong chăn nuôi gia cầm". Theo đó, ngay từ ban đầu (2012-2014) chương trình tập trung vào đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại hộ chăn nuôi gia cầm quy mô trung bình, nhỏ và thực hiện thí điểm thành công mô hình ATSH tối thiểu tại 6 cơ sở ấp nở trứng, 6 hộ chăn nuôi vịt giống tại miền Trung và miền Nam.

Tiếp đó từ năm 2016, FAO tiếp tục tiếp tục hợp tác với Bộ NNPTNT thực hiện Chương trình tăng cường ATSH và thực hành quản lý sản xuất tốt tại các tỉnh có mật độ chăn nuôi gia cầm cao. Cụ thể, chương trình tiến hành đào tạo cho 42 cán bộ nguồn, tập huấn cho 1077 nông dân và 330 cán bộ quản lý và khuyến nông, thú y cơ sở. Cùng với đó, chương trình cũng đã tiến hành xây dựng 60 trại mô hình và cơ sở ấp nở tại 7 tỉnh đại diện cho 3 vùng Bắc, Trung, Nam trong việc cải tạo điều kiện chăn nuôi, quản lý chất thải và nâng cấp cơ sở ấp trứng.

"Đến nay chương trình đã thành công giúp nông dân tăng được năng suất chăn nuôi, tăng thu nhập và giảm lượng kháng sinh và chất khử trùng sử dụng từ 20-50% do giảm bệnh đường hô hấp và đường ruột...", bà Lan chia sẻ.

Tùng Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm