3 kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán đứng vững trong năm 2020

Cập nhật: 10:13 | 10/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Ngày 9/12, Hội nghị Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) lần thứ 33 đã diễn ra dưới sự chủ trì và điều hành của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Hội nghị này có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các cơ quan quản lý thị trường vốn các nước ASEAN và đại diện Ban thư ký ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), Tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI), Viện Tài chính bền vững châu Á (SFIA).

Gắn với chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch ACMF, UBCKNN đã ưu tiên thúc đẩy sáng kiến ‘Tài chính bền vững” là chủ đề xuyên suốt của năm. Kết quả đầu ra của sáng kiến là “Lộ trình phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN” đã được hoàn thiện và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua với các định hướng chiến lược cho việc xây dựng lớp tài sản bền vững trong ASEAN để hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển bền vững của ASEAN trong 5 năm tới.

Cũng trong chủ đề “Tài chính bền vững”, hội nghị đã thảo luận và thống nhất ACMF sẽ đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững để tạo thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu cho các mục tiêu liên quan đến bền vững. Việc đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững cũng nhằm mục tiêu hoàn thiện bộ công cụ phát hành trái phiếu của ASEAN trong đó có các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững đã được ACMF đưa ra trong giai đoạn 2017-2018. Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái tài chính bền vững trong khu vực, hội nghị cũng thống nhất ACMF sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng một hệ thống phân loại xanh, bền vững của ASEAN.

img-1925-1607516026-9107-16075-2569-7223

Ông Trần Văn Dũng chủ trì họp báo hội nghị cấp Chủ tịch diễn đàn thị trường vốn ASEAN lần thứ 33

Hội nghị cũng thông qua 5 ưu tiên chính của kế hoạch hành động tập trung vào thúc đẩy cao hơn mức độ minh bạch và công bố thông tin; tiếp tục hài hòa hóa các quy định /khuyến khích các thoả thuận công nhận lẫn nhau xuyên biên giới khu vực ASEAN; tăng cường xây dựng năng lực; tăng cường trao đổi và nhận thức; và cuối cùng là tăng cường hợp tác và phối hợp. Bản kế hoạch hành động chi tiết sẽ được trình lên hội nghị ACMF lần thứ 34 phê duyệt, là kim chỉ nam cho hoạt động của ACMF trong 5 năm tới.

Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) được thành lập vào năm 2004 với sự ủng hộ của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN. Thành viên của ACMF bao gồm lãnh đạo cấp cao các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước trong khu vực ASEAN. Các đối tác hiện nay của ACMF gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế - ICMA, Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu – CBI, Viện Tài chính Bền vững châu Á - SFIA, MSCI, Quỹ Thịnh vượng của Anh (UK-FCO)…

Sẽ đưa thêm một số chỉ số cho thị trường phái sinh trong năm 2021

Xung quanh khôn khổ Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng đánh giá mỗi thị trường có một đặc thù nhưng kỹ thuật và quy tắc vẫn tuân theo chuẩn mực.

Ông Dũng nhận định thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 thời gian qua có lúc bất thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong các lý do là chỉ có hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nên các giao dịch, đặc biệt là của khối ngoại, các quỹ ETF gây ra nhiều biến động.

UBCKNN sẽ theo dõi chặt chẽ và sẽ có kế hoạch cụ thể. Năm 2021, UBCK sẽ đưa thêm một số chỉ số cho thị trường phái sinh, giúp giao dịch cân bằng và phân tán hơn. Cùng với đó, cơ quan này sẽ xem xét các quy tắc về giao dịch, tính chỉ số tại ngày đáo hạn. Nếu thấy điểm bất cập, UBCK sẽ xem xét chỉnh sửa để phù hợp với tình hình mới.

TTCK là dịch vụ thiết yếu và phải được tổ chức giao dịch an toàn, ổn định  và thông suốt

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng

Có thể đạt được mục tiêu nâng hạng trước năm 2025

Về vấn đề nâng hạng thị trường, Chủ tịch UBCKNN cho biết, mục tiêu của Thủ tướng đã giao là trước 2025. Việc FTSE vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng là điều tích cực. Thị trường Việt Nam hiện có một số điểm tích cực trong năm 2021, trong đó, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực 1/1/2021 sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và tốt hơn.

Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin giao dịch do HoSE đầu tư đi vào hoạt động vào năm sau giúp thực hiện một số nghiệp vụ như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về.

Năm 2020, với việc Kuwait được tăng hạng thì tỷ trọng của Việt Nam được tăng lên nhiều trong rổ MSCI Frontier 100 Index và thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. "Trong rổ chỉ số của MSCI hay FTSE, các cổ phiếu của Việt Nam có vào có ra nhưng cơ bản là được thêm vào. Với động thái như vậy, UBCKNN tin tưởng việc xét xét nâng hạng Việt Nam có những thuận lợi và có thể đạt được mục tiêu nâng hạng trước năm 2025", Chủ tịch Trần Văn Dũng chia sẻ.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết thêm, hiện tại các cơ quan quản lý đang phối hợp với FTSE và MSCI để ra được các giải pháp phù hợp. Ngày 17/12, cơ quan quản lý sẽ có cuộc hợp với FTSE để bàn 2 câu chuyện là cập nhập về mặt chính sách và tìm hiểu thêm về thực tiễn của các thị trường mới được nâng hạng.

3 kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán đứng vững

Ông Trần Văn Dũng cho biết, thị trường chứng khoán năm 2020 phát triển tốt về thanh khoản và chỉ số, đặc biệt từ tháng 7 đến hiện tại (VN-Index tăng 26 - 27%). Việt Nam là quốc gia may mắn dù dịch có diễn biến phức tạp nhưng mức độ ảnh hưởng trực tiếp là không đáng kể.

"Chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi chuỗi cung ứng, khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và một số ngành nghề nhưng ảnh hưởng trực tiếp từ COVID-19 là không nhiều", ông Dũng nhận định.

Theo Chủ tịch UBCKNN, Chính phủ đã có chính sách hợp lý trong cuộc chiến COVID-19, đảm bảo an toàn cho nhân dân nhưng đồng thời không khóa chặt 100% để ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế. Ở các khu du lịch, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng khách nội địa vẫn đông. Xuất khẩu của Việt Nam dù trong COVID nhưng vẫn tăng mạnh, thặng dự thương mại lớn, kiều hối nhiều nên dự trữ ngoại hối chưa bao giờ mạnh như bây giờ. Cùng với đó, Việt Nam vẫn giữ được cán cân vĩ mô, tỷ giá ổn định.

Dù có chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ nhưng thâm hụt ngân sách vẫn chưa quá lớn và điều này phù hợp với kỳ vọng sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Đối với các khối doanh nghiệp đại chúng có quy mô lớn, rất nhiều ngành làm ăn có lãi. Trong khi đó, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng lớn bị ảnh hưởng trong đại dịch và sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp.

"Thị trường vững được là nhờ kỳ vọng chính sách của Chính phủ, kỳ vọng về tiềm năng phát triển của kinh tế và kỳ vọng về sự chống chịu của các doanh nghiệp", người đứng đầu UBCKNN nhấn mạnh.

Chính phủ của Việt Nam và các nước tung ra nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để chống chịu với đại dịch. Khi khó khăn, tiền gửi tiết kiệm hoặc đầu tư sẽ tăng lên. Tăng trưởng tín dụng thấp hơn tăng trưởng tiền gửi ở dân cư, nhà đầu tư cũng tranh thủ đầu tư ở thị trường chứng khoán giúp dòng tiền mới tăng lên mạnh. "Điều này phù hợp với quy luật", ông Dũng đánh giá.

TCM - Cổ phiếu dệt hiếm hoi tăng mạnh giữa "mùa COVID"

Cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) đã bứt phá ngoạn mục trong năm 2020 ...

Tin tức doanh nghiệp niêm yết mới nhất ngày 10/12/2020

Tập đoàn Hòa Phát thông qua việc góp 1.998 tỷ đồng thành lập CTCP Phát triển bất động sản Hòa Phát; Tập đoàn Kido chốt ...

Điểm tin giao dịch cổ phiếu mới nhất ngày 10/12

Những thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như IBC, ABS, TIE, SGR,... được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt ...

Hữu Dũng