Vừa “ế” 800 tỷ đồng, CII lại muốn huy động thêm 500 tỷ đồng trái phiếu, nhà đầu tư có nên “mở ví”?

Cập nhật: 15:20 | 07/12/2020 Theo dõi KTCK trên

HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã: CII) mới đây chấp thuận thông qua phương án phát hành tiếp trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản ra công chúng.

Tháng 12: VN-Index có thể tăng trong vùng 1.040 - 1.050 điểm

FRT bật tăng, quỹ Dragon Capital ‘nhanh tay’ chốt lời gần 2 triệu cổ phiếu

1336-cii-2
(Ảnh minh họa)

Theo đó, CII dự kiến phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 42 tháng kể từ ngày phát hành. Doanh nghiệp cho biết hiện đang triển khai thủ tục để xin ý kiến chấp thuận về việc phát hành trái phiếu nói trên.

Lãi suất cố định trong 4 kỳ đầu dự kiến là 10,3%; các kỳ còn lại thì lãi suất thả nổi bằng tổng của 4,025%/năm + lãi tham chiếu của kỳ tính lãi đó. Thông tin dự kiến về tài sản đảm bảo không được doanh nghiệp công bố.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2020, CII đã công bố kết quả chào bán trái phiếu có hình thức chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản đảm bảo, không có chứng quyền ra công chúng với giá trị huy động thực tế chỉ đạt chưa tới 33% tổng giá trị huy động (khoảng 394 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, CII dự kiến huy động 1.194 tỷ đồng qua trái phiếu với kỳ hạn 5 năm và lãi suất là 11%/năm tức doanh nghiệp đã "ế" tới 800 tỷ đồng trái phiếu.

Dự kiến CII sẽ tiếp tục phát hành thêm 1.600 tỷ đồng trái phiếu sau khi đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi chỉ đạt 394 tỷ đồng nhằm đảm bảo kế hoạch phân bổ nguồn vốn để đầu tư và tái cơ cấu nợ.

Diễn biến này đang cho thấy những bất lợi cho CII trong việc tìm dòng vòng vốn cho các đại dự án của họ thời gian tới, bởi công ty này trước đây phụ thuộc khá lớn vào kênh huy động trái phiếu.

0830-trai-phiyu

Thực tế, sự chững lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là bối cảnh chung. Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 10/2020, có 20 doanh nghiệp phát hành thành công 90 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Giá trị phát hành thành công đạt 9.504 tỷ đồng, chiếm 62,7% tổng giá trị đăng ký phát hành, giảm 1.000 tỷ đồng so với giá trị phát hành tháng 9/2020.

Sự chậm lại của phát hành trái phiếu thể hiện ở chỗ, giá trị phát hành trong tháng 10/2020 chỉ bằng khoảng 29% giá trị bình quân trong 10 tháng đầu năm. Mặc dù số liệu HNX thống kê chỉ là trái phiếu phát hành theo loại hình riêng lẻ, nhưng các con số trên cũng cho thấy phần nào bức tranh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Kinh doanh sa sút, nặng gánh dòng tiền

Theo BCTC hợp nhất quý III/2020, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 81,2 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 30,3 tỷ đồng, giảm đến 92% so với cùng kỳ năm trước.

Phía CII cho biết, nguyên nhân giảm lợi nhuận chủ yếu là do cùng kỳ năm trước phát sinh các khoản lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính và các khoản lãi khi thanh lý công ty con với giá trị lớn, mặt khác chi phí lãi vay quý 3 tăng nên mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng lãi ròng vẫn giảm.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, CII báo lãi giảm 34%, xuống còn 285 tỷ đồng. Trong năm 2020, CII dự kiến mang về 5.800 tỷ đồng doanh thu và 808 tỷ đồng lãi ròng. Như vậy, sau 9 tháng, CII chỉ mới thực hiện được 51% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

0703-cii-1
Kết quả kinh doanh quý III/2020 của CII. (Đvt: Tỷ đồng)

Cùng với sự sụt giảm về lợi nhuận, thì dòng tiền của CII trong năm 2020 cũng đang bị thâm hụt khá lớn. Trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CII âm 1.485 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 524 tỷ đồng.

Với nhu cầu đầu tư rất lớn, nên CII phải chi mạnh cho đầu tư, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư 9 tháng theo đó bị âm 766,7 tỷ đồng. Tổng dòng tiền thuần kinh doanh và đầu tư âm tới 2.252 tỷ đồng.

Để bù đắp dòng tiền cho cả hoạt động kinh doanh lẫn đầu tư, CII chỉ còn cách là gia tăng dòng tiền từ hoạt động tài chính. Dòng tiền từ hoạt động tài chính 9 tháng ghi nhận hơn 2.157 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Trong đó, dòng tiền thu về từ việc đi vay ghi nhận gần 8.706 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ.

Trong giai đoạn này, CII cũng không có đợt phát hành cổ phiếu nào, mà dòng tiền tài chính hoàn toàn đến từ hoạt động gia tăng vay tài chính. Trong đó, phát hành trái phiếu đã đóng góp tích cực cho dòng tiền tài chính của doanh nghiệp này.

Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ phải trả của CII ghi nhận hơn 22.080 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm (tương đương tăng hơn 1.500 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn gần 9.242 tỷ đồng, giảm 20% và dư nợ vay dài hạn hơn 12.838 tỷ đồng, tăng 42% so với hồi đầu năm.

Chính vậy, ngoài ảnh hưởng chung của sự trầm lắng, thì sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh của CII cũng có thể khiến nhà đầu tư ít nhiều phải phân vân khi gửi tiền mua trái phiếu của doanh nghiệp này.

Hoàng Hà (t/h)