Hà Nội: Cao ốc đắp chiếu, vật liệu phơi sương

Cập nhật: 11:56 | 17/09/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Nghệ An thu hồi 139 dự án chậm tiến độ; Vũng Tàu mọc lên toà nhà không phép, lãnh đạo "đá bóng" vòng quanh; Ngừng thi công đại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng: 6,5 triệu dân bị ảnh hưởng… là những diễn biến mới nhất của thị trường bất động sản Việt những ngày vừa qua.  

Ngừng thi công đại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng: 6,5 triệu dân bị ảnh hưởng

Trước cảnh tượng dòng người nối đuôi nhau chen chúc dưới dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh vào những ngày triều cường hoặc mưa lớn, các con đường như Hồ Ngọc Lãm (quận 8), Bến Phú Định (quận 8), An Dương Vương (quận 5), Trần Não (quận 2), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)… hoá thành sông sau ít phút, năm 2016, dự án “giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” 10.000 tỷ đồng được khởi công cùng những tuyên bố đanh thép từ nhà đầu tư là công ty TNHH Trung Nam (Trung Nam Group) khiến hàng triệu người dân cảm thấy khấp khởi vui mừng.

Tuy nhiên, quá trình thi công dự án đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Lúc thi công đóng cọc, công trình đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và đặc biệt là làm hư hỏng kết cấu các căn nhà.

cao oc dap chieu vat lieu phoi suong
Ảnh internet

Cụ thể theo phản ánh của thegioitiepthi.vn, tháng 7/2017, gần 200 căn nhà tại khu vực Bến Phú Định (thuộc hai phường 7 và phường 16, quận 8) bị rung lắc, đồng thời xuất hiện nhiều vết nứt. Bên cạnh đó, công trình nhiều lần xảy ra tình trạng mất an toàn như ngã cần cẩu, cừ thép ngã xuống đường, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Thêm vào đó, công trình cũng không đảm bảo phương án phân luồng giao thông, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại…

Tuy nhiên, tháng 5/2018, công ty TNHH Trung Nam bất ngờ ngưng thi công dự án ngăn triều chống ngập với lý do Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển VN (BIDV, chi nhánh Nam Sài Gòn) đã dừng giải ngân cho dự án vì UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện cấp vốn.

Đặc biệt, đầu tháng 9/2018 “đại công trình” này tiếp tục bị phát hiện dùng thép Trung Quốc thay cho thép Nhật để xây dựng khiến nhiều người lo ngại số phận của dự án chống ngập này sẽ không biết ra sao.

Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp khi mà nhà chức trách cũng như chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra phản hồi xác đáng cũng như giải pháp để xử lí tình trạng ngổn ngang như hiện nay. Tuy nhiên, ai nấy đều có thể có thể mường mượng ra trước mắt người gánh chịu hậu quả nhiều nhất khi mà “đại công trình” chống ngập kia vẫn còn ngổn ngang chính là hơn 6,5 triệu người dân sinh sống ven sông Sài Gòn.

Trong những ngày qua, dư luận dấy lên nhiều nghi vấn về việc công trình ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM do công ty TNHH Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư sử dụng thép Trung Quốc thay vì thép Nhật Bản như đã đăng ký trong bản vẽ thi công. Theo đó, Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam - Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình Hàng hải (CMB) - Công ty CP Tư vấn Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thăng Long 12 đã “phát giác” việc chủ đầu tư thay đổi thép từ thép thuộc các nước G7 sang thép Trung Quốc và gửi các đánh giá cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND TP.HCM cảnh báo về sự việc này.

Vũng Tàu mọc lên toà nhà không phép, lãnh đạo "đá bóng" vòng quanh

Dẫn nguồn báo giaoduc.net.vn, Công trình dự án Tổ hợp Vũng Tàu Gateway cao 30 tầng tại thành phố biển vẫn ngày đêm cao dần lên như thách thức dư luận. Được biết công trình dự án Tổ hợp Vũng Tàu Gateway tọa lạc trên trục đường quốc lộ 51C – Ba Tháng Hai đã hoàn thành được 16 tầng do Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng - DIC Corp thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư.

Dù đã xây xong 16 tầng nhưng dự án Tổ hợp Vũng Tàu Gateway vẫn chưa hoàn thiện pháp lý để xây dựng. Nguyên nhân chính dẫn đến dự án chưa đủ giấy phép nhưng vẫn được xây dựng là do chủ đầu tư đã 7 lần xin điều chỉnh chiều cao. Lần gần đây nhất, chủ đầu tư xin cấp phép để được xây cao lên đến 30 tầng và chờ hoàn thiện hồ sơ.

cao oc dap chieu vat lieu phoi suong
Dự án Tổ hợp Vũng Tàu Gateway. (Ảnh: T.H)

Trước đó, dự án này đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt và đình chỉ thi công. Liên quan đến các vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều lần liên hệ với các cấp chính quyền địa phương để làm rõ nội dung nhưng bị từ chối.

Ông Tạ Quốc Trung – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin, do đang đi công tác nên liên hệ với Chánh văn phòng Sở để cung cấp thông tin. Sau đó, phóng viên liên lạc với ông Nguyễn Hữu Châu – Chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, ông Châu trả lời, vấn đề này hỏi trực tiếp ông Trung - Phó Giám đốc phụ trách để cung cấp thông tin.

Người đứng đầu Thành phố Vũng Tàu, ông Nguyễn Lập – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Vũng Tàu lại trả lời, đây là chủ trương của tỉnh nên phải hỏi cấp tỉnh cung cấp thông tin. Còn ông Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói đang bận họp, không trả lời. Phóng viên đề nghị hẹn lịch làm việc trực tiếp làm rõ những vi phạm trên nhưng ông Tịnh tiếp tục từ chối.

Cao ốc siêu sang trăm triệu USD ở Hà Nội phơi sương nhiều năm

Xây trên khu đất hơn 4.490m2, nằm bên đường Phạm Văn Đồng, Habico Tower được xếp vào diện dự án siêu sang với quảng cáo là toàn bộ nội thất và hệ thống thiết bị thông minh của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc với vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD. Tuy nhiên cao ốc “siêu” sang này chỉ xây dựng dang dở rồi bỏ hoang nhiều năm.

Theo phản ánh của báo điện tử vtc.vn, dự án từng gây “sốc” cho giới bất động sản khi chào bán mức giá từ 4.000USD/m2, tương đương 21 - 85 tỷ đồng/căn hộ. Chủ đầu tư là CTCP Hải Bình cho biết, chỉ khoảng 70% tổng diện tích chủ đầu tư ký hợp đồng với khách hàng là diện tích căn hộ, 30% còn lại là diện tích sử dụng chung của tòa nhà, như chỗ đỗ xe, bể bơi, phòng chơi golf, phòng tập thể thao, sân trượt băng…

Tuy nhiên, sau khi ra mắt lần đầu năm 2011, Habico Tower bỗng mất hút trên thị trường khi đang xây dang dở tầng 9. Kể từ đó tới nay, Habico Tower vẫn bỏ hoang, công trường không có bất kỳ hoạt động thi công nào, cẩu thang, vận tháp cũng không còn.

Nguyên nhân chính dẫn tới dự án "án binh bất động" được cho là sự hợp tác của chủ đầu tư với phía đối tác Hàn Quốc - Công ty Dong Ri Won và CTCP Hải Bình gặp trục trặc. Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án, giữa 2 bên đã xảy ra mâu thuẫn liên quan đến vấn đề quyền lợi, khiến Dong Ri Won gần như rút hết về nước.

cao oc dap chieu vat lieu phoi suong
Habico Tower là tòa nhà siêu sang được quảng cáo xây dựng bởi các chuyên gia hàng đầu Hàn Quốc của Tập đoàn Doosan, bằng công nghệ hiện đại nhất thế giới.

Tòa nhà có các chức năng gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn văn phòng, văn phòng và căn hộ cao cấp cho thuê. Từng được rao bán với giá căn hộ thấp nhất từ 21 tỷ đồng và cao nhất là 85 tỷ đồng, Habico Tower chết chìm khi rơi vào cảnh chậm tiến độ và ngừng thi công trong thời gian dài. Theo nhận định của giới kinh doanh địa ốc, Habico Tower không thể bán được trong bối cảnh thị trường bất động sản đang thừa cung. Cộng với việc chủ đầu tư không đủ tài chính theo đuổi dự án nên dự báo Habico Tower có thể sẽ còn bất động dài dài.

Nghệ An thu hồi 139 dự án chậm tiến độ

Thông tin từ báo tienphong.vn cho biết, Nghệ An đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp phép, các dự án đã ký kết song tỉnh này cũng kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ.

Được biết, trong năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra các dự án chậm tiến độ. Đến thời điểm hiện tại, Đoàn đã kiểm tra xong 57 dự án/kế hoạch, 79 dự án ngoài khu kinh tế và các khu công nghiệp; 15 dự án/kế hoạch, 17 dự án trong Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp. Hiện, UBND tỉnh Nghệ An đã thu hồi 6 dự án chậm tiến độ, lũy kế đến nay thu hồi, chấm dứt hoạt động 139 dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tính đến tháng 9/2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 80 dự án được cấp mới. Chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 7.575,56 tỷ đồng; điều chỉnh 5 lượt dự án với số vốn điều chỉnh tăng 612,17 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8.188,73 tỷ đồng.

Một số dự án lớn được cấp mới từ đầu năm 2018 đến nay như: Dự án nhà máy bia, nước giải khát Masan tại Khu B - KCN Nam Cấm (1.661 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomass Fuel Việt Nam tại KCN VSIP (20 triệu USD); các dự án cải tạo Khu A, B, C, D Quang Trung, TP. Vinh…

Hữu Dũng (T/H)