Tập đoàn FLC: Doanh thu bùng nổ, lãi ròng 2017 chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ

Cập nhật: 06:51 | 08/02/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo BCTC tự lập hợp nhất quý 4/2017, doanh thu thuần cả năm 2017 của CTCP Tập đoàn FLC (FLC) đạt 11.172 tỷ đồng tăng 82,1 % so với năm 2016. Mặc dù vậy, biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh khiến cho lãi ròng của Tập đoàn chỉ đạt 381,88 tỷ đồng hoàn thành trên 30% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

tap doan flc doanh thu bung no lai rong 2017 chi bang 13 so voi cung ky


Biên lợi nhuận “core” sụt mạnh, lợi nhuận đến từ hoạt động cho vay


Thuyết minh BCTC cho thấy doanh thu của tập đoàn FLC trong năm 2017 tiếp tục đến từ ba mảng chính là bán hàng hóa 5.739 tỷ đồng (chiếm 49,4%), kinh doanh bất động sản 5.293 tỷ đồng (chiếm 45,6%) còn lại từ hoạt động cung cấp dịch vụ 568 tỷ đồng (chiếm trên 5%).

Về mặt giá trị doanh thu của cả ba mảng này đều có sự gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Song biên lợi nhuận gộp lại sụt giảm mạnh, đơn cử như hoạt động kinh doanh bất động sản biên lợi nhuận đã giảm từ 41,06% (năm 2016) xuống chỉ còn 25,82% (năm 2017) trong khi đó doanh thu mảng này năm 2017 đã tăng 43% so với năm 2016.

Tương tự, hoạt động bán hàng hóa có tốc độ tăng doanh thu gần 200% so với năm 2016 nhưng biên lợi nhuận cũng sụt giảm xuống chỉ còn 2% trong năm 2017. Riêng hoạt động cung cấp dịch vụ, tập đoàn ghi nhận mức lỗ gộp 0,41 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 135,83 tỷ đồng.

Mặc dù biên lợi nhuận các mảng kinh doanh chính sụt giảm nhưng FLC vẫn duy trì được doanh thu hoạt động tài chính ổn định. Cơ cấu doanh thu tài chính năm 2017 cũng có nhiều sự thay đổi so với năm 2016.

Cụ thể, lãi từ kinh doanh chứng khoán chỉ đạt 92,16 tỷ đồng bằng 1/3 so với năm 2016 thế nhưng lãi từ cho vay lại tăng đột biến từ 184 tỷ (năm 2016) lên 472 tỷ đồng (2017) qua đó giúp FLC bù đắp được toàn bộ chi phí tài chính trong năm (332 tỷ đồng) để báo lãi trước thuế 561,36 tỷ đồng. Với mức lãi ròng 381,88 tỷ đồng thì EPS cơ bản năm 2017 của FLC chỉ đạt 599 đồng/cp và là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Tổng tài sản tăng mạnh, gần 47% tập trung vào phải thu ngắn hạn khách hàng

So với thời điểm đầu năm 2017, thì tổng tài sản trên BCTC tự lập hợp nhất quý 4/2017 của FLC đã tăng gần 30% từ mức 17.898 tỷ đồng lên 22.568 tỷ đồng. Có thể thấy sự tăng lên này không phải tập trung từ các dự án phát triển bất động sản dở dang mà chủ yếu đến từ nhóm tài khoản phải thu ngắn hạn và đặc biệt là phải thu khác và phải thu ngắn hạn khách hàng.

Cụ thể, phải thu ngắn hạn khách hàng tăng gần 5 lần từ 588,1 tỷ đồng lên 2.696 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2016 trong đó phân nửa là các khoản phải thu tại các bên liên quan như CTCP Xây dựng FLC Faros (680,67 tỷ đồng, tăng 4 lần so với đầu năm); CTCP đầu tư du thuyền và sân Golf Biscom tỉnh Bình Định và chi nhánh (741,47 tỷ đồng tăng trên 20 lần so với đầu năm). Phần còn lại những khoản phải thu khách hàng là bên thứ ba tập trung vào hai công ty chính là CTCP Công nghệ OTP FLC Việt Nam (454,17 tỷ đồng ) và CTCP Đầu tư và Xây dựng An Du (296,21 tỷ đồng).

Tương tự khoản phải thu khác chủ yếu là những khoản phải thu từ hoạt động cho vay của Tập đoàn đã tăng 56,2% từ 3.694 tỷ đồng lên 5.771 tỷ đồng.

Phát sinh tăng này tập trung vào nhóm 3 công ty mới được thành lập cuối tháng 11/2017 với người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Ngatrong đó Công ty TNHH đầu tư và phát triển ACO (737,65 tỷ đồng) và Công ty TNHH đầu tư và phát triển ELDON (639,88 tỷ đồng) có cùng trụ sở tại 37 Lê Quý Đôn, phường Ba Đình, Thanh Hóa. Riêng Công ty TNHH đầu tư và phát triển IMR (641,8 tỷ đồng) có trụ sở tại Vĩnh Phúc. Tính chung nhóm tài khoản này chiếm trên 40% tổng tài sản của Công ty.

Về vấn đề này một số nhà đầu tư tỏ ra nghi ngại về biến động dòng tiền trong doanh nghiệp. Thậm chí có ý kiến cho rằng, FLC đang “thổi phồng” doanh thu trong khi hoạt động kinh doanh chính không thực sự hiệu quả.

Hoàng Nguyên

Tin liên quan