Dược Danapha làm ăn thế nào sau khi được Danhson VN thâu tóm?

Cập nhật: 11:58 | 13/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Sau biến động lớn ở thượng tầng với việc Danhson VN trở thành Công ty mẹ, Công ty CP Dược Danapha (UPCoM: DAN) ghi nhận thông tin tích cực về kinh doanh trong những tháng đầu năm 2024.

Quý 1/2024, Dược Danapha thu về 132,7 tỷ đồng từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 10,4 tỷ đồng tương đương tăng 8,5% so với cùng kỳ. Lãi gộp ở mức 65,7 tỷ đồng, tăng đến 24,1% so với quý 1/2023. Điểm trừ là tất cả chi phí đều tăng so với cùng kỳ đã bào mòn đáng kể lợi nhuận. Trong đó chi phí tài chính tăng 54,5%, chi phí bán hàng tăng 6,6%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23,9%.

Khép lại quý đầu năm, Danapha báo lãi 21,9 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 18,5% quý 1/2023. Như vậy, Công ty mới chỉ hoàn thành 24,3% doanh thu và 36,2% lợi nhuận so với kế hoạch năm. Công ty cho biết, việc tăng lãi trong quý đầu năm đến từ sự tăng trưởng đồng đều về doanh thu ở các kênh bán hàng xuất khẩu và các kênh nội địa.

Kết quả kinh doanh kỳ đầu tiên của Danapha kể từ khi được Danhson VN thâu tóm
Kết quả kinh doanh kỳ đầu tiên của Danapha kể từ khi được Danhson VN thâu tóm

Tổng tài sản ông lớn ngành dược ở Đà Nẵng đã tăng từ 1.294,6 tỷ đồng hồi đầu năm 2024 lên 1.395,9 tỷ đồng tại 31/3/2024, chủ yếu do tài sản dài hạn tăng mạnh. Tài sản ngắn hạn giảm khoảng 3% sau ba tháng đầu năm, trong đó giá trị hàng tồn kho giảm được khoảng 4,2 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền bốc hơi hơn 1 nửa, chỉ còn 26,8 tỷ đồng.

Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng thêm 10 tỷ đồng, lên mức 369,8 tỷ đồng, chiếm 69% tài sản ngắn hạn. Điều này cho thấy công ty vẫn đang bị khách hàng chiếm dụng vốn khá lớn.

Tài sản dài hạn tăng mạnh sau 3 tháng do chi chi phí xây dựng dở dang tăng. Điều này dễ hiểu khi Công ty đang tập trung đầu tư các dự án quy mô lớn, gồm Nhà máy sản xuất Dược phẩm & Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và Dự án văn phòng kết hợp căn hộ du lịch tại khu đất vàng trên đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Danapha tăng thêm 80 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm 2024, chủ yếu do tăng nợ dài hạn. Nợ vay hiện ở mức 370,9 tỷ đồng, với 165,3 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, còn lại là nợ vay trong dài hạn.

Như Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đưa tin, thượng tầng Dược Danapha trải qua biến động mạnh trước thời điểm ĐHCĐ thường niên 2024 vừa qua. Tháng 3/2024, Công ty TNHH Danhson VN đã trở thành Công ty mẹ của DAN sau khi mua được hơn 13,8 triệu cổ phiếu DAN, tương đương 66,07%. Số lượng cổ phiếu mua được này vẫn thấp hơn gần 91.000 cổ phiếu Danhson đăng ký mua, do bên bán thỏa thuận không thực hiện được giao dịch vì Công ty Chứng khoán VNDirect bị lỗi hệ thống.

Mới đây, Danhson VN tiếp tục mua thành công hơn 1 triệu cổ phiếu DAN, lượng cổ phiếu nắm giữ sau giao dịch này nâng lên hơn 14,86 triệu cổ phiếu (tương đương 70,97%). Giá trị giao dịch này khoảng hơn 30 tỷ đồng

Trước đó, ông Lê Thăng Bình, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Danapha đã bán 50.000 cổ phiếu, đánh dấu việc thoái vốn toàn bộ tại công ty dược này.

Tại Danhson VN, ông Bình đang là người đại diện pháp luật, tỷ lệ sở hữu 1% cổ phần Công ty. Ông Nguyễn Quốc Thắng (57%) và ông Dobrev (quốc tịch Bulgaria, 38%) đang là các cổ đông lớn nhất của Danhson VN. Doanh nghiệp này thành lập ngày 20/12/2022 với vốn điều lệ chỉ gần 2,5 tỷ đồng, hiện có trụ sở chính tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Dược Danapha (DAN) bị cưỡng chế tài khoản vì nợ thuế

Cục Thuế Đà Nẵng vừa ra quyết định cưỡng chế, phong tỏa tài khoản của Công ty CP Dược Danapha vì nợ thuế kéo dài.

Lãnh đạo đồng loạt thoái vốn, thượng tầng Danapha biến động lớn trước thềm ĐHCĐ

Công ty CP Dược Danapha (DAN) đang có những xáo trộn lớn về cấu trúc thượng tầng khi hàng loạt thành viên HĐQT cùng lúc ...

Thâu tóm thành công Dược Danapha (DAN), Danhson VN vẫn muốn "bơm" hàng chục tỷ đồng gia tăng sở hữu

Sau khi hoàn tất thâu tóm Công ty CP Dược Danapha (UPCoM: DAN) trong tháng 3/2024, Công ty TNHH Danson VN vẫn muốn gom thêm ...

Cao Thái

Tin cũ hơn
Xem thêm