Vải thiều Bắc Giang được ưu tiên đi "luồng xanh" xuất khẩu sang Trung Quốc

Cập nhật: 15:33 | 13/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, do Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero Covid", việc xuất khẩu nông sản nói chung gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ "nút thắt" này, tỉnh đã đề nghị bộ, ngành liên quan kết nối và hiện nay đã được các cơ quan chức năng dành "luồng xanh" cho vải thiều xuất khẩu tại tỉnh Lạng Sơn.

Lục Ngạn (Bắc Giang): Tăng cường kết nối tiêu thụ cho vụ vải thiều năm 2022

Bắc Giang: Người dân phấn khởi khi vải thiều sớm được mùa, được giá

Đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2022

Cụ thể, vải sau khi được kiểm dịch xong sẽ được tập kết vào một bãi riêng và có đường riêng để tạo điều kiện xuất khẩu nhanh nhất sang nước bạn. Nhờ đó, có thời điểm một ngày có hơn 100 xe nông sản thông quan qua cửa khẩu sang Trung Quốc, trong đó có hơn 70 xe là vải thiều Bắc Giang.

Bắt đầu từ năm 2022, thị trường Trung Quốc bắt đầu triển khai thực hiện hàng rào kỹ thuật đối với vải thiều xuất khẩu, đó là vải không được có lá, cuống không dài quá 10cm. Trường hợp vi phạm hàng sẽ bị trả về. Đối với vải thiều, do thời gian bảo quản ngắn nên nếu bị trả về thì chất lượng vải thiều sẽ bị ảnh hưởng.

1644-vaithieu
Ảnh minh họa

Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm 2022, toàn huyện có khoảng 16.000 ha vải thiều, trong đó hơn 12.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU; 100% diện tích vải của huyện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Vụ vải thiều năm 2022 dự báo sản lượng quả tươi trên địa bàn huyện Lục Ngạn đạt khoảng 95.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 21.000 tấn, vải chính vụ khoảng 74.000 tấn. Đến ngày 9/6, toàn huyện Lục Ngạn có 96 điểm cân, thu mua vải đang hoạt động.

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cho biết: 'Năm nay, xác định thị trường Trung Quốc khó khăn bởi nước bạn đang thực hiện chiến dịch Zero Covid, chúng tôi đã sớm làm việc với nước bạn và họ đồng ý dành riêng luồng xanh cho vải thiều".

Cụ thể, xe chở vải thiều lên các cửa khẩu sẽ được tập kết vào bãi đỗ riêng, không chung với các trái cây và nông sản khác. Khi xe nào làm thủ tục kiểm dịch xong, sẽ được đi đường riêng sang ngay bên kia, chứ không phải xếp hàng lần lượt như xe chở các loại trái cây và nông sản khác.

Tỉnh cũng thống nhất với các doanh nghiệp, thương nhân thu mua vải, trước khi đưa hàng lên cửa khẩu phải đảm bảo quy chuẩn theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc là không còn lá, cuống ngắn từ 10cm trở xuống. Thực hiện điều này, kiểm dịch sẽ nhanh.

Theo ông Nam, phía Trung Quốc vẫn dành riêng luồng xanh cho vải thiều xuất khẩu của Việt Nam. Sau khi kiểm dịch xong, vải thiều được tập kết vào một bãi riêng và có đường riêng để tạo điều kiện xuất khẩu vải thiều nhanh nhất sang nước bạn.

"Năm nay khó khăn lớn nhất là về kiểm dịch bảo vệ thực vật và kiểm dịch Covid-19. Chúng tôi đã chủ động làm việc với Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu Hữu Nghị quan (Lạng Sơn) và đã trao đổi với Hà Giang, Lào Cai để mở rộng thêm các cửa khẩu để lượng hàng sang nhiều hơn" – ông Nam chia sẻ.

Hiện Lục Ngạn có 35 mã số vùng trồng được Trung Quốc chấp thuận, với diện tích hơn 11.400 ha và 237 cơ sở đóng gói. Ngoài ra, huyện cũng có 30 mã vùng trồng được Nhật Bản chấp nhận, với diện tích 224,5 ha và 1 cơ sở đóng gói.

Năm 2022, do tình hình thời tiết khá thuận lợi, cây vải ra hoa, đậu quả tỷ lệ từ 70-90%; dự báo sản lượng quả tươi toàn huyện Lục Ngạn đạt hơn 95.000 tấn. Trong đó, riêng đối với vải chín sớm, năm nay Lục Ngạn thu hoạch 21.000 tấn, huyện đã tiêu thụ được trên 15.000 tấn.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, mọi năm, cứ sau ngày 5/5 thì thường giá giảm đi, nhưng năm nay giá vẫn ổn định từ đầu vụ đến bây giờ, giá bán sản phẩm dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, người sản xuất phấn khởi vì vải thiều được mùa, được giá.

Thanh Hằng

Tin liên quan