Bắc Giang: Người dân phấn khởi khi vải thiều sớm được mùa, được giá

Cập nhật: 09:10 | 03/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Vải thiều sớm tại huyện Tân Yên và một số xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang bắt đầu cho thu hoạch. Nhiều thương nhân đã đổ xô đến các điểm bán để thu mua vải với giá cao.

Đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2022

Nhiều doanh nghiệp 'chốt đơn' mỏi tay xuất khẩu vải thiều sang nhiều thị trường

Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu vải ở những thị trường 'khó tính'

Theo báo Bắc Giang, vải thiều sớm tại huyện Tân Yên và một số xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã bắt đầu cho thu hoạch, nhiều thương nhân đổ xô đến các điểm bán để thu mua với giá cao.

Từ ngày 25/5 đến nay, vải thiều sớm tại huyện Tân Yên cho thu hoạch rộ. Anh Nguyễn Văn Sĩ, chủ điểm cân tại thôn Quất Du, xã Phúc Hòa (Tân Yên) cho biết, giá vải bán tại các điểm cân sáng 31/5 dao động từ 22.000 - 28.000 đồng/kg; vải xuất khẩu sang Nhật Bản được thu mua với giá từ 30.000 - 35.000 nghìn đồng/kg.

0436-vaithieu
Ảnh minh họa

Hiện vải sớm tại một số xã của huyện Lục Ngạn như: Phượng Sơn, Quý Sơn, Hồng Giang, Tân Mộc… đã chín rải rác. Trên địa bàn huyện Lục Ngạn cũng xuất hiện các điểm thu mua nhỏ lẻ và đóng gói vải thiều đưa vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ với giá cao.

Theo khảo sát, giá vải sớm tại huyện Lục Ngạn trong những ngày này dao động từ 22 đến hơn 30 nghìn đồng/kg, tuỳ theo mã và chất lượng quả, cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2021. Việc mua, bán được diễn ra thuận lợi.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Bắc Giang có hơn 6.700 ha vải sớm, tổng sản lượng khoảng 67.000 tấn. Do năm nay thời tiết lạnh kéo dài nên vải chín muộn hơn các năm trước gần nửa tháng, dự kiến thời gian thu hoạch từ ngày 25/5-15/6.

Nhờ thời tiết mưa nhiều, lại được chăm sóc tốt nên các trà vải sớm của Bắc Giang năm nay có chất lượng cao, mã đẹp.

Vải thiều là loại trái cây được mong đợi nhất vào mùa hè hằng năm tại Nhật Bản. Vì vậy, cách đây 2-3 tháng, các đơn vị nhập khẩu đã lên kế hoạch nhập hàng và chào bán chuyến vải đầu tiên.

Tuy nhiên, năm nay Nhật Bản áp dụng quy định kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản từ Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ thực hiện các bước thận trọng, thu mua vải thiều chất lượng cung cấp đến người tiêu dùng.

Theo đại diện Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), gần đây, năng lực thông quan tại các cửa khẩu hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng dần lên, tạo nền móng cho giao lưu thương mại và xuất nhập khẩu thời gian tới. Để tránh ùn tắc, bảo đảm chuỗi cung ứng thương mại xuyên biên giới, thời gian tới hai bên tiếp tục hợp tác thúc đẩy giao thương.

Chung tay tiêu thụ vải thiều, kết nối thị trường mới

Năm vừa qua, vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Nhờ mọi người cùng nhau chung tay giúp người dân Bắc Giang tiêu thụ vải. Ước tính sản lượng vải thiều toàn tỉnh tăng so với dự kiến (180 nghìn tấn). Đến nay, vải thiều tại huyện Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế đã tiêu thụ xong chỉ còn Lục Ngạn, Sơn Động đang thu hoạch phần còn lại.

Được sự chung tay hỗ trợ của cả nước cùng với tổ chức hội nghị trực tuyến 30 điểm cầu trong nước và quốc tế, vải thiều Bắc Giang không ngừng mở rộng thị trường. Trong nước, vải thiều đã vươn đến các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, miền Trung… mà những vụ trước hiếm có. Với xuất khẩu, Bắc Giang vẫn duy trì tốt thị trường truyền thống Trung Quốc và xúc tiến đưa vải sang nhiều thị trường mới như: Mỹ, EU, Lào, Campuchia...; tiếp tục chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản.

Ngoài ra, vải thiều khi sản lượng tiêu thụ nhiều qua siêu thị, tập đoàn bán lẻ lớn như: Aeon, Mega Market, Lotte, Central Retail (GO! BigC), Vinmart, Vinmart+, Saigon Co.op. Các siêu thị đều dành vị trí đẹp để trưng bày, quảng bá.

Sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, càng khẳng định uy tín của vải thiều Bắc Giang. Chị Nguyễn Thị Huyền, TP Yên Bái (Yên Bái) chia sẻ: "Nhờ Bưu điện tỉnh kết nối nên tôi được mua vải thiều Bắc Giang. Quả to, đều, mã đẹp, rất ngon để dùng và biếu người thân".

Bên cạnh phương thức bán hàng trực tuyến thì giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) được đẩy mạnh. Theo đại diện Sở Công Thương, trước đây việc "đưa vải lên sàn" chủ yếu ở bước thăm dò song với 7 trang TMĐT trong nước, quốc tế đã giao dịch tiêu thụ thành công hàng nghìn tấn vải thiều. Từ kết quả này, TMĐT sẽ được đẩy mạnh, người tiêu dùng tiếp cận nhanh, nhiều hơn.

Thanh Hằng

Tin liên quan