Đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2022

Cập nhật: 08:21 | 02/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Để chủ động, hỗ trợ nhân dân sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh năm 2022; phù hợp với diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước. UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với gần 80 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp 'chốt đơn' mỏi tay xuất khẩu vải thiều sang nhiều thị trường

Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu vải ở những thị trường 'khó tính'

Hơn 100 thương nhân Trung Quốc sẽ đến Bắc Giang thu mua vải thiều

Vừa qua, ngày 25/5/2022, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với gần 80 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tiến hành trao đổi, tìm kiếm đối tác, hợp tác tiêu thụ vải thiều.

5401-vaithieu
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của UBND Tỉnh, năm 2022, tình hình thời tiết khá thuận lợi nên cây vải thiều ra hoa, đậu quả với tỷ lệ từ 70% - 90%. Diện tích vải thiều toàn Tỉnh duy trì 28.300 ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn, giảm khoảng 40.000 tấn so với năm 2021.

Trong đó, vải chín sớm 6.750 ha, sản lượng ước đạt 60 nghìn tấn; vải thiều chính vụ diện tích 21.250 ha, sản lượng ước đạt 120 nghìn tấn.

Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, chiếm 54% tổng diện tích toàn Tỉnh, sản lượng ước đạt 112.900 tấn, chiếm 62,7% tổng sản lượng vải; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1 nghìn tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản có diện tích 269,45 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.

Về thị trường tiêu thụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường gồm cả trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND Tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, các địa phương chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều.

Đối với thị trường trong nước, ngay từ đầu vụ, vải thiều sớm đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: Megamart, GO!, Coopmart, các chợ đầu mối hoa quả ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các thị trường ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong cả nước.

Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua.

Ngoài tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Singapore… Bắc Giang còn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Trung Đông, Thái Lan, Canada…

Tiếp theo thành công của vụ vải thiều năm 2021 khi đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử lên tới trên 9.000 tấn với gần 1 triệu đơn hàng ngay trong mùa dịch, năm nay tỉnh Bắc Giang cũng hết sức quan tâm đổi mới phương thức tiêu thụ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, nền tảng trực tuyến...

Phát huy kết quả nổi bật đã đạt được trong vụ mùa năm 2021, Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều qua các sàn thương mại điện tử với sự phối hợp của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics... Có thể hi vọng rằng, tới đây sẽ là thời điểm để sản phẩm vải thiều Bắc Giang năm 2022 hứa hẹn sẽ tiếp tục "được mùa", "được giá" trên các sàn thương mại điện tử.

Theo Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay, với sản lượng ước tính đạt 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20/5 - 20/7. Mặc dù vậy, nếu so với năm 2021, sản lượng vải thiều giảm khoảng 16%, theo số liệu của Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang.

Năm nay, vải thiều Bắc Giang dự kiến được tiêu thụ 108.000 tấn (60%) tại thị trường trong nước thông qua các hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn, các chợ đầu mối trong và cả nước. Số còn lại là 72.000 tấn (40%) tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tỷ lệ cơ cấu thị trường tiêu thụ này tương đương so với năm ngoái. Đáng chú ý, Trung Quốc tiêu thụ tới 90% lượng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu năm 2021. Hiện tại, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách Zero COVID do đó, việc tiêu thụ vải thiều tại thị trường này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ khó khăn hơn.

Ngoài ra để hoạt động tiêu thụ vải thiều thuận lợi, phía Trung Quốc sẽ chuẩn bị đủ số lượng đầu xe để kéo hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng như bố trí bãi đỗ xe dành riêng cho các xe chở vải thiều của Bắc Giang...

Trước những yêu cầu từ phía Trung Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn khẳng định tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn các nhà vườn chăm sóc vải bảo đảm an toàn; làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ khâu sản xuất, thu hái đến khâu bốc sếp hàng hóa, vận chuyển đi tiêu thụ.

Các cá nhân trước khi vận chuyển vải thiều đi xuất khẩu đều được xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR. Tỉnh thành lập tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ thương nhân tiêu thụ vải thiều. Tỉnh Bắc Giang sẽ phát động 100 ngày tập trung cao cho hoạt động tiêu thụ vải thiều.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm ngoái, tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng (tương đương với năm có doanh thu cao nhất). Trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.547 tỷ đồng.

Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm