Dòng tiền khối ngoại đang dịch chuyển từ cổ phiếu sang trái phiếu

Cập nhật: 07:32 | 29/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Diễn biến của thị trường chứng khoán luôn đi trước diễn biến thực của nền kinh tế. Việc thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trong thời gian gần đây thể hiện rõ kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, nếu nhìn vào động thái bán ròng mạnh của dòng tiền khối ngoại thời gian qua, phần lớn nhà đầu tư đang bày tỏ quan ngại về vấn đề này.

Trong buổi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, diễn biến tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong xu hướng tăng chung của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh hơn các nước.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
(Nguồn ảnh TTXVN)

Chốt phiên giao dịch ngày 25/6/2021, chỉ số VN - Index đạt 1.390 điểm - tăng 2,5% so với cuối tháng 5/2021 và tăng 23,5% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX - Index lên mức 318 điểm - tăng 56,2% so với cuối năm 2020.

Đặc biệt hơn, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng rất mạnh, kể từ đầu tháng 6 đến nay, giao dịch bình quân đạt trên 32.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường không ngường nghỉ khiến chứng khoán ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút mọi tầng lớp người dân tham gia.

Lý giải về đà tăng của thị trường, bà Bình cho rằng, về mặt kinh tế vĩ mô, số liệu 5 tháng đầu năm 2021 rất tích cực. Cụ thể, xuất khẩu 5 tháng qua tăng trên 30%, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lãi suất duy trì ở mức thấp, dòng tiền vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, tiền ảo trong thời gian gần đây có chững lại khi Nhà nước có những biện pháp kiềm chế. Nhờ vậy, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất mạnh.

Ngoài ra, có 1 lý do rất quan trọng là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cho thấy mức độ chống chọi khá hiệu quả với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Doanh thu quý I/2021 của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10,9%; lợi nhuận tăng 66,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đó là lý do chính khiến giá cổ phiếu tăng lên.

"Diễn biến của thị trường chứng khoán luôn đi trước diễn biến thực của nền kinh tế. Việc thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trong thời gian gần đây thể hiện rõ kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch", bà Bình nhận định.

Cùng với nhận định trên, theo bà Tạ Thanh Bình, dòng tiền cá nhân vẫn là yếu tố cơ hội trên thị trường chứng khoán vẫn thắng thế so với thách thức.

Theo bà Bình, những yếu tố giúp thị trường tăng điểm vẫn còn đó bao gồm cả những chính sách vĩ mô, nội tại của doanh nghiệp niêm yết, chính sách tiền tệ chưa có thay đổi rõ rệt trong ngắn hạn và thậm chí là độ hấp dẫn của dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, các loại tiền kỹ thuật số chưa có độ hấp dẫn để thu hút được dòng tiền. "Chắc chắn thị trường sẽ có sự phát triển tiếp theo mặc dù một số cổ phiếu nhất định có sự tăng trưởng nóng sẽ có sự điều chỉnh. Toàn thị trường vẫn có cơ hội tốt", bà Bình cho biết.

Về việc khối ngoại bán ròng trên thị trường cổ phiếu trong khi mua ròng trái phiếu, đại diện đến từ UBCKNN đánh giá, việc bán ròng chưa đến mức tiêu cực hoặc chưa phải là vấn đề cần phải có sự tác động nhất từ chính sách bởi:

Thứ nhất, khối ngoại bán ròng cổ phiếu và mua ròng trái phiếu chứng tỏ có sự dịch chuyển trong phân bổ danh mục.

Thứ hai là bán ròng khác với rút ròng, con số thống kê của UBCKNN cho thấy số dư tiền mặt trên tài khoản nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán vẫn lớn, chứng tỏ khối ngoại tiếp tục chờ đợi cơ hội giải ngân tiếp theo.

Thực tế, giá trị tuyệt đối rút ròng trên thị trường chứng khoán trong tháng 5/2021 khá cao nhưng so sánh tương quan của các nước châu Á là khiêm tốn. Khối ngoại bán ròng tại thị trường Việt Nam khoảng 497 triệu USD trong tháng 5 trong khi ở Thái Lan là 1,1 tỷ USD, Đài Loan là 2,1 tỷ USD, Hàn Quốc là 7,97 tỷ USD.

Nếu xét về giá trị tuyệt đối, đây chưa phải là con số báo động đáng quan ngại. Tuy nhiên, về mặt khía cạnh quản lý thì UBCKNN vẫn theo sát tất cả diễn biến của nhà đầu tư nước ngoài.

Chiều 28/6, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã tổ chức buổi tọa đàm "Chứng khoán và những con số". Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ chuỗi talkshow "Thị trường chứng khoán và dự báo" được diễn ra liên tiếp từ ngày 28 - 30/6/2021 nhằm chia sẻ đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý về những con số ấn tượng thị trường chứng khoán Việt Nam, hoạt động doanh nghiệp và nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021.

Nhận định chứng khoán ngày 29/6/2021: Có thể kích hoạt nhịp điều chỉnh ngắn hạn

VN-Index duy trì đà tăng khá tốt sau khi vượt vùng kháng cự “cứng” 1.370-1.380 điểm, nhưng chủ yếu là nhờ lực kéo của một ...

Khối ngoại bán ròng hơn 200 tỷ đồng phiên VN-Index leo đỉnh

Trong phiên VN-Index vượt mốc 1.400 điểm, khối ngoại bán ròng hơn 210 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 9 tỷ đồng ...

Phiên chiều 28/6/2021: Tăng gần 16 điểm, VN-Index chinh phục mốc 1.400

Kết phiên giao dịch ngày 28/6/2021, VN-Index tăng 15,69 điểm (1,13%) lên mức đỉnh lịch sử 1.405,81 điểm với sự góp sức của hàng loạt ...

Minh Thuận T/H