Điểm tên ông lớn hưởng lợi từ các dự án trọng điểm đầu tư công 2021-2025

Cập nhật: 10:11 | 22/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Theo kế hoạch năm 2024 của Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công dự kiến tăng 12% so với thực hiện năm 2023 lên mức 657 nghìn tỷ đồng, chủ yếu triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam GĐ2, sân bay quốc tế Long Thành, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội

Dư địa lớn

Tính đến cuối tháng 7 năm nay, thanh toán vốn đầu tư công của cả nước là hơn 232 nghìn tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch và đạt gần 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang có dấu hiệu chậm lại khi tỷ lệ thanh toán 7 tháng đầu năm 2024 thấp hơn cùng kỳ khoảng 3% về tỷ lệ và 35 nghìn tỷ đồng về con số tuyệt đối. Điều này đặt ra áp lực lớn và yêu cầu các bộ, ban, ngành và địa phương phải nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch đề ra.

Điểm tên ông lớn hưởng lợi từ các dự án trọng điểm đầu tư công 2021-2025
Hình minh họa.

Theo tìm hiểu, những khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngoài việc chưa vào cuộc quyết liệt của các chủ đầu tư thì chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu,...

Tuy nhiên trong thời gian tới, dự kiến sẽ hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, phát triển vùng/địa phương và hoàn thiện sửa Luật đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở sửa đổi. Trong đó, Luật Đất đai được áp dụng kể từ tháng 8/2024 sẽ tạo hành lang pháp lý nhằm giải quyết vướng mắc trong quá trình đền bù, GPMB và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của chủ đầu tư trong triển khai đầu tư công. Những quy định này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ tại 1 số dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam như dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Vạn Ninh - Cam Lộ,…

Điểm tên ông lớn hưởng lợi từ các dự án trọng điểm đầu tư công 2021-2025
Nhà thầu các dự án trọng điểm đầu tư công 2021-2025. Nguồn: Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp

Theo Agriseco Research, năm 2024 sẽ là năm đẩy mạnh xây dựng công trình giao thông trọng điểm. Chính phủ đã đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ tập trung thực hiện các đại dự án mang tính liên kết giữa các vùng như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội, 3 cao tốc phía Nam. Năm 2024 cũng là năm thứ 4 triển khai thực hiện Kế hoạch vốn đầu tư NSNN giai đoạn 2021 – 2025 (khoảng 2,87 triệu tỷ đồng). Hiện vốn đầu tư từ NSNN thực hiện 2021 – 2023 ước khoảng 1,57 triệu tỷ đồng, để hoàn thành kế hoạch thì trong 2 năm tới sẽ cần giải ngân khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.

Doanh nghiệp được chỉ định thầu sẽ là các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt và có kinh nghiệm thực hiện các gói thầu như: HHV, C4G, VCG, LCG, G36,...

Trúng thầu lớn, làm ăn ra sao?

Về CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UpCoM: C4G), doanh thu trong Q2/2024 tăng trưởng mạnh 66,5% so với cùng kỳ, đạt mốc 1.027 tỷ đồng chủ yếu đến từ lượng backlog lớn năm 2023 và tất cả trạm BOT C4G đang quản lý được chấp thuận tăng giá vé. Ở chiều ngược lại, doanh thu từ lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm 50% so với cùng kỳ do mặt bằng lãi suất thấp đã kéo doanh thu từ hoạt động tài chính giảm khá mạnh 40,5%, còn mức 22 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong Q2/2024 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ (+77,5%, đạt 60 tỷ đồng), một phần nhờ chi phí lãi vay đã giảm 40% (mặt bằng lãi suất thấp) và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm đáng kể.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, C4G ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.586 tỷ đồng và lãi ròng là 102 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 70% và 41% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong thời gian tới, dự kiến các dự án hạ tầng sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng của doanh nghiệp qua lượng backlog dồi dào:

Điểm tên ông lớn hưởng lợi từ các dự án trọng điểm đầu tư công 2021-2025
Các công trình trọng điểm của C4G đoạn 2024-2026. Nguồn: Chứng khoán VCBS

Ngoài ra, tỷ lệ nợ vay tài chính/VCSH của C4G so với các doanh nghiệp cùng ngành duy trì ở mức tương đối thấp. Điều này mang đến lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu, đồng thời tạo vị thế an toàn cho giai đoạn cần sự tự chủ lớn về nguồn vốn sắp tới.

Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HoSE: VCG), doanh thu thuần trong Q2/2024 ghi nhận giảm tới 38,7% so với cùng kỳ, đạt 2.800 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ mảng xây lắp giảm 17% so với cùng kỳ do các dự án lớn VCG triển khai sẽ tập trung nửa cuối năm, mảng BĐS cũng giảm mạnh do nửa đầu năm 2024 chỉ bàn giao số ít sản phẩm còn lại tại dự án Green Diamond. Theo đó, lợi nhuận gộp giảm tới 31,8%, còn 340 tỷ đồng do đóng góp ít hơn của mảng BĐS.

Kết thúc kỳ quý 2/2024, VCG mang về lợi nhuận sau thuế 163 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% nhờ biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp cải thiện và các chi phí như tài chính, bán hàng giảm mạnh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu Vinaconex cán mốc 5.587 tỷ đồng và lãi ròng đạt 646 tỷ đồng, lần lượt đạt 37,2% và 70% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Triển vọng backlog xây dựng của VCG trong thời gian tới khá tích cực nhờ trúng thầu tại 1 số dự án trọng điểm như: nhà ga T3 sân bay Long Thành, dự án thành phần (thuộc cao tốc Bắc - Nam) như Bãi Vọt – Hàm Nghi, Nghi Sơn – Diễn Châu. Đây là các dự án quan trọng được đẩy nhanh tiến độ trong giai đoạn 2024 - 2025 và có thể đóng góp khoảng 40% giá trị backlog của doanh nghiệp.

Điểm tên ông lớn hưởng lợi từ các dự án trọng điểm đầu tư công 2021-2025
Các dự án trúng thầu của VCG tại cao tốc Bắc Nam. Nguồn: MBS Research

Một cái tên nữa không thể nhắc tới đó là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HSX: HHV). Trong kỳ quý 2/2024, doanh nghiệp mang về doanh thu thuần 814 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp đạt mức 342 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 16%, ngược lại chi phí tài chính tăng 15,3% (tương ứng 27 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 52,7% đã phần nào bào mòn lợi nhuận của HHV.

Kết thúc Q2/2024, HHV thu về 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ 14,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, con số này là 239 tỷ đồng, qua đó hoàn thành 59,2% mục tiêu kinh doanh cả năm.

Trong ngắn hạn, động lực tăng trưởng chính của HHV dự kiến đến từ doanh thu mảng BOT nhờ được phê duyệt tăng giá vé và tăng trưởng lưu lượng kết nối với các tuyến cao tốc đang xây dựng. Nổi bật là dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả và hầm Phước Tượng - Phú Gia; dự án Bắc Giang - Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, nguồn công việc xây lắp lớn chủ yếu từ gói thầu cao tốc Bắc Nam, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (chiếm 65% kế hoạch doanh thu xây dựng của HHV)

Điểm tên ông lớn hưởng lợi từ các dự án trọng điểm đầu tư công 2021-2025
Nguồn: Kinhtechungkhoan.vn tổng hợp

Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm, nợ vay cao đang tạo áp lực lớn lên dòng tiền hoạt động kinh doanh của HHV. Tính đến 30/06/2024, Giao thông Đèo Cả ghi nhận khoản nợ phải trả là hơn 28.000 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn chiếm phần lớn. Điều này khiến HHV “gánh” 1 khoản chi phí lãi vay khá lớn (203 tỷ đồng trong Q2/2024) và bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Điểm tên 6 cổ phiếu hưởng lợi từ biến động giá hàng hóa nửa cuối năm 2024

Trong báo cáo nghiên cứu diễn biến hàng hóa nửa cuối năm 2024, Agriseco Research đưa ra kỳ vọng về những nhóm doanh nghiệp được ...

ABS Research điểm tên các cổ phiếu bất động sản nhà ở hưởng lợi từ quy định mới

Trong báo cáo chuyên đề về ngành bất động sản nhà ở vừa công bố, Bộ phận phân tích Chứng khoán An Bình (ABS Research) ...

Nguyễn Phương

Tin cũ hơn
Xem thêm