Đại biểu kiến nghị xem xét lại mục tiêu tăng trưởng giai đoạn tới

Cập nhật: 09:18 | 05/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Tại ngày làm việc thứ ba, đợt hai của kỳ họp thứ 10 (4/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia và cơ cấu lại nền kinh tế.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị xem xét lại một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu như điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm sau cho hợp lý, vì mục tiêu 6% là khá cao trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu đã tác động đến nhiều địa phương.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quốc hội.

Đồng thời, chỉ tiêu quy mô GDP bình quân đầu người 3.700 USD/người được cho là quá cao, trong khi con số này năm nay mới ước đạt 2.750 USD/người. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng được đại biểu cho là chưa hợp lý, vì thấp hơn so với 2019 và 9 tháng đầu năm nay.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tiến còn đề nghị tăng chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng và bổ sung chỉ tiêu mức tiêu hao năng lượng trên GDP để phản ánh kết quả đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất và tái cấu trúc nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằn,g đại dịch COVID-19, tình hình bão lũ, thiên tai sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế, vì vậy cần có những kịch bản, phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại trong điều kiện bình thường mới.

Góp ý về nhiệm vụ, giải pháp phát triển tình hình kinh tế xã hội trong năm tới, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm những cân đối của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, cứu trợ người dân vùng bị thiệt hại bão lũ, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống để tiếp tục sản xuất kinh doanh như tái định cư nhà ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất giống và vốn cũng được đề xuất. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị đầu tư mua sắm phương tiện, máy móc, trang thiết bị dự trữ quốc gia để đáp ứng nhu cầu ứng cứu trong trường khẩn cấp.

Về định hướng phát triển cho 5 năm tới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Vũ Tiến Lộc (Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng đề ra cho giai đoạn này là đầy thách thức nếu như nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua.

"Từ năm 2010 đến năm 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Nếu tính thêm cả năm 2009 và năm 2020, con số còn thấp hơn nữa. Bởi vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5 - 7% trong 5 năm tới theo tôi là mục tiêu rất gian nan. Tương tự, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD vào năm 2025 cũng sẽ cần phải có rất nhiều nỗ lực", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, có khát vọng là cần thiết, đặt ra mục tiêu cao sẽ thúc đẩy cả hệ thống nỗ lực hơn, nhưng cũng sẽ gây sức ép lên các chính sách tài khóa và tiền tệ và có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô như đã từng xảy ra trong quá khứ.

"Đây là điều rất cần cẩn trọng và tôi đề nghị Chính phủ trong chỉ đạo điều hành cần ưu tiên mục tiêu ổn định, coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, là bệ đỡ cho mọi khát vọng bay lên", ông Lộc nói.

Trước đó, thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia…

Đại biểu Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước từ 2016 đến nay và cho rằng 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế xã hội vẫn đạt được những kết quả nhất định như dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là nước thuộc nhóm các nước có số người mắc bệnh và chết thấp nhất nên được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 2% trong khi hầu hết các nước trong khu vực và thế giới đều có tăng trưởng âm. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra. Khu vực nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng cao và cao hơn năm ngoái và là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm khó khăn.

GDP bình quân đầu người năm 2020 khó đạt chỉ tiêu đề ra

GDP của Việt Nam về danh nghĩa vượt Singapore và Malaysia nhưng hai nước này có dân số rất thấp, trong khi dân số Việt ...

Năm 2020: Thành công nhất dù tăng trưởng thấp nhất

Ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù tăng trưởng GDP năm 2020 không đạt như kế hoạch từ trước, tăng trưởng ...

Chính phủ cần chỉ đạo nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán

Tại ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (20/10), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ...

Quốc Trung

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm