Các ngân hàng đang kiếm tiền bằng cách nào?

Cập nhật: 14:38 | 10/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sự phát triển của xã hội. Nhiều người thắc mắc các ngân hàng đang kiếm tiền bằng cách nào?

Hiện nay, đối tượng khách hàng của các ngân hàng được chia thành 2 nhóm chính. Đó là khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức.

Đối với khách hàng cá nhân, nhà băng sẽ cung cấp các dịch vụ như mở tài khoản tiết kiệm thông thường, tài khoản thanh toán, thẻ tín dụng/ghi nợ, cho vay tiêu dùng/mua bất động sản/ô tô/kinh doanh, bảo hiểm, chuyển – nhận tiền… Ngoài ra, ngân hàng có thể thông qua các công ty con để cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán, đầu tư quỹ mở.

Đối với khách hàng tổ chức được chia thành 2 loại: định chế tài chính và khách hàng doanh nghiệp thông thường. Định chế tài chính bao gồm các ngân hàng khác, công ty bảo hiểm, công ty tài chính. Khách hàng doanh nghiệp bao gồm nhóm doanh nghiệp lớn/vừa/nhỏ/mới thành lập/có vốn đầu tư nước ngoài. Ngân hàng sẽ cung cấp các dịch vụ như cho vay, quản lý tài khoản, dịch vụ thẻ, ngoại hối, bảo lãnh, bảo hiểm…

Các ngân hàng đang kiếm tiền bằng cách nào?
Ảnh: Internet

Các sản phẩm của ngân hàng rất đa dạng tuy nhiên hoạt động đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho ngân hàng vẫn là hoạt động tín dụng. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng của ngân hàng đến từ lãi suất của người đi vay phải trả. Cụ thể, các nhà băng sẽ sử dụng nguồn tiền mà khách hàng gửi tiết kiệm để cho vay và lấy lãi. Nếu khách hàng có khả năng trả nợ càng thấp, vay càng xa, xếp hạng tín dụng càng thấp thì lãi suất đi vay sẽ càng cao.

Để hiểu hơn về trường hợp này, hãy cùng tìm hiểu một ví dụ: Chẳng hạn như anh A vay ngân hàng với lãi suất 9% năm, chị B là người gửi tiền với lãi suất 6%/năm, giả sử hai người gửi và vay khoản tiền như nhau. Như vậy, phần chênh lệch lãi suất 3% nhân với số tiền cho vay sẽ là lãi thuần của ngân hàng hay còn được gọi là NIM. NIM là phần chênh lệch giữa lãi cho vay và lãi suất tiết kiệm của người gửi.

Các nhà băng thường cố hết sức để đẩy lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống mức thấp nhất và nâng lãi suất cho vay lên cao nhất để đạt chỉ số NIM lớn nhất. Chỉ số NIM càng cao càng thể hiện ngân hàng hoạt động hiệu quả.

Hiện nay, số lượng tiền gửi vào tài khoản thanh toán tại các nhà băng chính là nguồn vốn giá rẻ và gần như là miễn phí để ngân hàng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, khoản chênh lệch lãi suất 3% không hoàn toàn là lợi nhuận của ngân hàng. Vì trong quá trình hoạt động kinh doanh, ngân hàng sẽ phải trả nhiều khoản phí khác như tiền lương nhân viên, chi phí liên quan đến việc vận hành tín dụng như thẩm định, phê duyệt tín dụng, giải ngân, cho vay, quản lý sau tín dụng hay đóng các loại thuế.

Đồng thời, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại phải đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tỷ lệ này sẽ do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Chẳng hạn như tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định là 10%, khi một khách hàng gửi 5 tỷ, ngân hàng thương mại bắt buộc phải giữ lại 500 triệu và số tiền này sẽ được gửi vào kho của NHNN.

Đây là một biện pháp của chính sách tiền tệ. Ngân hàng nhà nước có thể điều hành cung tiền thông qua chính sách này. Trường hợp tiền ngoài thị trường quá nhiều, NHNN sẽ tiến hành tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để ngân hàng thương mại phải gửi tiền về két của NHNN nhiều hơn. Từ đó giảm lượng tiền trên thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thường không cao.

Hoạt động tín dụng là hoạt động quan trọng và mang lại nguồn thu nhất trong các nhà băng. Tuy nhiên, hoạt động này sẽ bị quản lý bởi NHNN, việc cho vay sẽ bị giới hạn. Vì thế, ngân hàng thương mại sẽ phải kiếm thêm nguồn thu từ các khoản khác, trong đó có hoạt động phi tín dụng. Một số khoản thu từ hoạt động phi tín dụng có thể kể tới như: Thu các loại phí: phí chuyển tiền, phí rút tiền ATM, phí phát hành và duy trì thẻ tín dụng, phí SMS, phí dịch vụ bảo hiểm, phí interchange…Ngoài ra còn các khoản doanh thu khác: Ngoại hối, thẻ tín dụng, kinh doanh chứng khoán, bán trái phiếu, bảo hiểm…

Thêm 3 nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm từ hôm nay 9/5

Ngày 8/5, có 3 ngân hàng công bố điều chỉnh tăng mạnh lãi suất là TPBank, PGBank và SeABank.

Ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng cao nhất tháng 5/2024?

Theo khảo sát mới nhất tháng 5/2024, các ngân hàng được khảo sát đang áp dụng khung lãi suất từ 2,9%/năm đếm 4,8%/năm, lĩnh lãi ...

Lãi suất MBBank: Gửi tiết kiệm 500 triệu đồng nhận bao nhiêu tiền lãi?

Theo khảo sát ngày 10/5, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) đang triển khai mức lãi suất tiết kiệm trong khoảng 2,1 - 5,6%, tuỳ ...

Tường San