Bất động sản “béo bở” nguồn FDI: Nhà đầu tư Việt coi chừng thất thế

Cập nhật: 14:33 | 30/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Nền kinh tế phát triển tốt, chính sách thu hút vốn đầu tư dần cải thiện, thêm vào đó là việc thị trường bất động sản Việt Nam đang nằm trong nhóm dẫn đầu các ngành kinh tế về doanh thu đã tạo ra một sức hút mạnh vốn ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam.  

Đà tăng trưởng mạnh mẽ

Con số vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 8 tháng đầu năm, đã có 24,35 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, vốn đăng ký cấp mới là 13,48 tỷ USD, vốn tăng thêm là 5,58 tỷ USD, còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 5,28%. Như vậy, so với thời điểm giữa tháng 6, số vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 4,02 tỷ USD.

Con số trên không tăng nhiều so với mức gần 23 tỷ USD của 7 tháng đầu năm, chủ yếu do trong tháng 8, không có dự án quy mô lớn nào được cấp chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, dấu ấn của các dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản vẫn khá rõ nét.

bat dong san beo bo nguon fdi nha dau tu viet coi chung that the
Nhiều nhà đầu tư ngoại sốt sắng tràn tiền vào Việt Nam (ảnh minh họa)

Theo tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài, có tới 3/5 dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 8 tháng qua thuộc lĩnh vực bất động sản. Trong đó, lớn nhất là Dự án Thành phố thông minh (Hà Nội), vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD của liên doanh nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và BRG (Việt Nam). Tiếp đó là Dự án Laguna (Thừa Thiên Huế) nâng vốn đầu tư thêm 1,2 tỷ USD và Dự án Lotte Mall (Hà Nội), vốn đầu tư 600 triệu USD, với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày…

Ba dự án trên đã góp phần quan trọng đưa tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản trong 8 tháng đầu năm lên 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Đồng thời, đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này lũy kế đến nay đạt 56,8 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhất ở Việt Nam.

Những con số trên đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam với các nhà đầu tư ngoại. Việc ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản cũng đã thêm một lần nữa chứng minh điều này.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 mới đây, Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn đã nhắc tới hàng loạt thương vụ lớn mà các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài, như Warburg Pincus, Mapletree, Keppel Land, Frasers Centrepoint, Hong Kong Land, Lotte E&C…, thực hiện trong thời gian qua để chứng minh điều này. Trong số này, chỉ riêng Quỹ đầu tư Warburg Pincus đã cam kết rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam, phần lớn trong số này đã được phân bổ đầu tư vào các danh mục bất động sản bao gồm thương mại, khách sạn và công nghiệp.

Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá say sưa với thị trường bất động sản Việt Nam, thì một câu hỏi được đặt ra đã vài năm gần đây, chứ không phải chỉ khi Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI. Đó là Việt Nam có nên tiếp tục hút FDI vào bất động sản hay không?

Liệu có “lợi bất cập hại”?

Dẫn nguồn baodautu.vn, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư đã nhiều lần nhắc đến những cái tên như Phú Mỹ Hưng trước đây và sau này là Mapletree, Keppel Land… để khẳng định rằng, với sự góp mặt của các doanh nghiệp FDI, bộ mặt đô thị Việt Nam đã thay đổi, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam cũng đã phát triển.

Giám đốc Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cũng từng nhắc đến 5 tác động quan trọng của làn sóng FDI trong lĩnh vực bất động sản. Đó là không chỉ mang tới nguồn lực, kinh nghiệm, mà còn góp phần gia tăng tính cạnh tranh, hỗ trợ phát triển một thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững…

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Hoàng Châu cho rằng nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường bất động sản là do Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở theo hướng thông thoáng hơn; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư, kinh doanh bất động sản gần tương tự nhà đầu tư trong nước. Cùng với đó, kinh tế tăng trưởng vững chắc, nhiều doanh nghiệp Việt có năng lực và uy tín thương hiệu, tầng lớp trung lưu tăng mạnh… cũng là các lý do được các nhà đầu tư nước ngoài nhắc tới khi đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, dòng vốn FDI đổ vào bất động sản dù tăng liên tục, nhưng hàng chục năm qua vẫn chỉ loanh quanh ở góp vốn, mua cổ phần và tập trung ở dự án chung cư cao cấp hoặc bất động sản nghỉ dưỡng.

bat dong san beo bo nguon fdi nha dau tu viet coi chung that the
Nguồn cung nhà ở thứ cấp trở thành đứa con thất sủng với nhiều ông lớn BĐS ngoại (ảnh internet)

Trong khi đó, những phân khúc khác như nhà ở xã hội, tái định cư hay sửa chữa, xây mới nhà chung cư cũ, di dời nhà ven kênh, nhà cho người có thu nhập thấp… lại ít xuất hiện vốn FDI.

Còn Savills Việt Nam lại cho rằng, việc rót vốn vào thị trường bất động sản đã được các nhà đầu tư ngoại tính toán rất kỹ và họ thường chọn các phân khúc sinh lời cao. Ngay cả việc bắt tay với đối tác doanh nghiệp nội để triển khai dự án, nhà đầu tư ngoại cũng tìm hiểu, điều tra rất kỹ nên “dù TP.HCM đã trải thảm đỏ mời các doanh nghiệp ngoại rót vốn đầu tư các dự án xây mới chung cư cũ, nhà ở xã hội, di dời nhà ven kênh…, nhưng vẫn không hút được một doanh nghiệp ngoại nào bỏ vốn vì họ không thấy lợi nhuận ở đây”.

Thêm vào đó, hiện tượng hiều dự án ảo, cộng với việc một số nhà đầu tư “vốn còi” “tay không bắt giặc” dẫn đến việc nhiều ý kiến cho rằng, nên hạn chế thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản, dành lại thị trường tại những dự án có tính khả thi cho các nhà đầu tư quốc nội. Nên ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thành phố thông minh, các dự án bất động sản nhưng thiên về phát triển xanh, tiết kiệm năng lượng. Đây vẫn là những dự án mà Việt Nam rất cần.

Đức Hậu