Thị trường nội địa đang bị “bỏ ngỏ”?

Cập nhật: 13:41 | 09/12/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo đánh giá, thị trường nội địa có tiềm năng rất lớn bởi dân số đông, gần 97 triệu người và hơn 13 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Tuy nhiên thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu mà dường như bỏ quên thị trường trong nước. Còn các DN nước ngoài thì đang tận dụng cơ hội này để đầu tư vào thị trường Việt Nam.  

thi truong noi dia dang bi bo ngo Ngành thủy sản định vị lại thị trường nội địa
thi truong noi dia dang bi bo ngo Doanh nghiệp nội dành lại thị trường nội địa
thi truong noi dia dang bi bo ngo Tiêu thụ thịt lợn trông vào thị trường nội địa

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực thì cũng là lúc các DN xuất khẩu đối mặt với những rào cản thương mại, chủ nghĩa bảo hộ của các nước nhập khẩu. Chính vì vậy, việc quay trở lại tận dụng thị trường nội địa sẽ là giải pháp tối ưu cho DN...

Hiện nay, tại nhiều cửa hàng, siêu thị hay chợ…có nhiều loại trong nước trồng được với sản lượng lớn, nhưng vẫn nhập khẩu với giá cao ngất ngưởng như: dâu tây Nhật 580.000 đồng/kg, dâu tây Hàn Quốc 780.000 đồng, mận Mỹ 400.000 đồng/kg, hồng giòn Hàn Quốc 250.000 đồng/kg, mãng cầu (na) Đài Loan 419.000 đồng/kg, lựu Tây Ban Nha 395.000 đồng/kg, nho Hàn Quốc 625.000 đồng/kg, nho Mỹ 200 - 280.000 đồng/kg tùy loại...Trong khi đó, trái cây trong nước nhiều loại phải bán tháo, giải cứu, còn các loại trái cây nhập ngoại với giá cao gấp nhiều lần nhưng vẫn được người tiêu dùng (NTD) lựa chọn.

thi truong noi dia dang bi bo ngo
Các doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Hình minh họa

Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì các DN chỉ chú trọng đến thị trường xuất khẩu. Sản phẩm tốt được chọn để xuất khẩu, còn hàng xấu kém chất lượng thì đẩy ra thị trường nội địa. Mặt khác, từ trước đến nay, trái cây Việt phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Đó là chưa kể đến việc hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam “đội lốt” hàng Việt, dẫn đến hậu quả là NTD đã bị mất niềm tin vào hàng Việt. Trong khi các DN bỏ ngỏ thị trường nội địa thì các DN nước ngoài đã nhanh chân “nhảy” vào và từng bước giành lấy thị phần. Rõ nét và khốc liệt nhất là ở thị trường bán lẻ. Sau Maximark, Ocean Mart và Metro AG, đầu tháng 10 vừa qua, 23 siêu thị Fivimart tiếp tục bị xóa tên khỏi thị trường bán lẻ, sau khi được sáp nhập vào hệ thống siêu thị Vinmart.

Không chỉ nhà bán lẻ trong nước đua nhau mở rộng, rất nhiều nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam từ sớm. Như BigC có mặt tại Việt Nam với 35 siêu thị, Aeon 4 siêu thị, MM Mega Market 19 siêu thị, Lotte Mart 13 siêu thị... và hiện các nhà bán lẻ ngoại tại Việt Nam cũng rầm rộ bành trướng quy mô. Giữa tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Central Group (Thái Lan), đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC tại Việt Nam đã khai trương Trung tâm thương mại tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Trả lời báo chí, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, để khai thác thị trường trong nước hiệu quả, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số việc cụ thể như: Hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển đặc sản địa phương.

Tính đến tháng 9-2018 có 60 chỉ dẫn địa lý tại 39 tỉnh, thành đã được cập nhật, bảo hộ, bên cạnh hàng ngàn mặt hàng đặc sản khác; Hướng dẫn DN vừa và nhỏ kết nối sản phẩm của DN tham gia vào chuỗi hệ thống phân phối toàn quốc gồm: hơn 8.500 chợ truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, hơn 5.000 các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị mini, cửa hàng chuyên dụng...

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước bối cảnh xuất khẩu Việt Nam đang phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh vì các hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật thì việc đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa là hướng đi đúng đắn mà doanh nghiệp cần chú trọng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt cần quan tâm ở đây chính là chất lượng sản phẩm phải được nâng cao và giá cả sao cho phù hợp nhất. Bởi hiện nay thị trường nội địa đang bị xem nhẹ về vấn đề chất lượng. Việt Nam mới chỉ có các quy định cụ thể, chi tiết về chất lượng cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu như ASC, BAP, GlobalGAP… mà chưa có bộ tiêu chí đầy đủ, thống nhất cho thị trường nội địa. Mặt khác, việc kết nối giữa các nhà sản xuất, chế biến với hệ thống bán lẻ chưa chặt chẽ. Hơn nữa, thêm một khó khăn nữa đó là tâm lý người tiêu dùng chỉ tin vào sản phẩm nhập ngoại, mặc dù chất lượng sản phẩm trong nước không hề thua kém.

Tùng Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm