Thái Lan xem xét việc nhập chôm chôm, na, khế, dứa, bưởi của Việt Nam

Cập nhật: 06:35 | 21/08/2017 Theo dõi KTCK trên

Thái Lan cho biết đang xem xét tích cực yêu cầu cấp phép nhập khẩu cho chôm chôm, dứa, na, khế và bưởi của Việt Nam.

thai lan xem xet viec nhap chom chom na khe dua buoi cua viet nam

Ảnh minh họa.


Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Tuyên bố chung trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã thăm chính thức Thái Lan từ ngày 17-19/8/2017.

Trong Tuyên bố chung, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước và khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác hơn nữa nhằm đạt mục tiêu 20 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020. Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tương xứng với tiềm năng thị trường hai nước.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các doanh nghiệp tư nhân hai nước trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Hai bên nhất trí tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại song phương, cũng như tăng cường xúc tiến thương mại tại mỗi nước.

Thái Lan đánh giá cao việc Việt Nam đã cấp phép nhập khẩu cho sản phẩm vải và nhãn của Thái Lan và mong Việt Nam sớm cấp phép nhập khẩu cho sản phẩm chôm chôm và xoài. Phía Việt Nam cũng đánh giá cao việc Thái Lan cấp phép cho vải, nhãn và xoài của Việt Nam được nhập khẩu vào Thái Lan trong năm 2016. Thái Lan cũng cho biết đang xem xét tích cực yêu cầu cấp phép nhập khẩu cho chôm chôm, dứa, na, khế và bưởi của Việt Nam.

Trong chuyến đi này, hai Thủ tướng cũng đã chứng kiến việc ký 10 Biên bản ghi nhớ và các Hiệp định sau:

1. Hiệp định giữa Chính phủ Vương quốc Thái Lan và Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới; 2

2. Bản ghi nhớ giữa Bộ Thương mại Thái Lan và Bộ Công Thương Việt Nam về hợp tác kinh tế và thương mại;

3. Bản ghi nhớ giữa Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam về hợp tác bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

4. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thái Lan; 5. Bản ghi nhớ về thiết lập thành phố kết nghĩa giữa tỉnh Cà Mau và tỉnh Trat;

6. Bản thỏa thuận pháp lý để triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị giữa Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương Việt Nam và Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi);

7. Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn SCG Thái Lan (SCG) về thúc đẩy dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và hợp tác nghiên cứu phát triển các dự án hóa dầu khác tại Việt Nam;

8. Bản ghi nhớ giữa SCG và các đơn vị khâu sau của PVN với Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí;

9. Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC và Ngân hàng Kasikorn Thái Lan;

10. Bản ghi nhớ về dự án điện gió 300 MW Bạc Liêu/Cà Mau giữa Tập đoàn Super Energy và Công ty TNHH Công Lý.

N.Mạnh

Theo BizLIVE

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm