Khi ra ngõ gặp siêu thị

Cập nhật: 15:54 | 24/01/2019 Theo dõi KTCK trên

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhiều các khu đô thị, khu dân cư, chung cư thương mại mọc lên như “nấm sau mưa” tập trung đông người dân sinh sống, thì các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng ngày càng nhiều, chỉ cách vài bước chân. 

khi ra ngo gap sieu thi Siêu thị tại TP.HCM sẽ phục vụ từ 6h - 24h những ngày cận Tết
khi ra ngo gap sieu thi Lời khuyên cho những ai muốn kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa

Thời của siêu thị mini

Do không có thời gian đi chợ buổi sáng, chị Ngô Thị Hòa (Khu đô thị Văn Quán, Hà Nội) thường tranh thủ đi chợ tại siêu thị mini Vinmart+ cách nhà chỉ 300m sau khi tan sở.

“Tôi đang trải nghiệm một cuộc sống tiện lợi thực sự. Chỉ trong vòng vài trăm mét, tôi có rất nhiều lựa chọn tiêu dùng”, chị Hòa chia sẻ. “Mọi thứ đều sẵn có, từ rau xanh, thịt, cá cho đến những nhu yếu phẩm cần thiết. Ngoài ra còn rất nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm như thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet, mua thẻ điện thoại...”.

Siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi, về bản chất, cung cấp các mặt hàng gần giống với cửa hàng tạp hóa truyền thống, nhưng được vận hành tập trung, đồng nhất bởi một thương hiệu. Với quy mô lớn, các chuỗi cửa hàng cũng dễ thỏa thuận với các nhà phân phối để có giá thành thấp và mặt hàng đa dạng hơn.

Nhìn rõ được cơ hội vàng, không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài mà nhiều nhà bán lẻ Việt Nam cũng đang tích cực tham gia cuộc chơi mở rộng phân khúc thị trường này.

Cuối tháng 12, chuỗi Vinmart+ của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce (thuộc Vingroup) đồng thời có thêm 117 điểm bán mới (được khai trương đồng loạt ở nhiều tỉnh thành) và nâng tổng số cửa hàng lên 1.700.

khi ra ngo gap sieu thi

Chuỗi Bánh Hóa Xanh của Công ty cổ phần Thế giới Di động cũng kết thúc năm 2018 bằng mốc 405 điểm bán, tăng mạnh so với con số cuối năm 2017.

Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng có thêm hàng chục điểm bán mới của chuỗi Co.op Food bằng cả 2 hình thức, nhượng quyền và trực tiếp mở...

Trong khi đó, mô hình cửa hàng tiện lợi với các chuỗi như Circle K, FamilyMart, B’s mart, 7- Eleven, GS25..., theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, đã tăng gấp 4 lần so với năm 2012 về điểm bán.

Các cửa hàng chuyên bán sản phẩm chăm sóc cá nhân và các cửa hàng thuốc hiện đại cũng đã mở rộng nhanh chóng, tăng gấp đôi trong 2 năm qua.

Theo báo cáo của Nielsen Việt Nam, siêu thị mini đang dẫn đầu về tốc độ khai trương điểm bán mới.

Cũng theo Nielsen, số lần đi chợ trung bình trong một tháng của người Việt trong năm 2018 là gần 19 lần, giảm 6 lần so với 2010. Thị phần của kênh bán lẻ hiện đại, theo đó, được ghi nhận tăng lên mức 26% tổng thị trường, tốc độ tăng trưởng 11,8%/năm.

Mặc dù kênh trực tuyến tăng trưởng mạnh, nhưng theo cuộc khảo sát nhu cầu Tết của Decision Lab, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn chiếm ưu thế. Kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi chiếm vị trí áp đảo với 70%; chợ truyền thống - nơi có mọi thứ từ hải sản tươi sống đến quần áo trẻ em - là kênh phổ biến thứ hai, chiếm hơn 50%.

Xu thế tất yếu

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết năm 2018, các kênh bán lẻ hiện đại đã có sự tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là kênh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.

“Đây là xu thế tất yếu trong việc phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam do dân số của Việt Nam khá trẻ, ưa thích sự tiện lợi. Hiện nay chuỗi cửa hàng này nguồn cung các hàng hóa cũng đã đa dạng hơn và các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang chú trọng đến kênh bán lẻ này nên chất lượng hàng hóa cũng được tăng cường”, ông Đông phân tích.

Còn theo ông Gaurang Kotak, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Nielsen Việt Nam, mỗi nhóm người mua hàng sẽ có những mong đợi khác nhau ở các kênh mua sắm, nhưng với chuỗi các cửa hàng tiện lợi thì sự dễ dàng, kinh tế và mối quan tâm về sức khỏe là những yếu tố chính tác động đến hành vi của người mua hàng.

Ông Gaurang Kotak cho biết trước hết, khi người mua hàng ở thành thị có ít thời gian hơn, làm việc ở các thành phố đông đúc, phải đối mặt với tắc nghẽn giao thông và sống xa nơi làm việc của họ, họ cần các giải pháp và sản phẩm tiện lợi có thể giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, với mối quan tâm lớn về nền kinh tế và sự ưu tiên hàng đầu cho việc tiết kiệm, người tiêu dùng đã tập trung hơn vào việc giảm thiểu lãng phí.

“Bằng cách thường xuyên mua ít mặt hàng hơn, chúng sẽ giảm số lượng sản phẩm dễ hư hỏng. Ngoài ra, thay vì phải trả tiền một lần để mua số lượng lớn, họ quản lý chi phí bằng cách thường xuyên chi tiêu với nhiều lần chi tiền ít lại”, ông Gaurang Kotak cho hay.

Thái Hoàng

Theo Thời báo ngân hàng

Tin cũ hơn
Xem thêm