Campuchia – Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thép Việt?

Cập nhật: 11:19 | 13/12/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Xuất khẩu thép Việt sang Campuchia gần đây đạt mức tăng trưởng tốt cả về khối lượng và doanh thu. Trong bối cảnh khó khăn từ việc cạnh tranh từ các thị trường khác, cũng như căng thẳng từ các vụ kiện bảo vệ thương mại thì thị trường này được xem là điểm sáng của ngành thép trong thời điểm này.  

campuchia thi truong tiem nang cho xuat khau thep viet Xuất khẩu thép trong tháng 8 tăng 63% so với cùng kỳ

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, khối lượng xuất khẩu các mặt hàng sắt thép của Việt Nam sang thị trường Campuchia đã tăng trở lại trong năm 2017. Cụ thể, năm 2017 đã tăng 69,5% từ 307 triệu USD (năm 2016) lên 521 triệu USD (năm 2017).

Sang đến năm 2018, sức nóng từ nhu cầu tiêu thụ thép tại Campuchia vẫn chưa ngừng lại, trong 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 5,78 triệu tấn thép, thu về 4,21 tỷ USD, tăng 36,4% về khối lượng và 49,6% về doanh thu so với cùng kì năm ngoái.

campuchia thi truong tiem nang cho xuat khau thep viet
Campuchia là điểm sáng của xuất khẩu thép Việt Nam. Hình minh họa

Có thể nói Việt Nam – Campuchia có vị trí địa lý và giao thông dễ dàng khi chung đường biên giới dài 1.137km; 10 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với 9 tỉnh của Campuchia; 10 cửa khẩu quốc tế, 13 cửa khẩu quốc gia, 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu phát triển. Bên cạnh đó, địa hình bằng phẳng, hệ thống kênh, rạch đi lại thuận lợi, tạo điều kiện vận chuyển dễ dàng, nhanh chóng hàng hóa. Đáng chú ý, kinh tế Campuchia tăng trưởng khá nhanh thời gian qua, nhu cầu về vật liệu xây dựng, trong đó có thép để xây dựng hạ tầng, phát triển các ngành công nghiệp lớn.

Từ đó, xuất khẩu sắt thép sang Campuchia chiếm tỉ trọng lớn, 21,4% tổng khối lượng xuất khẩu thép của cả nước. Lũy kế đến tháng 11, xuất khẩu sắt thép sang Campuchia đạt khoảng 1,24 triệu tấn, trị giá 796,71 triệu USD.

Ngoài Campuchia, Mỹ (15,2%), Indonesia (10,6%), và Malaysia (9,7%) là một trong số các nước mua thép Việt Nam nhiều nhất.

Tăng trưởng kinh tế và thu nhập ở Campuchia đã thúc đẩy nhu cầu cao hơn về nhà ở, tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm. Trong tương lai, các nguồn cầu thép ở Campuchia được dự đoán sẽ được duy trì mạnh mẽ, ông Phou Sambath, trợ lí chủ tịch của công ty phát triển nhà ở Borey Phnom Penh Thmey, nhận định.

Tuy nhiên, xuất khẩu thép sang Campuchia, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Thị trường có nhiều khoảng trống, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với những nước có thế mạnh về sản xuất thép như Thái Lan, Trung Quốc. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước nhằm giành thị phần cũng quyết liệt không kém. Thực tế, với trình độ đồng đều về công nghệ của các nhà sản xuất lớn tại Việt Nam, xuất khẩu thép thành phẩm sang Campuchia chủ yếu là “cuộc chiến” về giá.

Theo Hiệp hội xây dựng Campuchia, trong khi có nhiều nhà cung cấp thép ở Campuchia, thép nhập khẩu từ Việt Nam có vẻ có tiềm năng hơn do thế mạnh về giá cả cũng như chi phí vận chuyển so với thép nhập khẩu từ các nước khác như Thái Lan.

Mặc dù ngành thép đã chứng kiến ​​xuất khẩu phát triển mạnh, nhưng nó đang phải vật lộn để đối phó với các vụ kiện bảo vệ thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Từ ngày 16 tháng 7 đến ngày 9 tháng 8, ngành này phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá ở nhiều quốc gia nước ngoài như Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Mỹ, Liên minh kinh tế Á-Âu và Ấn Độ.

Đặc biệt, chỉ trong vòng một tuần (27/7 - 2/8), Mỹ đã mở hai cuộc điều tra về việc tránh nộp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn và thép cán nguội từ Việt Nam.

Với căng thẳng từ các vụ kiện bảo vệ thương mại gia tăng và thị trường trong nước được dự báo là có khả năng dư cung, việc tìm được nguồn cầu tại các thị trường xuất khẩu được coi là điểm sáng của ngành thép trong thời điểm này.

Nguyễn My

Tin cũ hơn
Xem thêm