Nghịch lý 'doanh thu tăng - lợi nhuận giảm' của các 'ông lớn' xây dựng

Cập nhật: 09:21 | 13/02/2023 Theo dõi KTCK trên

Năm 2022 “vui là vui gượng kẻo là” với nhiều ông lớn ngành xây dựng khi doanh thu tăng trưởng song lợi nhuận lại “quay đầu” giảm mạnh, thậm chí thua lỗ đau đớn. ​​​​​​​

Doanh nghiệp xây dựng 'hụt hơi' trên đường về đích

Niềm vui doanh thu

Năm 2022, sau hai năm lao đao vì dịch bệnh, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, kéo theo sự đi lên của ngành xây dựng sau quãng thời gian dài gần như đóng băng vì các đợt giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng trở lại hành trình tái thiết và chạy đua.

Lướt qua nhóm doanh nghiệp xây dựng niêm yết/công bố thông tin (PHC, CSC, CTD, HBC, VC9, HTN, SCG, FCN, Ricons…), có thể thấy 3 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, mang tính đại điện cho thị trường là Coteccons (HOSE: CTD), Hoà Bình (HOSE: HBC) và Ricons. Bởi năm qua, ba doanh nghiệp nêu trên đã tạo ra hơn 40.000 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng doanh thu ngành xây dựng. Tiêu biểu là HBC, khi doanh thu của riêng "ông lớn" này đã bằng PHC, HTN, CSC, SCG và FCN cộng lại.

Điều rất đáng nói là trong năm 2022, doanh thu của 3 “ông lớn” nêu trên đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Đầu tiên phải nhắc đến CTD khi ghi nhận doanh thu thuần 14.537 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm trước. Sau quý I “đáng quên” (doanh thu 1.912 tỷ đồng, là doanh thu quý thấp nhất kể từ 2016), quý II, CTD đã trở lại đường đua với 3.281 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ. Quý III, doanh thu mãnh tiến lên 3.113 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và sang quý IV, CTD tiếp tục bứt tốc lên 6.230 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Với kết quả này, CTD cơ bản đã đạt kỳ vọng kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Không chịu kém cạnh, năm 2022, HBC cũng ghi nhận doanh thu 14.122 tỷ đồng, bằng 81% kế hoạch năm. Sự tăng trưởng của HBC bắt đầu từ quý II với doanh thu 4.080 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ và tăng 37% so với quý I/2022 - cũng là doanh thu quý cao nhất so với 9 quý liền tiếp trước đó (kể từ quý I/2020). Quý III tiếp tục bứt tốc với doanh thu tăng trưởng 80% so với cùng kỳ, đạt 3.778 tỷ đồng. Sang quý IV, đà tăng chững lại khi doanh thu giảm 16%, còn 3.218 tỷ đồng. Dẫu vậy, năm 2022, HBC vẫn đạt mức tăng trưởng 24% so với năm 2021.

Với Ricons, doanh nghiệp này tiếp tục chứng tỏ mình là “tàu tốc hành” của làng xây dựng khi gặt hái 11.384 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với năm 2021, vượt xa kỳ vọng doanh thu 10.000 tỷ đồng đề ra đầu năm và cũng là mức doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động.

kết quả kinh doanh doanh nghiệp xây dựng
Thống kê cho thấy nhiều doanh nghiệp xây dựng niêm yết/công bố thông tin đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, thậm chí xác lập kỷ lục mới. Ảnh minh hoạ

Có thể nhận thấy sự tăng trưởng ấn tượng về doanh thu của nhóm doanh nghiệp xây dựng nêu trên đến từ sự phục hồi của thị trường bất động sản từ cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022. Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát vào cuối quý IV/2021 đã thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản khởi động các kế hoạch kinh doanh, làm gia tăng số lượng đơn hàng cho các nhà thầu. Đơn cử CTD, chỉ tính riêng quý IV/2021, giá trị các gói thầu ký mới mà doanh nghiệp này đạt được là gần 10.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị hợp đồng ký mới năm 2021 lên 25.000 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch backlog đặt ra đầu năm. Khối lượng công việc dồi dào này là lực đẩy cho đà tăng trưởng doanh thu trong năm 2022 của các nhà thầu.

Mặt khác, khi mảng thương mại - dân dụng không còn nhiều dư địa, các nhà thầu xây dựng đã “vươn cánh tay” sang các mảng khác như hạ tầng, khu công nghiệp, đầu tư công,… Tiêu biểu nhất HBC, doanh nghiệp đã chớp thời cơ nhảy vào lĩnh vực công nghiệp với các dự án Want Want (Đài Loan), dự án của BWID, đặc biệt là nhà máy thép Hoà Phát (Dung Quất). Hay việc thắng thầu dự án Lego trị giá 1 tỷ USD ở Bình Dương sẽ đem tới nguồn doanh thu dồi dào trong tương lai cho CTD.

Nỗi buồn lợi nhuận

Trái ngược với kết quả doanh thu tích cực trên, lợi nhuận lại là câu chuyện khác, thậm chí khác đến…đau lòng của nhiều doanh nghiệp xây dựng.

Năm 2022 có lẽ sẽ là năm “không thể quên được” đối với HBC khi lỗ trước thuế 1.077 tỷ đồng - lần đầu tiên trong lịch sử doanh nghiệp. Sự “thất bại” này bắt nguồn từ quý IV khi HBC kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến khoản lỗ gộp 426 tỷ đồng. Đã vậy, doanh thu tài chính âm 112 tỷ đồng trong khi các loại chi phí tăng cực mạnh đã khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 1.214 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.202 tỷ đồng. Quý IV “tan nát” đã thổi bay thành quả ba quý trước của “ông lớn” xây dựng này.

CTD may mắn hơn khi có lãi sau thuế 21 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra trong năm. Song, niềm vui cũng không trọn vẹn với CTD, khi chịu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 53 tỷ đồng (lần thứ hai liên tiếp) và phải nhờ tới khoản tiền hoàn nhập để có lãi, chấm dứt 2 quý thua lỗ liên tiếp (quý II và quý III).

Lợi nhuận của Ricons có thể xem là trường hợp đặc biệt khi xét về giá trị tuyệt đối vẫn tăng trưởng (đạt 115 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm trước). Tuy nhiên, xét tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) thì lại suy giảm, chỉ đạt 0,79% trong khi năm trước đạt 0,98%.

Không chỉ ba doanh nghiệp trên, nhóm doanh nghiệp có quy mô - thị phần nhỏ hơn cũng chứng kiến sự suy giảm của lợi nhuận, có thể kể đến: Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC) (lãi sau thuế giảm 65%, còn 19 tỷ đồng), Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG) (lãi sau thuế giảm 85%, còn 24 tỷ đồng), Fecon (HOSE: FCN) (lãi sau thuế giảm 27%, còn 51 tỷ đồng),…

Sự trái chiều giữa doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trên có thể lý giải bởi đà tăng của giá nguyên vật liệu và cuộc chiến tranh giành “miếng bánh” thị phần giữa các nhà thầu.

Doanh nghiệp xây dựng
Trái ngược với kết quả doanh thu tích cực trên, lợi nhuận lại là câu chuyện khác, thậm chí khác đến…đau lòng của nhiều doanh nghiệp xây dựng. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, những năm gần đây, sự suy thoái của ngành bất động sản đã khiến những doanh nghiệp xây dựng bị giảm sề số lượng đơn hàng. Hệ quả là thị trường xuất hiện cuộc đua xuống đáy về giá, khi các nhà thầu chủ động giảm biên lợi nhuận, thậm chí có những đơn vị chấp nhận làm dưới giá vốn để giành dự án. Cùng với đó, biến động giá nguyên vật liệu khiến giá vốn tăng cao, làm biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh.

Đơn cử là giá xăng dầu năm 2022 đã tăng dữ dội. Đây là loại nhiên liệu không thể đàm phán giá, không thể dự trữ, doanh nghiệp xây dựng chỉ có cách… nai lưng chịu “đòn”. CEO FCN, ông Nguyễn Văn Thanh từng chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2022, đà tăng của giá xăng dầu đã đốt của doanh nghiệp này 2 triệu USD lợi nhuận.

Ngoài chi phí nguyên vật liệu và sự cạnh tranh gay gắt của ngành xây dựng, một nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp xây dựng suy giảm là tình trạng nợ đọng gia tăng. Tình trạng này xuất phát từ chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn đến nhiều chủ đầu tư khó khăn về dòng tiền, chậm thanh toán cho nhà thầu. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc các khoản phải thu tăng dữ dội.

Điển hình là HBC, vào thời điểm kết thúc năm 2022, các khoản phải thu đã tăng thêm 5% lên 12.212 tỷ đồng, chiếm tới 72% tổng tài sản. CTD cũng trong tình cảnh tương tự khi tại ngày cuối cùng của năm 2022, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng thêm 31% so với đầu năm, đạt 11.231 tỷ đồng. Ngoài ra, CTD cũng có các khoản phải thu dài hạn 380 tỷ đồng, nâng tổng giá trị các khoản phải thu lên 11.611 tỷ đồng, chiếm 61% tài sản.

Việc phải thu tăng cao đã gây ra hệ luỵ kép. Đầu tiên là nhiều nhà thầu gặp khó khăn về dòng tiền, chẳng hạn dòng tiền kinh doanh của HBC âm 884 tỷ đồng; dòng tiền kinh doanh của CTD âm tới 1.626 tỷ đồng.

Để có tiền tiếp tục thi công dự án, các doanh nghiệp xây dựng phải gia tăng nợ vay. Cùng với mức lãi suất cao của năm 2022, chi phí lãi vay bị đẩy lên rất cao - ăn mòn lợi nhuận vốn đã mỏng của các nhà thầu. Với HBC, trong năm 2022, chi phí tài chính của doanh nghiệp này lên tới 521 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Còn CTD, chi phí tài chính phi mã 12 lần, đạt 162 tỷ đồng.

Hệ luỵ thứ hai là tăng chi phí quản lý doanh nghiệp. Đơn cử như HBC, năm qua, doanh nghiệp này đã phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tới 774 tỷ đồng, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 939 tỷ đồng. Chi phí lãi vay cùng chi phí quản lý tăng cực mạnh là một trong những nguyên nhân chính đẩy HBC vào cảnh thua lỗ đậm.

“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”

Với tình hình kinh doanh ảm đạm, các doanh nghiệp xây dựng chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023, nhất là khi thị trường bất động sản - nguồn hàng chính, vẫn đang chìm đắm trong cơn khủng hoảng chu kỳ 10 năm và tình trạng nợ đọng vẫn diễn ra tràn lan, đe doạ tới dòng tiền hoạt động của các nhà thầu, vốn đã chẳng mấy dư dả.

Thêm nữa, mức độ cạnh tranh trong ngành xây dựng đang trong giai đoạn vươn đến đỉnh điểm. Nói như Chủ tịch HBC Lê Viết Hải thì các nhà thầu đang trong cuộc đua xuống đáy về giá. Hay CEO một nhà thầu khác than thở rằng giai đoạn này không dám nhận nhiều dự án, vì càng làm làm càng lỗ.

Năm 2023, hẳn các nhà thầu sẽ còn nhiều nhọc nhằn để có thể trụ vững. Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, khó khăn đôi khi sẽ tạo ra cơ hội hay động lực để các doanh nghiệp xây dựng tự tìm hướng đi cho mình.

Hải Thu

Tin cũ hơn
Xem thêm