'Nhọc nhằn' của Coteccons: Thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác, nợ vay tăng 'dựng đứng' hàng trăm lần

Cập nhật: 11:48 | 31/01/2023 Theo dõi KTCK trên

Cả quý IV và năm 2022, Công ty CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đều lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh. Phải nhờ khoản lợi nhuận khác, là tiền hoàn nhập chi phí, công ty này thoát khỏi tình trạng thua lỗ.

Cổ phiếu CTD 'bay hơi' 65% sau 1 năm, cổ đông than vãn, chủ tịch Bolat Duisenov phân trần

'Nhọc nhằn' thoát lỗ

Quý IV/2022 có thể xem là một quý thành công của CTD về mặt doanh thu khi tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 6.230 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp, CTD có mức tăng trưởng doanh thu tính bằng lần (quý III/2022 tăng gấp 3 lần).

Không còn tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, biên lợi nhuận gộp quý này dương 2,76%. Lợi nhuận gộp đạt 172 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gộp 3 tỷ đồng. Ngoài ra, CTD cũng có thêm 70 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 17% so với cùng kỳ.

Song, chừng đó không đủ để trang trải đà tăng của chi phí tài chính (tăng 6,5 lần lên 59 tỷ đồng) cùng khoản lỗ 7 tỷ đồng trong công ty liên kết. Kết quả, CTD lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 7,4 tỷ đồng; cùng kỳ lỗ thuần 120 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xây dựng này phải nhờ đến khoản lợi nhuận khác 34 tỷ đồng (là tiền hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn thực tế phát sinh và tiền hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình) mới có lợi nhuận trước thuế 26,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 18,8 tỷ đồng.

Kết quả này không chỉ đảo ngược diễn biến của cùng kỳ năm trước mà còn giúp cắt đứt chuỗi thua lỗ liên tiếp (tính theo quý) của CTD trong năm 2022 (quý II và quý III đều lỗ).

Năm nhọc nhằn của Coteccons: Nợ xấu hơn 1.300 tỷ, nợ vay 'phi mã' 256 lần
Năm 2022 là một năm vô cùng khó nhọc với Coteccons khi nỗ lực thoát lỗ nhờ hoàn nhập chi phí, nợ vay 'phi mã', nợ xấu hơn 1.300 tỷ đồng. Đã vậy, còn lỗ thêm 60 tỷ từ chứng khoán. Ảnh minh hoạ

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của CTD đạt 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 486 tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 3,34%, cải thiện so với năm trước là 3,02%.

Trong năm, doanh thu tài chính có thể xem là điểm sáng khi đạt 381 tỷ đồng, tăng 37% (do lãi tiền gửi tăng lên và có lãi thanh lý công ty con).

Tuy vậy, việc chi phí tài chính đạt 162 tỷ đồng, tăng 12 lần và chi phí quản lý 734 tỷ đồng, tăng 42% cùng khoản lỗ trong công ty liên kết 24 tỷ đồng đã khiến CTD lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 53,5 tỷ đồng.

Lại phải nhờ có lợi nhuận khác lên đến 88 tỷ đồng (là tiền hoàn nhập chi phí công trình phải trả lớn hơn thực tế phát sinh và tiền hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình), lợi nhuận trước thuế năm 2022 của CTD mới đạt 34,8 tỷ đồng, giảm 8,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 20,7 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước.

Năm 2022, CTD đặt mục tiêu doanh thu 15.010 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Như vậy, công ty cơ bản đã hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.

Trước đó, tại buổi đối thoại trực tuyến tổ chức hồi giữa tháng 1 năm nay, lãnh đạo CTD “khoe” backlog (giá trị hợp đồng đã ký kết được) hiện đạt 17.000 tỷ đồng, do đó năm 2023, ông Lâm cho biết Coteccons dự kiến chỉ tiêu kinh doanh sẽ tăng 10% - 20% so với mức thực hiện năm 2022. Chủ tịch Bolat Duisenov cho hay, từ năm 2023 trở đi, kết quả kinh doanh của CTD chỉ có tốt hơn nữa.

Nợ vay 'phi mã' 256 lần, ‘lỗ' 60 tỷ từ đầu tư chứng khoán

Không chỉ tình hình kinh doanh kém sáng, bức tranh tài chính của CTD cũng có nhiều chuyển biến xấu.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của CTD tại ngày 31/12/2022 đạt 10.751 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm.

Đáng chú ý, nợ vay “phi mã” 256 lần lên 1.077 tỷ đồng! Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí tài chính tăng cực mạnh trong năm 2022 - “ăn mòn” một phần lợi nhuận vốn đã mỏng của CTD.

Vốn chủ sở hữu của CTD đã giảm 34 tỷ đồng trong năm qua, còn 8.214 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,3 lần.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của CTD đạt 18.964 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm nổi bật là công ty có 2.089 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Nếu so với hồi quý III/2021, khoản tiền này đã giảm cả nghìn tỷ đồng.

Tất nhiên, nguyên nhân của việc giảm sút là CTD đã phân bổ khoản tiền mặt khổng lồ của mình vào các “giỏ” khác nhau như trái phiếu và chứng khoán kinh doanh. Tuy nhiên, công ty đang phải dự phòng 60 tỷ đồng cho khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh của mình.

Điểm đáng chú ý khác trong cơ cấu tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng 31% trong năm qua, đạt 11.231 tỷ đồng. Trong đó, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 1.049 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm.

Thuyết minh cho biết trong năm 2022, công ty đã trích lập dự phòng 454 tỷ đồng và hoàn nhập dự phòng 84 tỷ đồng. Nợ xấu đứng ở mức 1.322 tỷ đồng, trong đó: Công ty Ngôi Sao Việt 483 tỷ đồng, Công ty Minh Việt 122 tỷ đồng…

CTD cũng có các khoản phải thu dài hạn đạt 380 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị các khoản phải thu là 11.611 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản.

Hàng tồn kho trong năm qua cũng đã tăng 67%, đạt 2.837 tỷ đồng; dự phòng giảm giá hàng tồn kho đạt 70 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần.

Tính riêng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu 14.448 tỷ đồng, chiếm 76% tổng tài sản - mức tương đối lớn.

Việc tồn kho và các khoản phải thu tăng mạnh đã khiến dòng tiền kinh doanh năm 2022 của CTD khá xấu khi âm 1.626 tỷ đồng. Như vậy, từ năm 2018 đến nay, CTD mới chỉ có năm 2021 có dòng tiền kinh doanh dương.

Trong bối cảnh đó, CTD đã tăng cường thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác, giúp dòng tiền đầu tư dương 733 tỷ đồng. Nhưng điều đó vẫn là không đủ nên dòng tiền đi vay đã trở thành “cứu tinh”, đạt 2.242 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần năm trước. Dòng tiền trả nợ gốc vay cũng đạt 1.168 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước. Điều này giúp lưu chuyển tiền thuần cả năm dương 179 tỷ đồng.

Cổ phiếu CTD thời gian qua cũng không ngừng "lao dốc". Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/1/2023, cổ phiếu CTD giảm còn 38.900 đồng/đơn vị, cách rất xa với đỉnh 110.000 đồng/cp thời điểm 1 năm trước (ngày 25/1/2022).

Trước đó, khi cổ đông Coteccons đặt vấn đề cổ phiếu CTD quá thấp, Chủ tịch Bolat Duisenov 'than vãn' rằng thị giá CTD hiện tại không phản ánh đúng năng lực và giá trị của công ty.

Ông Bolat thông tin thêm Coteccons hiện có những quỹ đầu tư rót vốn vào, khoảng 5%/quỹ.

“Chúng tôi có một số cổ đông chiến lược và ngay trong ban điều hành cũng nắm giữ cổ phiếu, không ai có ý định bán. Khối lượng giao dịch cổ phiếu CTD nhỏ, cho thấy CTD không phải là cổ phiếu đầu tư ngắn hạn. Do đó, giá cổ phiếu hiện tại không phản ánh đúng”, chủ tịch Coteccons chia sẻ.

Người đứng đầu Coteccons cũng cho biết room ngoại của công ty hiện là 60%, nhưng công ty muốn xin cổ đông cho nâng lên 100%.

Hải Thu

Tin liên quan