Chi phí cao 'đè nặng' lợi nhuận Phục Hưng Holdings (PHC) trong năm 2022

Cập nhật: 10:02 | 29/01/2023 Theo dõi KTCK trên

Dù doanh thu tăng trưởng song do các loại chi phí neo ở mức cao đã "bào mòn" lợi nhuận năm 2022 của Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC), sụt giảm 66% so với năm trước, còn 19 tỷ đồng.

Dự báo bức tranh kinh doanh 2023: Người cười nụ, kẻ khóc thầm

Chi phí tăng bào mòn lợi nhuận

Quý IV/2022, doanh thu thuần của PHC đạt 811 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu hoạt động xây lắp tăng mạnh (tăng 2,8 lần, đạt 789 tỷ đồng), trong khi hoạt động kinh doanh bất động sản “trắng” doanh thu. Đây là doanh thu quý lớn nhất của PHC kể từ quý I/2020 tới nay.

Do doanh thu lớn, lợi nhuận gộp cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 24 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thành quả này nhanh chóng bị đà tăng chi phí xoá sổ. Trong quý IV/2022, doanh thu tài chính chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm 55%, do không còn lãi chuyển nhượng quyền phát triển dự án như cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính đạt 15 tỷ đồng, tăng 50%; chi phí quản lý đạt 16 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế của PHC "bốc hơi" 50%, còn 3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 3,4 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.

PHC
Đà tăng mạnh mẽ của chi phí đã "bào mòn" lợi nhuận năm 2022 của Phục Hưng Holdings. Ảnh minh hoạ

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của PHC đạt 1.919 tỷ đồng, tăng gấp đôi; lợi nhuận gộp đạt 116 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 6%, giảm đáng kể so với năm trước là 9,3%.

Trong năm, PHC có doanh thu tài chính 17 tỷ đồng, lợi nhuận khác 2,7 tỷ đồng, đều giảm mạnh so với năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 15% (đạt 52 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 45% (đạt 61 tỷ đồng). Bởi vậy, lợi nhuận trước thuế bị bào mòn mạnh, giảm tới 66%, chỉ còn 23 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 65%, còn 19 tỷ đồng.

Năm 2022, PHC đặt mục tiêu 2.700 tỷ đồng doanh thu, 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp xây dựng này đạt 71% kế hoạch doanh thu và còn cách rất xa chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Nợ có xu hướng tăng

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của PHC đạt 2.715 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 48% tổng tài sản, đạt 1.298 tỷ đồng, tăng 8%. Các công ty đang chiếm dụng vốn nhiều nhất của PHC gồm: Tân Á Đại Thành (50 tỷ đồng), HBI (36 tỷ đồng), Nam Cường Hà Nội (32 tỷ đồng), Gamuda Land Việt Nam (27 tỷ đồng), Ecopark (26 tỷ đồng), Việt Tiệp (21 tỷ đồng)…

Hàng tồn kho chiếm 24% tổng tài sản, đạt 646 tỷ đồng, tăng 6%. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm còn 54 tỷ đồng.

Chi tiết đáng chú ý khác là khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết trong năm đã tăng 63%, đạt 192 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là đầu tư vào An Phú Hưng (83 tỷ đồng), An Thịnh Phát (82 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, nợ phải trả của PHC vào ngày kết năm 2022 đạt 2.048 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Như vậy, 75% tài sản của PHC được hình thành từ nợ phải trả.

Cơ cấu nợ có điểm đáng chú ý là sự gia tăng của nợ vay ngắn hạn, tăng 17%, đạt 909 tỷ đồng; nâng tổng nợ vay lên 1.074 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng nợ phải trả và lớn hơn vốn chủ sở hữu 1,61 lần.

Vốn chủ sở hữu của PHC đạt 666 tỷ đồng, giảm 4,3% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,07 lần, tăng đáng kể so với đầu năm là 2,53 lần.

Dòng tiền kinh doanh năm 2022 dương 29 tỷ đồng (cải thiện hơn năm trước âm 237 tỷ đồng), chủ yếu do tăng các khoản phải trả (146 tỷ đồng). Do tăng đầu tư, PHC phải duy trì dòng tiền vay/trả ở ngưỡng rất cao, tương đương năm trước, đạt 1419 tỷ đồng/1.285 tỷ đồng.

Nguyễn Lê

Tin cũ hơn
Xem thêm