Doanh nghiệp xây dựng 'hụt hơi' trên đường về đích

Cập nhật: 08:10 | 09/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Kết thúc 9 tháng, nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn mới chỉ hoàn thành được một phần kế hoạch kinh doanh năm nay. Cá biệt, có doanh nghiệp còn lâm vào tình trạng thua lỗ.

Quý III ảm đạm của Coteccons, biên lãi gộp chỉ 1,05%, lỗ trước thuế 3 tỷ

Quý III bứt tốc, Ricons tiến sát mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ, nợ vay tăng vọt

Chưa kịp tăng tốc đã thấy hết năm

Năm 2022 có thể nói là một năm đầy khó khăn của thị trường bất động sản và do vậy cũng là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp xây dựng – vốn sống chủ yếu dựa vào các công trình dân dụng – thương mại của các chủ đầu tư địa ốc.

Công bằng mà nói, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xây dựng lớn nhất đang niêm yết đều đạt được sự tăng trưởng khá về doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, thậm chí khác đến… đau lòng.

Quý III/2022 có thể xem là một quý điển hình. Trong quý này, các doanh nghiệp xây dựng lớn đang niêm yết, gồm: Công ty CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HOSE: HTN), Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC) ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, doanh thu của HBC tăng 80% (đạt 3.778 tỷ đồng); của CTD tăng gấp 3 lần (đạt 3.113 tỷ đồng); của HTN tăng 53% (đạt 1.004 tỷ đồng), của PHC tăng 80% (đạt 399 tỷ đồng).

Do giá vốn được cải thiện, lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp này (trừ PHC giảm 18%) đều tăng trưởng: HBC tăng gấp 2,4 lần, CTD tăng gấp 2 lần, HTN tăng 63%.

Tuy nhiên, những thành quả này đã nhanh chóng bị đà tăng chi phí xóa sổ. Với HBC, chi phí tài chính tăng 50%, chi phí quản lý tăng gấp 4,3 lần, đã bào mòn hầu hết lợi nhuận gộp (265 tỷ đồng/282 tỷ đồng). Phải nhờ đến doanh thu tài chính 34 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần, HBC mới có lợi nhuận trước thuế 25 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.

Nhưng không phải ai cũng được “may mắn” như HBC. Với HTN, các loại chi phí đã vượt quá lợi nhuận gộp có được (96 tỷ đồng/83 tỷ đồng). Doanh thu tài chính ít ỏi (17 tỷ đồng) không đủ sức cứu lợi nhuận thoát khỏi tăng trưởng âm. Kết quý III/2022, HTN chỉ có lãi trước thuế 5,7 tỷ đồng, giảm tới 80% so với cùng kỳ.

PHC còn thê thảm hơn khi sau khấu trừ các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế chỉ còn vỏn vẹn 365 triệu đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Khấu trừ tiếp thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận chỉ còn 52 triệu đồng!

Song, CTD mới là tột cùng nỗi đau. Quý III/2022, CTD lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 36 tỷ đồng, do chi phí quá lớn (chi phí tài chính gấp 18 lần, chi phí quản lý tăng 14%). Dù có 33 tỷ đồng lợi nhuận khác, CTD vẫn ngậm ngùi báo lỗ trước thuế 3 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 2 liên tiếp trong năm nay (quý II/2022, CTD lỗ trước thuế 27 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng, các doanh nghiệp xây dựng nêu trên vẫn còn cách rất xa mục tiêu kinh doanh đặt ra. HBC với mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng doanh thu, 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mới chỉ hoàn thành lần lượt 62% và 17% (đạt 10.904 tỷ đồng và 61 tỷ đồng).

CTD với mục tiêu 15.010 tỷ đồng doanh thu và 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mới chỉ đạt được 55% mục tiêu doanh thu (8.306 tỷ đồng) và vẫn chưa thấy “bến bờ” mục tiêu lợi nhuận (do lỗ sau thuế 1,9 tỷ đồng).

PHC với mục tiêu 2.700 tỷ đồng doanh thu, 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mới chỉ đạt lần lượt 41% và 26% (1.108 tỷ đồng và 15,5 tỷ đồng).

Khá hơn cả là HTN khi đã hoàn thành 57% mục tiêu doanh thu (4.249 tỷ đồng/7.458 tỷ đồng) và 50% mục tiêu lợi nhuận (133 tỷ đồng/265 tỷ đồng).

Với tình hình thị trường bất động sản đang trở nên xấu đi, cánh cửa hoàn thành kế hoạch đầy tham vọng năm 2022 của các doanh nghiệp xây dựng nêu trên đã gần như đóng lại.

doanh nghiệp thiếu vốn
Đi qua 9 tháng, các DN Xây dựng này vẫn còn cách rất xa mục tiêu kinh doanh đặt ra. Ảnh minh hoạ

Lo ngại chất lượng tài sản

Không chỉ kinh doanh kém sắc, các doanh nghiệp xây dựng nói trên còn đang chứng kiến sự biến chuyển kém tích cực của chất lượng tài sản.

Chẳng hạn CTD, tại ngày kết thúc quý III/2022, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng thêm 20% so với đầu năm, lên 10.310 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng tới 89%, lên 3.197 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho và khoản phải thu là 13.507 tỷ đồng, chiếm 76% tổng tài sản. Đáng chú ý, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đạt tới 960 tỷ đồng, tăng 45%, cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp.

Dòng tiền kinh doanh 9 tháng của CTD rất xấu, âm 1.990 tỷ đồng (cùng kỳ dương 183 tỷ đồng) do tăng các khoản phải thu (1.599 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (1.499 tỷ đồng), tăng đầu tư chứng khoán (255 tỷ đồng)… Với dòng tiền đầu tư chỉ vỏn vẹn 60 tỷ đồng, CTD đã phải đẩy dòng tiền vay/trả lên tới 1.880 tỷ đồng/419 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,5 lần và 24% so với cùng kỳ. Trên bảng cân đối kế toán, tổng nợ vay của CTD đã đạt tới 1.464 tỷ đồng, tăng tới 861 lần so với đầu năm.

HBC cũng không kém cạnh. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng đáng kể (tăng 15%) so với đầu năm, đạt 13.355 tỷ đồng, chiếm tới 71% tổng tài sản. Hàng tồn kho tăng 16%, đạt 2.793 tỷ đồng và chiếm 15% tổng tài sản. Như vậy, các khoản phải thu và hàng tồn kho của Hòa Bình đã chiếm tới 86% tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng tăng thêm 12%, lên 415 tỷ đồng, cho thấy công tác thu hồi nợ đọng của HBC chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Nợ phải trả của HBC rất lớn, đạt 14.913 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Như vậy, 80% tài sản của Hòa Bình được hình thành từ nợ phải trả. Trong số này, nợ vay đã có bước tăng khá mạnh trong 9 tháng, đạt 6.566 tỷ đồng, tăng 29% (vay ngắn hạn 5.496 tỷ đồng, tăng 17%; vay dài hạn 1.070 tỷ đồng, tăng 2,7 lần).

Dòng tiền kinh doanh 9 tháng của HBC cũng như CTD, âm rất nặng (-1.331 tỷ đồng) do tăng các khoản phải thu (1.823 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (435 tỷ đồng), tăng chi phí trả trước (103 tỷ đồng), chi trả lãi vay (363 tỷ đồng).

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh không thu được tiền về, Hòa Bình vẫn miệt mài chi mua sắm tài sản (158 tỷ đồng), tăng đầu tư góp vốn (194 tỷ đồng), tăng chi cho vay, mua công cụ nợ (109 tỷ đồng) khiến dòng tiền đầu tư âm 319 tỷ đồng. Hệ quả tất yếu là dòng tiền vay/trả lên tới kể 8.910 tỷ đồng/7.441 tỷ đồng. Nhắc lại để nhớ, chi phí tài chính 9 tháng qua của HBC là 357 tỷ đồng, tăng 59% với cùng kỳ, một con số rất lớn.

HTN cũng khiến nhà đầu tư quan ngại về chất lượng tài sản khi 78% tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn (6.588 tỷ đồng, tăng 20%) và dòng tiền kinh doanh 9 tháng âm 954 tỷ đồng.

Tương tự với PHC, tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm 72% tổng tài sản (1.922 tỷ đồng); dòng tiền kinh doanh 9 tháng âm 24,8 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền tại ngày kết thúc quý III/2022 chỉ còn 14 tỷ đồng, giảm 75% so với đầu năm.

Có thể thấy, chất lượng tài sản của các doanh nghiệp xây dựng lớn nêu trên không thực sự tốt. Trong trường hợp tình hình kinh doanh không được cải thiện, thậm chí xấu hơn, những vấn đề tài sản sẽ càng trở nên nặng nề hơn, đe dọa đến sức khỏe tài chính của các đơn vị này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Hải Thu