Mùa vàng Buôn Chóah: Vai trò quan trọng của hệ thống thủy lợi

Cập nhật: 06:35 | 11/06/2021 Theo dõi KTCK trên

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, kinh nghiệm trong sản xuất lúa nước một lần nữa thể hiện rõ tại vụ Đông Xuân ở Buôn Chóah. Vụ lúa thắng lợi ở đây cho thấy, nếu có sự đầu tư thủy lợi hợp lý, kết hợp vận dụng kiến thức, khoa học, đưa vào giống lúa phù hợp thì cánh đồng sẽ cho năng suất rất cao. Trong đó, hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới tiêu có vai quyết định.

Mùa vàng Buôn Chóah: Vụ lúa bội thu, nông dân phấn khởi

Vai trò của hệ thống thủy lợi

Vào đầu vụ sản xuất, một số thông tin cho rằng dự án nâng cấp, sửa chữa công trình thuỷ lợi trên cánh đồng xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có thiết kế, thi công không đúng với thực tế dẫn đến việc vận hành chạy thử ban đầu nhưng không đảm bảo nước sản xuất của cánh đồng. Để có thông tin chính xác, khách quan về quá trình xây dựng và hiệu quả của dự án này, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Đắk Nông.

Ông Nghĩa cho biết, Dự án Nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông với tổng mức đầu tư 198,5 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục trạm bơm Buôn Chóah là 32,530 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới 1 trạm bơm Buôn Chóah 5 và nâng cấp sửa chữa 3 trạm bơm Buôn Chóah 1, 2, 3.

Vụ lúa bội thu, nông dân phấn khởi
Hệ thống thủy lợi được nâng cấp tạo tiền đề cho vụ mùa thắng lợi ở Buôn Chóah

Ông khẳng định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án phù hợp với thực tế hiện trường xây dựng, không có bất cập xảy ra trong quá trình thi công. Trong quá trình tổ chức thi công, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu thực hiện việc xây dựng các hạng mục công trình tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt. Việc chậm tiến độ thi công do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau nhưng không gây ảnh hưởng tới việc cung cấp nước phục vụ canh tác nông nghiệp của người dân tại cánh đồng xã Buôn Chóah.

Vào vụ sản xuất, mặc dù công trình đang trong giai đoạn thi công và vận hành chạy thử hệ thống trạm bơm nhưng chủ đầu tư vẫn bố trí cán bộ thường xuyên bám sát hiện trường, phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tiết nước liên tục, không gián đoạn nhằm đảm bảo cung cấp nước đầy đủ theo công suất thiết kế cho người dân canh tác nông nghiệp trên cánh đồng xã Buôn Chóah.

Bài học về vận hành hệ thống thủy lợi

Tham khảo nhiều nguồn tin từ các cơ quan chức năng địa phương, có thể thấy một vài bất cập trong giai đoạn vận hành chạy thử dự án thủy lợi ở Buôn Chóah là do sự thiếu hợp lý trong khai thác, còn chất lượng công trình hoàn toàn đảm bảo. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán dự án này được thẩm định và phê duyệt đúng quy trình, đáp ứng mục tiêu và hiệu quả của dự án. Quá trình tổ chức thi công xây dựng tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt. Công suất của máy bơm đã lắp đặt được các đơn vị do chủ đầu tư thuê tổ chức kiểm tra đúng quy trình, về cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới của người dân trên cánh đồng xã Buôn Chóah theo công suất thiết kế đã được phê duyệt.

Vụ lúa bội thu, nông dân phấn khởi
Cơ quan chức năng đánh giá hệ thống thủy lợi tại Buôn Chóah đã được thiết kế, thi công hợp lý và đầy hiệu quả

Đơn cử, về việc người dân phản ánh hiện tượng thiếu nước một số khu vực trong giai đoạn đầu vận hành chạy thử. Ông Nghĩa cho hay, cơ quan chức năng xác định hiện tượng thiếu nước là do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chuyển đổi từ cây hoa màu thông thường sang trồng lúa nước nên sử dụng nhiều nước hơn rất nhiều lần so với nhu cầu tưới của cây hoa màu thông thường. Điều này tăng vượt quá công suất so với công suất tưới tiêu của hệ thống thủy lợi đã đầu tư.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi thì khi vận hành chạy thử hệ thống bơm trên cánh đồng Buôn Choah, UBND xã chưa thành lập được tổ nông giang để phối hợp với Chủ đầu tư và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi trong việc điều tiết nước cho bà con nông dân.

Trong quá trình máy bơm vận hành toàn bộ các cửa điều tiết của các nhánh rẽ trên toàn tuyến luôn luôn mở đồng loạt nên việc điều tiết nước ở cuối kênh không đảm bảo. Cuối kênh và ở các vị trí xa hơn ít hoặc không có nước. Để xử lý vấn đề này, Chủ đầu tư đã bố trí cán bộ xuống hiện trường tham gia điều tiết nước, đến nay tình trạng thiếu nước tại cánh đồng xã Buôn Choah đã được khắc phục hoàn toàn.

Về cao trình tuyến kênh, một số người dân quan sát theo quan sát bằng mắt thường và cho rằng tuyến kênh thiết kế không đúng, đầu tuyến cao hơn cuối tuyến dẫn đến nước không chảy về cuối tuyến.

Đối với vấn đề này, qua kiểm tra tại tuyến kênh chính cho thấy, toàn tuyến có 13 cống điều tiết và 5 điểm dân tự ý lấy nước. Khi máy bơm vận hành, toàn bộ 13 cống điều tiết này và các điểm khoét bê tông tự phát đồng loạt mở nên lượng nước trên kênh thoát đi qua các cống điều tiết và các điểm khoét này trước nên dẫn đến đoạn cuối kênh không có nước hoặc nước chảy về cuối tuyến rất ít nước.

Vụ lúa bội thu, nông dân phấn khởi
Việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ hoa màu sang trồng lúa khiến nhu cầu về nước tăng cao hơn rất nhiều so với công suất thiết kế. Đây được xác định là nguyên nhân khiến một vài khu vực thiếu nước vào đầu vụ mùa. Đến nay, tình trạng thiếu nước trên cánh đồng Buôn Chóah được khắc phục hoàn toàn.

Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và Phòng Công an kinh tế - Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra và đo đạt bằng thiết bị máy móc đã có ý kiến cao trình tuyến kênh tưới tuân thủ theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, cao trình đầu kênh cuối kênh là +414,606/+414,331m, đầu kênh cao hơn cuối kênh 27,5cm. Không có tình trạng cao trình tại vị trí cuối tuyến cao hơn cao trình tại vị trí đầu tuyến.

Hiện nay, dự án đang trong quá trình vận hành chạy thử, việc điều tiết sử dụng nước trên tuyến kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương đã được các đơn vị liên quan phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ. Đồng thời từng bước khắc phục những tồn tại, vướng mắc đã xảy ra trong thời gian qua.

Có thể nói, hiệu quả từ các công trình thủy lợi mang lại là không thể phủ nhận. Thực tế trên địa bàn huyện Krông Nô diện tích đất canh tác lúa nước đã nâng lên 2 vụ toàn huyện lên gần 2.000 ha, cây ngô đông xuân lên 1.929 ha. Cây trồng các loại cần nước được bảo đảm nguồn nước tưới, đạt tỷ lệ 69%. Tiếp tục phát huy hiệu quả này, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Krông Nô sẽ đầu tư xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi sẽ góp phần tăng diện tích tưới thêm cho 2.295 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Với việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ hoa màu sang trồng lúa, vụ mùa vừa qua diện tích cần phải tưới tiêu ở Buồn Chóah thậm chí đã vượt rất nhiều so với công suất thiết kế.

Đơn cử, tại trạm bơm số 1 theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt thì công suất trạm bơm đáp ứng được cho diện tích tưới lớn nhất là 165 ha. Trong khi đó diện tích trồng lúa nước 38,36ha, diện tích trồng cây hoa màu khác 117,64ha. Nhưng thực tế thì tổng diện tích cần cung cấp nước tưới là 165 ha, trong đó diện tích trồng lúa nước lên tới 145ha, diện tích trồng cây hoa màu khác chỉ có 20ha, tăng 2,2 lần so với lưu lượng thiết kế.

Tại trạm bơm số 02 và số 04 xã Buôn Choah, theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt thì công suất trạm bơm đáp ứng được cho diện tích tưới lớn nhất là 163 ha, trong đó diện tích trồng lúa nước là 60ha, diện tích trồng cây hoa màu khác là 103ha. Tổng diện tích thực tế chuyển đổi khai khác lúa nước cần cung cấp nước tưới là 357,83 ha. Trong đó diện tích trồng lúa nước là 342ha, diện tích trồng cây hoa màu khác chỉ còn 15ha. Lượng nước cung cấp tăng 3,55 lần so với lưu lượng thiết kế.

Cánh đồng tại trạm bơm số 03 Buôn Choah, theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt thì công suất trạm bơm đáp ứng được cho diện tích tưới lớn nhất là 160ha, trong đó diện tích trồng lúa nước 70ha, diện tích trồng cây hoa màu khác là 90ha. Số liệu thực tế thì tổng diện tích cần cung cấp nước tưới là 227,13ha, trong đó diện tích trồng lúa nước là 227,13ha, diện tích đất trồng hoa màu chuyển đổi hết sang trồng lúa nước dẫn đến lượng nước sử dụng tăng 3,55 lần so với lưu lượng thiết kế.

Kiều Linh