Khối ngoại tăng lực bán ròng lên gần 550 tỷ đồng, ngược chiều gom loạt cổ phiếu ngân hàng

Cập nhật: 17:00 | 22/08/2024 Theo dõi KTCK trên

VN-Index dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp khi giảm hơn 1 điểm về 1.282,78 điểm trong phiên 22/8. Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi tăng đà bán ròng lên gần 545 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Diễn biến thị trường phiên 21/8

Kết phiên hôm nay (22/8), VN-Index giảm nhẹ 1,27 điểm (0,1%) về mốc 1.282,78; HNX tăng 0,06 (0,02%) điểm lên mốc 238,47; UPCoM tăng 0,01 điểm lên mốc 94,49.

Diễn biến chỉ số phiên 22/8
Diễn biến chỉ số phiên 22/8

Tổng giá trị giao dịch 3 sàn đạt 17.426 tỷ đồng, có phần hụt hơi so với phiên liền trước và trung bình 5 phiên gần nhất, khối lượng giao dịch đạt 784 triệu cổ phiếu. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về sắc đỏ với 377 mã giảm giá/329 mã tăng.

Các cổ phiếu trụ gây sức ép lớn bao gồm HPG (-0,6 điểm), VNM (-0,6 điểm), VCB (-0,5 điểm), MBB (-0,4 điểm),… tổng cộng top 10 tác động tiêu cực lên chỉ số VN-Index đã lấy đi hơn 3,8 điểm, trong khi top 10 tác động tích cực chỉ có thể mang về gần 3 điểm.

Giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi gia tăng lực bán ròng lên 545 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Nhóm cổ phiếu thép bị khối ngoại bán mạnh

Trên sàn HOSE, khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng 472,6 tỷ đồng, khối lượng bán ròng tương ứng đạt 29,6 triệu đơn vị.

Trong đó, tại chiều bán, về khối lượng nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 72,9 triệu cổ phiếu, tổng giá trị tương ứng đạt 2.150 tỷ đồng.

Bộ đôi cổ phiếu thép bị xả mạnh nhất trong phiên hôm nay. Trong đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục bị bán mạnh với giá trị 245,5 tỷ đồng, tương ứng với 9,5 triệu đơn vị. Kết phiên, giá cổ phiếu HPG giảm 1,5% còn 25.750 đồng/cp.

Top 10 cổ phiếu bán ròng trên HOSE
Top 10 cổ phiếu bán ròng trên HOSE

Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đứng thứ 2 với giá trị bán ròng 121,9 tỷ đồng, tương đương 5,8 triệu đơn vị. Kết phiên, giá HSG giảm 1,4% còn 20.750 đồng/cp. Ngoài ra, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim cũng bị khối ngoại bán 18,8 tỷ đồng, giá NKG giảm 1,3% về 21.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu ngành thép liên tục bị khối ngoại bán tháo giữa lúc xuất hiện một loạt thông tin bất lợi đối ngành như giá HRC tiếp tục giảm về vùng đáy 3 năm hay các động thái phòng vệ thương mại từ Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ. Lợi thế thị phần, nhạy bén trước cơ hội xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào khá ổn định trong quý 1 được phản ánh vào giá vốn quý 2 song những lợi thế và điểm sáng hiện tại chỉ là nhất thời, không thực sự bền vững.

Ngành Thép vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt. Trong đó, chính sách mới từ EU (ngày 30/7/2024, EU đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC của Việt Nam, do sản lượng xuất khẩu tăng đột biến có thể gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu). Đồng thời, giá nguyên liệu giảm nhanh vào cuối quý 2 có thể tạo áp lực trích lập giảm giá hàng tồn kho trong quý 3.

Trở lại với diễn biến khối ngoại, đứng thứ 3 trong danh sách bán ròng là cổ phiếu VPB với giá trị 51 tỷ đồng, HDB cũng bị bán 41,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các mã PVD, OCB, VHM bị khối ngoại bán hơn 30 tỷ đồng mỗi mã.

Ngược chiều xu hướng, FPT tiếp tục được gom mua

Chiều ngược lại, khối ngoại đã mua vào tổng cộng 45,5 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, tương ứng giá trị giao dịch đạt 1.681 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu FPT đứng đầu danh sách mua ròng, song đã giảm nhiệt so với phiên trước đó còn 138 tỷ đồng, (phiên trước mua 273,6 tỷ đồng) khối lượng mua ròng tương ứng đạt 1 triệu đơn vị. Kết phiên, giá cổ phiếu FPT tăng 0,2% lên 133.800 đồng/cp.

Top 10 cổ phiếu mua ròng trên HOSE
Top 10 cổ phiếu mua ròng trên HOSE

Xét theo khối lượng, cổ phiếu STB được mua gần 1,7 triệu đơn vị (tương ứng với 50 tỷ đồng), đây là phiên thứ 7 liên tiếp được khối ngoại bơm ròng với tổng giá trị khoảng 158 tỷ đồng (5,3 triệu đơn vị).

1 mã ngân hàng khác là CTG của Vietinbank tiếp tục được khối ngoại mua ròng 20,9 tỷ đồng (tương ứng 606.000 đơn vị). Đáng chú ý, cổ phiếu CTG đã được nhóm nhà đầu tư ngoại mua ròng 10 phiên liên tiếp, tương ứng khoảng 656 tỷ đồng (20,2 triệu đơn vị). Đồng thuận với diễn biến khối ngoại, cổ phiếu CTG đã tăng 6 phiên liên tiếp và hiện đứng tại 34.600 đồng/cp.

Các cổ phiếu nằm trong danh sách mua ròng còn có STB, VCB, DGC với giá trị lần lượt 50 tỷ đồng, 48 tỷ đồng và 45 tỷ đồng.

Diễn biến giao dịch khối ngoại trên sàn HNX

Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp đà bán ròng 81,7 tỷ đồng, khối lượng bán ròng tương ứng đạt hơn 1,7 triệu đơn vị.

Tại chiều mua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào tổng cộng 1,6 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị đạt 45,7 tỷ đồng. Cổ phiếu CEO đứng đầu danh sách mua ròng với giá trị 2 tỷ đồng, tương ứng 123.000 đơn vị. Kết phiên, thị giá CEO đứng tham chiếu tại 16.700 đồng/cp. Theo sau là mã MBS được gom mua 1,6 tỷ đồng. Các mã VTZ, DHT, TNG được mua vài trăm triệu đồng mỗi mã.

Tại chiều bán, khối ngoại bán ra tổng cộng 3,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 127 tỷ đồng. Cổ phiếu IDC đứng đầu Top bán ròng HNX với giá trị 27 tỷ đồng, tương ứng 448.000 đơn vị. Giá IDC giảm 1,7% còn 60.600 đồng/cp. Theo sau là PVI với giá trị rút ròng đạt 26 tỷ đồng, tại PVS là 16,8 tỷ đồng. Các mã NTP, HUT, SHS, VGS, BVS, VSC, TIG bị bán từ 1-4 tỷ đồng

Giao dịch khối ngoại trên thị trường UPCoM

Trên sàn UPCoM, khối ngoại tích cực hơn khi mua ròng 9,5 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng đạt 239.110 đơn vị.

Tại chiều mua, nhà đầu tư nước ngoài đã gom tổng cộng 15,7 tỷ đồng, tương đương 376.210 đơn vị. Cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị 4,5 tỷ đồng, tương ứng với 102.400 đơn vị. Kết phiên, giá VEA tăng 1,35% lên 45.100 đồng/cp. Theo sau là QNS được khối ngoại mua ròng 3 tỷ đồng. Cùng chiều, ACV, BSR, MCH được khối ngoại gom mua với giá trị thấp hơn.

Ngược chiều, khối ngoại đã bán ra tổng cộng 137.100 cổ phiếu với giá trị 6 tỷ đồng. Cổ phiếu NTC Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên đứng đầu danh sách bán ròng với giá trị gần 2 tỷ đồng. Giá NTC giảm 1,2% còn 199.900 đồng/cp. Đà bán ròng còn diễn ra tại ABI, VAB, PAT với giá trị vài trăm triệu đồng mỗi mã.

Chiến lược bắt đáy: Làm gì để tránh “bắt dao rơi”?

"Bắt đáy" trong đầu tư chứng khoán là chiến lược mua cổ phiếu khi giá giảm mạnh với kỳ vọng sẽ tăng trở lại. Tuy ...

Đà tăng chững lại, VN-Index nhích nhẹ gần 1 điểm, cổ phiếu “họ Vin” ghi dấu ấn

Áp lực rung lắc xuất hiện từ khá sớm khiến VN-Index rung lắ, dù có xuất nhịp điều chỉnh nhưng sau đó chỉ số chung ...

Tạm gác lại mốc 1.300, thị trường chứng khoán gặp phiên điều chỉnh giảm

Sau 4 phiên tăng điểm mạnh liên tiếp, thị trường chứng khoán chính thức xảy ra sự điều chỉnh, tuy nhiên mức giảm cũng không ...

Anh Vũ