Giải pháp nào đưa trái cây Việt vươn xa ra thị trường quốc tế?

Cập nhật: 09:41 | 26/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Thời gian qua, trái cây Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… nhưng tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này của thế giới từ Việt Nam chỉ chiếm 1%.

Xuất khẩu cà phê dự báo đạt đỉnh vào cuối năm 2021

Thị trường gạo quý III/2021: Dự kiến xuất khẩu gạo tăng mạnh nhờ nhu cầu cuối năm tăng cao

Xuất khẩu tôm sang Mỹ khởi sắc trong bối cảnh thị trường EU ảm đạm

Thông tin của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông sản đạt 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được người tiêu dùng nước sở tại đón nhận.

"Tại Australia, một số sản phẩm Như Xuân oài, vải, nhãn, thanh long được đánh giá rất cao về chất lượng và được người tiêu dùng đón nhận"- ông Hải dẫn chứng. Đồng tình với ý kiến này Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan Võ Thị Ngọc Diệp cho biết, vài năm gần đây đây, trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Hà Lan, các loại quả xuất khẩu thành công vào thị trường này là thanh long, vải, nhãn, chanh dây.

1546-traicay
Ảnh minh họa

Hiện tổng giá trị trái cây tươi giao dịch trên toàn cầu lên đến 240 tỷ USD/năm, sản phẩm chế biến từ trái cây khoảng 270 tỷ USD/năm. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trung bình mỗi năm của Việt Nam chỉ đạt gần 50 tỷ USD, chiếm 1% nhu cầu toàn cầu. Điều đó cho thấy, dư địa cho ngành trái cây tăng kim ngạch xuất khẩu còn khá lớn bởi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Đặng Phúc Nguyên chia sẻ, Việt Nam đã ký kết với EU hiệp định EVFTA nên mặt hàng rau trái nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam được hưởng lợi bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. “Hiệp định EVFTA đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây vào thị trường EU”- ông Nguyên nêu rõ.

Để mở rộng thị phần, cũng như bám chắc thị trường quốc tế, theo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục.

Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan, cho biết mặc dù vài năm trở lại đây, trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường Hà Lan nhưng với số lượng không nhiều, đó là trái thanh long, quả vải, quả nhãn, chanh dây.

Hơn nữa, trái cây Việt Nam phải cạnh tranh với trái cây của các nước châu Á khác như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia và trái cây của Nam Mỹ (xoài, bơ, mít, chanh dây), đặc biệt các loại trái cây nhiệt đới từ Nam Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều do lợi thế vận chuyển (thường từ 8-10 ngày), nguồn cung ổn định và lợi thế về giá.

Theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, tại Hà Lan, trái cây Việt Nam nhập khẩu đa số phần phối tại các siêu thị châu Á do người gốc Trung Quốc, gốc Việt, Indonesia làm chủ hay các cửa hàng chuyên rau quả của người Thổ, Ấn Độ hay Pakistan.

Vì vậy, để trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường Hà Lan và người châu Âu thực sự là quá trình lâu dài, các hợp tác xã đòi hỏi sự đầu tư lớn từ quy hoạch vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định châu Âu khắt khe đối với trái cây tươi, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và bí quyết đóng gói để vận chuyển bằng đường biển (từ 4-5 tuần) và quan trọng mà các nhà nhập khẩu Hà Lan yêu cầu là nguồn cung ổn định (trừ các loại theo mùa vụ như vải, nhãn).

Việc truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm rất quan trọng, nhất là người Hà Lan chính gốc, để dần dần thay đổi thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng.

Đặc biệt, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo GlobalGAP hay EuroGAP,… và đảm bảo nguồn cung ổn định về số lượng và chất lượng sản phẩm, hiểu tập quán kinh doanh cũng là yếu tố quan trọng khi tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, chia sẻ việc tại sao nước Anh không mua trái cây trực tiếp từ Việt Nam, vì người Anh không muốn kinh doanh với người lạ, họ chấp nhận mua hàng Việt Nam qua Hà Lan, Pháp, hay Đức, Séc, nhằm giảm rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng.

Bởi thế, doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng trực tiếp thì phải dành được niềm tin của người Anh giống như người Thái Lan, Singapore dành được niềm tin của Anh.

Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng diện mặt hàng trái cây từ Việt Nam sang Nga, Thương vụ Nga khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động khảo sát thị trường, tham quan/tham gia các triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại Liên bang Nga, đặc biệt là World Food Moscow (tháng Chín hàng năm), Prodexpo (tháng hai hàng năm),… để nắm tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ trái cây và sản phẩm trái cây… của người dân Nga, tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp đã thành công trong thâm nhập thị trường Nga thông qua việc tham dự các hội chợ/triển lãm như hạt điều, đồ uống, xoài sấy, càphê…

Theo Thương vụ, các mặt hàng của Việt Nam như chuối, vải, thanh long nếu làm thị trường tốt, các sản phẩm của Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Nga.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyển khích để các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo trái cây có kích cỡ, màu sắc tương đồng, chất lượng đồng đều; đầu tư vào khâu kỹ thuật đóng gói, công nghệ bảo quản sau thu hoạch từ thu hái, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ để đảm bảo chất lượng trong cả chuỗi cung ứng, để trái cây Việt có thể giữ được chất lượng lâu hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục mở rộng diện mặt hàng đặc biệt là các sản phẩm sấy, nước quả với chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu các loại trái cây tươi và các mặt hàng trái cây sấy và nước quả từ thanh long, mãng cầu, măng cụt, mít, vải, nhãn, xoài, bưởi.

Vì vậy, Thương vụ Đại sứ quán và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga luôn sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, các hợp tác xã trong việc tìm kiếm thị trường, xúc tiến xuất khẩu trái cây và sản phẩm trái cây Việt Nam sang Nga.

Tại Australia, một số sản phẩm như xoài, vải, nhãn, thanh long Việt Nam được đánh giá rất cao và có uy tín, được người tiêu dùng đón nhận mạnh mẽ.

Bên cạnh việc đảm bảo chất lượg ổn định, cạnh tranh bằng công nghệ bảo quản, ông Nguyễn Phú Hòa cho biết các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú trọng việc truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần thay đổi thị hiếu, thói quen người tiêu dùng nước sở tại cũng rất quan trọng. Câu chuyện thành công từ việc xuất khẩu quả vải Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng là một ví dụ điển hình.

Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cùng hệ thống Thương vụ các nước đã phát huy hiệu quả và tạo tiếng vang khá lớn, không chỉ người gốc Á biết về quả vải Việt mà cả người Hà Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Séc… cũng biết đến, thử và rất thích.

Hay tại Australia, trong chiến lược xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng khuyến nghị doanh nghiệp khi thiết kế bao bì nên quảng bá hình ảnh Việt Nam xanh, đẹp, có nền văn hóa đa dạng, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới.

Đặc biệt, khi đưa các sản phẩm mới vào Australia, thông báo với cơ quan thương vụ biết để cùng chung tay đề ra kế hoạch, chiến lược dài hạn.

Đây chính là cơ hội để các hợp tác xã Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trái cây trong thời gian tới, đặc biệt khi rau, quả là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan