Thị trường gạo quý III/2021: Dự kiến xuất khẩu gạo tăng mạnh nhờ nhu cầu cuối năm tăng cao

Cập nhật: 10:44 | 22/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính sản lượng sản xuất gạo thế giới 9 tháng đầu năm 2021 đạt 389,8 triệu tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục được đẩy mạnh do nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á tăng nhập khẩu cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Giá thép hôm nay 22/10/2021: Ghi nhận dưới mốc 5.000 nhân dân tệ/tấn

Dự báo thị trường vật liệu xây dựng quý IV/2021 tăng nhẹ

Giá dầu đứng đỉnh khiến thị trường hàng hóa sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm?

I – Thị trường gạo thế giới

1. Sản xuất – Tiêu thụ

Trong 9 tháng năm 2021, FAO ước tính sản lượng sản xuất gạo thế giới 389,8 triệu tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng sản xuất gạo toàn cầu 9 tháng ước khoảng 381 triệu tấn, tăng 0,36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) ước tính sản xuất gạo toàn cầu 9 tháng đạt 383,93 triệu tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tính toán của FAO, sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu 9 tháng đạt 389,7 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ 2020. Còn theo IGC ước tính sản lượng tiêu thụ gạo 9 tháng 2021 ở mức 382 triệu tấn, tăng 0,67%.

4207-thitruonggao1
Ảnh minh họa

2. Tình hình xuất nhập khẩu

a. Xuất khẩu

Theo báo cáo mới đây của USDA, xuất khẩu gạo Thái Lan 9 tháng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 5,8 triệu tấn từ 6,2 triệu tấn. Nguyên nhân là thiếu tàu container và chi phí vận chuyển cao hơn dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

"Chi phí vận chuyển hàng hóa đến Mỹ hiện tăng gấp 5 lần so với trước khi bùng phát dịch COVID-19. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ có thể giao 60% tổng số hợp đồng gạo vào tháng 7/2021", theo USDA.

USDA cũng lưu ý rằng xuất khẩu sang thị trường Singapore đã giảm 52% so với cùng kỳ năm trước. "Ngoài ra, nhiều quốc gia ASEAN đang trải qua làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất khiến nhu cầu đối với gạo Thái Lan giảm sút", cơ quan nông nghiệp Mỹ cho biết thêm.

b. Nhập khẩu

Philippines: USDA vừa nâng dự báo nhập khẩu của nước này lên 2,2 triệu tấn so với 2,1 triệu tấn trong năm thị trường trước đó. Nguyên nhân được cho là do điều kiện kinh tế dự kiến sẽ được cải thiện và sự gia tăng số lượng giấy phép nhập khẩu vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPSIC) được cấp.

Vào tháng 7 và tháng 8, Cục Công nghiệp Thực Vật (BPI) đã ban hành 885 SPSICs tương đương khoảng 642.811 tấn gạo, tăng so với 379 SPSICs khoảng 273.643 tấn gạo trong cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, cơ quan này cũng dự báo nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tăng 200.000 tấn trong năm thị trường 2021/22 so với năm trước.

Nhật Bản: USDA đã công bố bảng cân đối gạo mới nhất trong năm thị trường 2021-2022 (tháng 11/2021 - 10/2022) của Nhật Bản. Theo bảng cân đối, cơ quan này giữ nguyên dự báo của mình và chỉ nâng nhẹ dự báo về diện tích thu hoạch và trữ lượng gạo, đồng thời hạ dự báo về sản lượng gạo xay xát so với dự báo chính thức trước đó.

Về nhập khẩu gạo, cơ quan USDA dự báo sản lượng vẫn sẽ ổn định ở mức 685.000 tấn so với năm trước và vẫn tuân theo cam kết WTO. Bên cạnh đó, sản lượng gạo xuất khẩu được dự báo sẽ tăng lên 70.000 tấn so với năm trước. Tồn kho cuối niên vụ 2021/22 sẽ giảm do tiêu thụ tăng.

Iraq: Vào cuối tháng 9, Hiệp hội các nhà máy xay xát gạo Thái Lan cho biết Tanasan Rice Plc, một nhà xuất khẩu gạo lớn của Thái Lan, gần đây đã ký hợp đồng với các nhà nhập khẩu Iraq để cung cấp 44.000 tấn gạo trắng 100%.

Ông cho biết lệnh cấm là kết quả của một nhà xuất khẩu Thái Lan, người đã giao 110.000 tấn gạo cho Iraq vào năm 2014, không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của đất nước. Các nhà nhập khẩu Iraq cũng tuyên bố rằng số gạo được giao ít hơn 10% so với những gì đã thỏa thuận, điều này đã dẫn đến lệnh cấm đối với gạo Thái Lan kéo dài 7 năm.

EU: Theo số liệu xuất nhập khẩu mới nhất của Liên minh Châu Âu (EU), tính từ ngày 01/09 đến 26/09/2021 của niên vụ 2020/21 (1/9/2020 - 31/8/2021), EU và Anh đã nhập khẩu tổng cộng 53.303 tấn gạo xay xát (trong đó, nhập khẩu gạo Japonica tổng cộng là 16.214 tấn và gạo Indica đạt 37.097 tấn), giảm khoảng 18% so với 64.986 tấn của cùng kỳ năm trước.

3. Diễn biến giá

Giá gạo của các nước xuất khẩu lớn trên thế giới cũng có biến động trái chiều trong tháng 9. Tuy vậy chỉ số giá gạo FAO trung bình đạt 98,7 điểm, tăng 0,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Reuters, vào tuần cuối của tháng 9, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 380 – 386 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2019, so với mức 380 – 393 USD/tấn trước đó một tuần.

Đồng baht giảm kéo theo giá gạo xuất khẩu tính theo USD cũng giảm. Đồng baht đã giảm khoảng 3% kể từ cuối tháng 8 đến nay. Ngoài ra, tháng 11 tới dự kiến thị trường sẽ có thêm nguồn cung từ vụ thu hoạch mới. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 11, dự kiến giá gạo Thái Lan sẽ còn tiếp tục biến động.

Trong khi đó, giá gạo Ấn Độ tuần này vững, loại đồ 5% tấm ở mức 360 - 365 USD / tấn như cách đây một tuần.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm tuần này ở mức 415- 420 USD/ tấn, so với 410 - 420 USD/tấn cách đây một tuần. “Hoạt động mua bán diễn ra trầm lắng”, Reuters dẫn lời một thương nhân có trụ sở tại TP.HCM cho biết. "Không có nhiều khách hàng quay lại mua vì chi phí vận chuyển cao và hàng chậm giao."

"Việt Nam đang nới lỏng dần các hạn chế di chuyển liên quan đến COVID-19, vì vậy hoạt động giao dịch có thể khôi phục trong những tuần tới", một thương nhân cho biết, thêm rằng gạo Thái Lan và Ấn Độ rẻ hơn có thể cản trở giá gạo Việt Nam không tăng.

4210-thitruonggao2
Ảnh minh họa

II – Thị trường gạo Việt Nam

1. Sản xuất

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 15/9, nhờ thời tiết thuận lợi và chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, gieo trồng giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống nên năng suất lúa đông xuân của cả nước năm nay đạt 68,6 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2020, sản lượng đạt 20,63 triệu tấn, tăng 755,1 nghìn tấn.

Tính đến ngày 15/9/2021, các địa phương đã thu hoạch được 1.643,8 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 84,1% diện tích gieo cấy và bằng 101,5% cùng kỳ năm trước; năng suất ước tính đạt 56,5 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2020. Do diện tích gieo cấy và năng suất tăng so với vụ hè thu trước nên sản lượng chung toàn vụ đạt 11,03 triệu tấn, tăng 282,7 nghìn tấn.

2. Tiêu thụ

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu gạo trong tháng 9 đã hồi phục trở lại dù nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Trong tháng 9, cả nước đã xuất khẩu thành công 530.000 tấn gạo, trị giá 261 triệu USD, tăng đáng kể so với mức 430.000 tấn và 211 triệu USD thực hiện trong tháng 8.

Lũy kế 9 tháng 2021, xuất khẩu gạo cả nước đạt 4,516 triệu tấn, trị giá 2,389 tỷ USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Philippines tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam với 1,83 triệu tấn, trong 9 tháng, tương đương gần 935,91 triệu USD, giá trung bình 512,6 USD/tấn, tăng nhẹ 0,9% về lượng, tăng 11% về kim ngạch và tăng 10% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng tháng 9, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 283.448 tấn, tương đương 138,16 triệu USD, giá trung bình 487,4 USD/tấn, tăng 3,2% về lượng, tăng 3,5% về kim ngạch và tăng 0,3% về giá so với tháng 8/2021. So với tháng 9/2020 cũng tăng mạnh 206,6% về lượng, tăng 197,3% kim ngạch nhưng giá giảm 3%.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh 46,7% về lượng, tăng 25,3% về kim ngạch nhưng giảm 14,6% về giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 845.571 tấn, tương đương 423,9 triệu USD, giá trung bình 501 USD/tấn; chiếm 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Đáng chú ý nhất là xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ Biển Ngà trong tháng 9 tăng rất mạnh 2.373% về lượng, tăng 2.337% về kim ngạch so với tháng 8, đạt 18.548 tấn, tương đương 9,83 triệu USD.

Tuy nhiên, tính chung cả 9 tháng năm 2021 xuất khẩu sang thị trường này lại sụt giảm 22,2% khối lượng và giảm 12,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, đạt 281.361 tấn, tương đương 144,22 triệu USD, giá 512,6 USD/tấn; chiếm 6% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

4206-thitruonggao
Ảnh minh họa

3. Diễn biến giá

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cùng với việc tăng xuất khẩu trở lại, tín hiệu đáng mừng là những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 423 - 427 USD/tấn lên 428 - 432 USD/tấn trong những ngày cuối tháng 9 và tiếp tục tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 10. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 383 - 387 USD/tấn và Ấn Độ là 368 - 372 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại đã khiến thị trường lúa gạo trong nước cũng chuyển động tích cực hơn. Theo VFA, gạo NL IR 504 đã tăng 150 đồng, lên 8.000-8.100 đồng/kg; gạo TP IR 504 tăng nhẹ 50 đồng, lên 9.200 đồng/kg; cám vàng tăng mạnh 1.200 đồng, lên 7.400-7.500 đồng/kg. Riêng tấm 1 IR 504 ổn định ở mức 7.500 đồng/kg.

Tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Cần Thơ, An Giang… giá lúa khá ổn định thì ở Bạc Liêu, Tiền Giang, Đồng Tháp… giá lúa đã tăng trở lại.

Tại Tiền Giang, lúa hạt dài tươi tăng 200 đồng, lên 5.650 đồng/kg; lúa thường tăng 300 đồng, lên 5.250 đồng/kg. Tại Đồng Tháp, lúa hạt dài cũng tăng 200 đồng, lên 5.450 đồng/kg. Tại Kiên Giang lúa hạt dài tăng mạnh 400 đồng, lên 6.000 đồng/kg…

III – Dự báo

Cuối tháng 9, USDA đã điều chỉnh tăng dự báo về thương mại gạo toàn thêm 0,4 triệu tấn lên gần cao kỷ lục, 48,3 triệu tấn, trong đó Ấn Độ chiếm phần lớn mức tăng nhập khẩu trong năm nay.

Cùng với đó, USDA cũng tăng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2022 tăng 0,65 triệu tấn lên 47,7 triệu tấn (quy xay xát), trong đó Trung Quốc đại lục, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ và Việt Nam chiếm phần lớn mức điều chỉnh tăng trong dự báo về xuất khẩu năm 2022.

Đồng thời, Trung Quốc và Ấn Độ là những thị trường có mức giảm nhập khẩu nhiều nhất trong số những thị trường giảm nhập năm 2022. Tuy nhiên, so với năm 2021, thương mại gạo thế giới năm 2022 dự báo giảm 1,4%, chủ yếu do Bangladesh giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Dự báo về xuất khẩu năm 2022 bị điều chỉnh giảm ở Ấn Độ và Mỹ, với xuất khẩu của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm 2,5 triệu tấn xuống 16,0 triệu tấn trong năm marketing 2022, song vẫn gần sát mức cao kỷ lục 18,5 triệu tấn của niên vụ trước, và tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Dự báo về nhập khẩu của Australia, Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Nam Phi và Việt Nam dự báo sẽ giảm. Trong đó, nhập khẩu của Bangladesh dự kiến sẽ giảm 1,3 triệu tấn xuống còn 0,5 triệu tấn, của Trung Quốc giảm 0,3 triệu tấn xuống 3,6 triệu tấn, và của Việt Nam giảm 0,7 triệu tấn từ mức cao kỷ lục của năm 2021 xuống còn 0,5 triệu tấn.

Trong khi đó VFA dự báo 3 tháng còn lại của năm 2021, hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục được đẩy mạnh do nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á tăng nhập khẩu cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm, đồng thời, hoạt động xuất khẩu sẽ được khơi thông mạnh mẽ hơn do các địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 và chủ trương nối lại sản xuất an toàn vừa phòng chống dịch.

Cùng với đó, thị trường gạo thế giới bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại khi dịch COVID-19 ở các nước xuất khẩu và nhập khẩu bớt căng thẳng, cho phép hoạt động thương mại gạo được nối lại.

Nỗ lực của các doanh nghiệp trong quý 4/2021 nhằm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm 2021 ở mức 6,3 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm