Xuất khẩu tôm sang Mỹ khởi sắc trong bối cảnh thị trường EU ảm đạm

Cập nhật: 08:30 | 21/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, xuất khẩu tôm đạt 308 triệu USD, giảm 20% so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,7 tỷ USD, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Giá tiêu được dự báo có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg cuối năm 2021?

Nhãn hiệu Gạo Việt Nam được bảo hộ tại 22 quốc gia trên thế giới

Lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết trong cơ cấu xuất khẩu, tôm thẻ chân trắng đạt 2,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 77%. Còn tôm sú lại chỉ đạt 422 triệu USD, chiếm 15%, tôm biển 8%.

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh tăng 20% trong khi các sản phẩm còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

4746-xuatkhautom
Ảnh minh họa

Theo VASEP, trong tháng 9, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 97 triệu USD, tăng nhẹ 8% so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 775 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao, nhất là khi thị trường này đang mở cửa trở lại hậu COVID-19 và các dịp lễ cuối năm đang tới gần.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 8 và ghi nhận mức tăng trưởng dương 9 tháng liên tiếp.

NOAA cho rằng nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ecuador liên tục tăng mạnh từ đầu năm nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ sẽ khó duy trì được trong thời gian tới do thiếu nguyên liệu chế biến, tạo cơ hội cho tôm Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 9, xuất khẩu tôm sang EU đạt 49 triệu USD, giảm 15% so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 408 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020.

VASEP nhận định rằng lượng tôm dự trữ của EU đang ở mức thấp, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel.

Cùng với yếu tố thị trường, những lợi thế từ EVFTA là cơ hội cho các nhà nhập khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.

Việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9 giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Tuy vậy doanh nghiệp vẫn phải "canh cánh" nhiều nỗi lo về nguồn lao động, chi phí, đảm bảo phòng chống dịch để sản xuất an toàn.

Điển hình như việc dòng người lao động từ TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ ồ ạt về quê khiến cho các khu cách ly bị quá tải, số ca F0 tăng mới tăng thêm áp lực cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm tại ĐBSCL.

Do đó, các doanh nghiệp cần cảnh giác cao độ để duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng cho khách vào dịp lễ cuối năm.

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chạy nước rút trong 100 ngày vàng

Tại họp báo quý III của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9 đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết quý III, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, ngành thủy sản có 100 ngày "vàng" để chạy nước rút cho mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9 tỷ USD, tương đương mỗi tháng xuất khẩu thủy sản cần đạt hơn 900 tỷ USD.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hồ Nguyên, TGĐ Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Nam Định) cho biết nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu nghêu ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đều thuộc vùng xanh, khá an toàn nên công ty vẫn duy trì sản xuất, gấp rút hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu trước mùa Noel.

"Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường đều tăng mạnh, mỗi tháng công ty xuất đều 20 – 25 container nghêu đông lạnh. Dự kiến, sản lượng và doanh thu của xuất khẩu Lenger tăng 30% trong năm 2021, đạt 8.000 tấn nghêu, tương đương 12 triệu USD.

Bên cạnh đó, công ty cũng bắt đầu phát triển và nhận thêm được đơn hàng thịt nghêu đông lạnh, thịt nghêu đóng hộp. Sản phẩm này có giá trị gia tăng cao hơn so với nghêu nguyên vỏ, đồng thời tiêu thụ lượng lớn nghêu của người dân", ông Nguyên nói.

Theo VASEP, EU là thị trường nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 62% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.

Những ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA phần nào giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ Việt Nam sang thị trường này.

VASEP dự báo nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm này từ EU và Mỹ vẫn rất cao từ nay tới cuối năm. Nếu đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho chế biến và dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

Nếu doanh nghiệp ở địa phương có thế mạnh về nguyên liệu và chế biến nghêu, không nằm trong vùng giãn cách theo Chỉ thị 16 cần đảm bảo phòng dịch và tăng tốc cho các đơn hàng mùa Giáng sinh.

Dù nhìn thấy những lợi thế nhưng ông Nguyên vẫn chưa hết lo khi một số công nhân của Lenger sinh sống tại tỉnh Hà Nam, thuộc vùng phong tỏa khiến một số dây chuyển sản xuất bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, công tác phòng dịch, đảm bảo an toàn cho công nhân khi trở lại nhà máy là điều ông Nguyên lo ngại.

Mặt khác, hiện nay các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu rất ưa chuộng sản phẩm nghêu cỡ lớn nhưng giống nghêu của Việt Nam đang suy thoái, lượng nghêu đạt cỡ lớn rất ít. Và doanh nghiệp có thể mất khách hàng nếu không đáp ứng yêu cầu sản phẩm.

"Về lâu dài, Lenger đang hợp tác với doanh nghiệp ở Hà Lan để sản xuất giống nghêu thuần chủng, có khả năng sinh trưởng tốt, đạt kích cỡ của các khách hàng.

Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thể mở rộng quy mô nhà máy, đơn hàng xuất khẩu khi giống nghêu này được đưa vào sản xuất", ông Nguyên nói.

Minh Phương