Xuất khẩu cà phê dự báo đạt đỉnh vào cuối năm 2021

Cập nhật: 15:01 | 25/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 10,2% về lượng và giảm 6,6% về trị giá so với tháng 8/2021 đạt 100,34 nghìn tấn, trị giá 210 triệu USD.

Đề xuất tăng thuế xuất khẩu vàng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều

Thị trường gạo quý III/2021: Dự kiến xuất khẩu gạo tăng mạnh nhờ nhu cầu cuối năm tăng cao

Giá cao su tháng 10 tăng trở lại nhờ trợ giá từ Nhật Bản

Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.093 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 12/2017, tăng 4% so với tháng 8/2021 và tăng 11% so với tháng 9/2020.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tăng trong các tháng tới. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng, trong khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021 - 2022.

Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển mặt hàng.

0016-xuatkhaucaphe
Ảnh minh họa

Trong quý II và quý III, thông tin Brazil mất mùa do chịu tác động bởi thời tiết xấu khiến giá cà phê thế giới tăng mạnh. Điển hình trong tháng 8 giá cà phê đạt đỉnh 7 năm và tiếp tục lập kỷ lục mới trong tháng 9.

Ngoài ra, việc Việt Nam chịu tác động bởi dịch COVID-19 khiến nguồn cung cà phê bị đứt gãy. Điều này càng đẩy giá cà phê nguyên liệu trong nước tăng thêm.

Tính chung trong quý III giá cà phê trong nước tăng 12% đạt vượt mốc 40.000 đồng/kg, đồng thời đánh dấu chấm hết của chu kỳ giảm giá 4 năm liên tiếp. Bước sang tháng 10, giá cà phê robusta trong nước tiếp tục xu hướng tăng khoảng 1% so với cuối tháng 9 trước thềm vụ thu hoạch mới lên mức 39.500 – 40.400 đồng/kg.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho rằng để giá cà phê quay về thời hoàng kim 46.000 - 47.000 còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung chưa ổn định (thị trường lo ngại hạn hán xảy ra tại Nam Mỹ và lũ lụt tại Đông Nam Á), trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và giá cước phí vận chuyển cao.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 9/2021 đạt 3,1 triệu bao (bao 60 kg), giảm 26,5% so với tháng 9/2020. Lũy kế 3 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022, xuất khẩu cà phê của Brazil đạt 8.817 triệu bao, giảm 20% so với 3 tháng đầu niên vụ 2020 - 2021.

Giá cà phê hôm nay (25/10), tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.700 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.800 đồng/kg.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định, chu kỳ 10 năm của ngành hàng cà phê đang quay trở lại. Dự báo giá cà phê sẽ đạt đỉnh vào cuối năm.

Nếu xét về giá ở thị trường London thì năm 2011 giá cao nhất là 2.600 USD/tấn, hiện nay giá cà phê chỉ mới đạt mức 2.100 USD/tấn, còn cách mức đỉnh năm 2011 là 500 USD, như vậy giá cà phê vẫn còn cửa để tăng. Đó là nói theo chu kỳ 10 năm nhưng trên thực tế giá cà phê còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác.

Nếu giá cà phê lập đỉnh vào cuối năm sẽ rất tốt cho người nông dân và ngành cà phê của Việt Nam, vì vào tháng 11 hàng năm là mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên.

Nhưng khi đã lập đỉnh rồi thì cà phê sẽ quay đầu giảm giá, dù vậy giá sẽ vẫn tốt đến vụ cà phê năm sau vì phải chờ đến tháng 7/2022 khi Brazil thu hoạch vụ cà phê mới, hoặc Indonesia thu hoạch vào tháng 4/2022, đến lúc đó giá cà phê mới biến động nhiều và trước mắt Việt Nam vẫn “một mình một chợ” nên giá vẫn tốt.

Thời gian qua cước vận tải tăng cao ở Việt Nam cộng với hạn hán, sương muối ở Brazil làm cho sản lượng cà phê Robusta của nước này liên tục giảm đã ảnh hưởng đến lượng cà phê xuất khẩu của các nước, gây lo ngại cho chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, do doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng bán giá FOB, khi nào nhà nhập khẩu đưa lệnh giao hàng mới giao nên không phải mất tiền cho khoản chi container.

Thanh Hằng