Chân dung Bồ Công Anh Sài Gòn, doanh nghiệp vừa loại FPT IS tại gói thầu của Đạm Cà Mau

Cập nhật: 11:41 | 02/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty TNHH Bồ Công Anh Sài Gòn nằm trong liên danh vừa thắng gói thầu tại Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM).

Mới đây, Liên danh Công ty TNHH Bồ Công Anh Sài Gòn – Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Vũ đã được Đạm Cà Mau công bố trúng gói thầu Hệ thống hội nghị trực tuyến, trụ sở Trạm liên lạc làm việc tại TP HCM.

Gói thầu có giá 10.938.458.300 đồng; giá trúng thầu của Liên danh DSG – Long Vũ là 10.279.181.000 đồng. Thời gian hợp đồng chỉ trong 30 ngày.

Kết quả mở thầu trước đó ghi nhận sự tham gia của 4 nhà thầu, trong đó bao gồm ‘ông kẹ’ Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT. Hai nhà thầu khác gồm Công ty TNHH Công nghệ truyền thông dữ liệu Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Diễn Đạt. Riêng Công ty TNHH Công nghệ truyền thông dữ liệu Việt Nam bị loại tại bước đánh giá kỹ thuật.

Quyết định do Thành viên HĐQT, TGĐ Văn Tiến Thanh ký
Quyết định do ông Văn Tiến Thanh, Thành viên HĐQT, TGĐ Đạm Cà Mau ký

Trước đó, vào quý 3/2022, Công ty Bồ Công Anh Sài Gòn (tên viết tắt là DSG) từng trúng một gói thầu khác tại Đạm Cà Mau với giá trúng thầu cực sít sao. Đó là gói trang bị bản quyền phần mềm Microsoft và bản quyền ứng dụng khác. Gói này có giá 2.598.456.000 đồng, giá trúng thầu của DSG là 2.573.790.000 đồng, tức tiết kiệm chỉ vài chục triệu đồng.

Dữ liệu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho thấy, DSG là một trong những nhà thầu có quan hệ với Đạm Cà Mau trong hoạt động đấu thầu, mua sắm. Một số nhà thầu là đối tác quen thuộc tại doanh nghiệp này có thể kể đến như Công ty CP Phát triển Công nghệ viễn thông Tin học Sun Việt; Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí – CTCP; Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP…

Mới đây, Đạm Cà Mau (DCM) đã chốt quyền chia cổ tức 2023 bằng tiền, tỷ lệ 20%. Với tỷ lệ này, ông lớn ngành phân bón sẽ chi gần 1.100 tỷ đồng để chia cho cổ đông, trong đó công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận về khoảng 800 tỷ đồng.

TGĐ Văn Tiến Thanh hiện chỉ sở hữu 0,01% cổ phần Đạm Cà Mau. Ảnh: Petrotimes
Tổng giám đốc Văn Tiến Thanh hiện chỉ sở hữu 0,01% cổ phần Đạm Cà Mau. Ảnh: Petrotimes

Trong hoạt động kinh doanh, năm 2023, DCM đạt kỷ lục về sản lượng sản xuất, nhưng lãi ròng chỉ bằng 1/4 cùng kỳ, khoảng hơn 1 ngàn tỷ đồng. Năm 2024, DCM đặt mục tiêu đi lùi với doanh thu 11,9 ngàn tỷ đồng, giảm 6% so với kết quả thực hiện năm 2023; lãi ròng gần 795 tỷ đồng, giảm hơn 28%.

Lập ‘cú đúp’ tại Điện lực Miền Trung

Trở lại với Công ty TNHH Bồ Công Anh Sài Gòn, mới đây, vào quý 1/2024, Liên danh DSG – Long Vũ từng trúng gói thầu mua sắm, lắp đặt trang thiết bị công nghệ thông tin, thuộc Dự án nâng cấp hạ tầng CNTT của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (Giai đoạn 1) với tỷ lệ tiết kiệm thấp. Gói thầu có giá 14.869.716.000, giá trúng thầu của liên danh rất sát, là 14.427.410.000 đồng. Đáng chú ý, biên bản mở thầu cho thấy liên danh DSG – Long Vũ cũng là nhà thầu duy nhất tham gia.

Theo hồ sơ của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, DSG thành lập năm 2016 bởi 2 cổ đông sáng lập có cùng địa chỉ thường trú gồm: Nguyễn Quang Chiến (SN 1987) và Nguyễn Kim Huyền (SN 1989). Hai cá nhân này cùng đăng ký thường trú tại 32/53/13 Ông Ích Khiêm, phường 14, quận 11, TP. HCM.

Trong lần thay đổi mới nhất (tháng 7/2023), DSG có vốn điều lệ 40 tỷ đồng. Trong đó, ông Chiến góp 24 tỷ đồng, chiếm 60% cổ phần. Bà Huyền nắm 40% vốn góp còn lại, đồng thời giữ chức danh giám đốc và người đại diện của DSG.

Trong hoạt động đấu thầu, DSG bắt đầu nổi lên từ năm 2020 khi liên danh cùng Công ty TNHH Kỹ thuật Điện cơ Hưng Phát trúng gói mua sắm thiết bị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau đó, DSG trúng nhiều gói thầu khác ở nhiều chủ đầu tư.

Hai thành viên sáng lập, góp vốn của Công ty Bồ Công Anh Sài Gòn (viết tắt là DSG) có cùng địa chỉ thường trú.
Hai thành viên sáng lập, góp vốn của Công ty Bồ Công Anh Sài Gòn (viết tắt là DSG) có cùng địa chỉ thường trú.

Quý 3/2023, DSG gây chú ý khi liên tiếp trúng 2 gói thầu giá trị cao tại Điện lực Miền Trung. Cụ thể, ngày 21/9/2023, Công ty CNTT Điện lực Miền Trung (CPCIT, thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Trung) ra Quyết định 1144/QĐ-IT công bố DSG trúng gói thầu cung cấp triển khai dịch vụ kỹ thuật hệ thống tài nguyên máy chủ và License ảo hóa.

Gói thầu này có giá 10.688.862.868 đồng với 4 nhà thầu tham gia, trong đó DSG bỏ giá thấp nhất, và thắng thầu ở giá 10.151.600.000 đồng.

Chỉ ít ngày sau, Giám đốc CPCIT tiếp tục có Quyết định 1234/QĐ-IT công bố DSG thắng gói thầu cung cấp, triển khai dịch vụ kỹ thuật các hệ thống Disk Backup và phần mềm Backup máy chủ ảo. Gói thầu này có giá 12.267.077.038 đồng, giá trúng thầu của DSG là 11.605.876.000 đồng.

Trước đó, DSG bắt đầu ‘bén duyên’ với ngành điện lực từ gói thầu trang bị hệ thống màn hình hiển thị đa năng phục vụ cung cấp thông tin hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Tại gói thầu này, DSG đánh bại Công ty CP Máy tính Sài Gòn và thắng thầu ở giá 4.455.870.430 đồng (Công ty CP Máy tính Sài Gòn có giá dự thầu thấp hơn, nhưng bị loại vì không đạt kỹ thuật).

Cao Thái

Tin cũ hơn
Xem thêm