Kiệt quệ sau “cú đấm” nghìn tỷ của gã khổng lồ Amazon: Garmex Sài Gòn khó tìm lối thoát

Cập nhật: 12:05 | 29/06/2024 Theo dõi KTCK trên

Thương hiệu dệt may 50 tuổi Garmex Sài Gòn (GMC) từng có khoảng thời gian hưng thịnh, làm mưa làm gió trên thị trường phía Nam trước khi lâm vào cảnh túng quẫn sau khi gián tiếp mất đơn hàng từ "ông lớn" Amazon.

Sau khoảng thời gian rao bán tài sản chật vật, Công ty CP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) có văn bản thông báo đấu giá tài sản lần 2 về quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất (là công trình xây dựng) có vị trí ở Khu công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Giá khởi điểm của tài sản đấu giá là 156 tỷ đồng. Người tham gia đấu giá phải đặt trước 31,2 tỷ đồng và mỗi bước giá trả lên là 100 triệu đồng. Theo thông tin công bố, giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản khi thực hiện mua. Các chi phí này theo đó do người trúng đấu giá chi trả.

Tài sản trên thuộc về Công ty TNHH Garmex Quảng Nam - công ty con của Garmex Sài Gòn. Khu đất có diện tích 26.000 m2, có địa chỉ tại Cụm CN Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thửa đất được sử dụng làm đất cụm công nghiệp (nhà máy may) và có thời hạn sử dụng đến ngày 08/05/2063. Hạng mục công trình trên đất gồm nhà xưởng, nhà kho, nhà ở CBCNV, nhà bếp, nhà bảo vệ, nhà xử lý nước sạch,...

Đáng nói, Garmex Sài Gòn có động thái bán đấu giá tài sản trên hồi đầu tháng 5 với mục đích trang trải cũng như khắc phục các tình trạng tài chính kém khả quan. Tuy nhiên hết thời hạn chào bán, GMC không ghi nhận cá nhân hay tổ chức đăng ký đấu giá tài sản.

Kiệt quệ sau “cú đấm” nghìn tỷ của gã khổng lồ Amazon: Garmex Sài Gòn khó tìm lối thoát
Thửa đất được Garmex Sài Gòn bao gồm 12 hạng mục công trình

Còn nhớ hồi tháng 4, Garmex Sài Gòn đã công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông việc chuyển nhượng thửa đất. Công ty cho rằng do không có đơn hàng và tình hình kinh doanh không khả quan, nếu tiếp tục sản xuất tại các nhà máy trong ngành may, công ty sẽ chịu tổn thất lớn. Vì vậy, GMC đã quyết định tái cơ cấu tổ chức, cắt giảm lao động và tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, đồng thời thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí tối đa.

Cần biết, hoạt động rao bán tài sản đất được nhắc tới nằm trong chủ trương của HĐQT Garmex Sài Gòn tại ĐHĐCĐ bất thường vào cuối tháng 9/2023. GMC không chỉ đem đấu giá tài sản có giá trị lớn như bất động sản mà còn rao bán hàng loạt tài sản khác như: xe ô tô, xe tải, máy may và một loạt máy móc khác,...

Kiệt quệ sau “cú đấm” nghìn tỷ của gã khổng lồ Amazon: Garmex Sài Gòn khó tìm lối thoát
Nghị quyết chuyển nhượng tài sản đến từ GMC

Dễ nhận thấy rằng, tính từ thời điểm tháng 9/2023, một loạt văn bản thông báo bán đấu giá, thanh lý tài sản theo hình thức cạnh tranh, chuyển nhượng tài sản,... xuất hiện dày đặc trên trang công bố thông tin của Garmex Sài Gòn; thậm chí, số lượng tài liệu, quyết định về việc rao bán, chuyển nhượng còn chiếm tới ¾ danh mục này. Mặc dù doanh nghiệp đang tích cực rao bán, chuyển nhượng nhiều loại hình tài sản khác nhau nhưng cho tới nay GMC chỉ đấu giá thành công một số vật phẩm có giá trị thấp như máy giặt hay máy sấy công nghiệp.

Song song, nhằm giảm áp lực “chật vật” rao bán tài sản, GMC cho biết đang thử sức với lĩnh vực mới. Sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bổ sung ngành nghề kinh doanh mới đó là tham gia hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và ghi nhận doanh thu mỏng từ hoạt động này.

Bên cạnh đó, Công ty còn đẩy mạnh tham gia mảng bất động sản khi góp thêm hơn 4,3 tỷ đồng vào Công ty CP Phú Mỹ - công ty liên kết của Công ty, đồng thời là chủ đầu tư của dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ. Tổng số vốn mà Công ty đã góp vào công ty liên kết này tính đến thời điểm hiện tại là gần 24 tỷ đồng.

Sau loạt động thái “gồng mình”, tình hình kinh doanh của Garmex Sài Gòn đã có phần cải thiện nhưng vẫn là một bài toán nan giải trong tương lai. Cụ thể, quý 1/2024, Garmex Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần đạt 134,9 triệu đồng, giảm 99,99%. Không còn kinh doanh dưới giá vốn, Công ty lãi gộp trên gần 135 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhờ khoản thu nhập khác từ việc thanh lý và đấu giá đem về hơn 1,1 tỷ đồng nên khoản thu nhập sau thuế của GMC thoát lỗ 5 quý liên tiếp, ghi nhận dương 1,24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2023 công ty lỗ ròng gần 21 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn còn lại gì sau nhiều năm bán tài sản?

Đối diện thế sinh tồn, Garmex Sài Gòn còn phải tự tay sang nhượng, bán đi cả những tài sản thuộc mảng kinh doanh cốt lõi của công ty như: Máy may, máy cắt, máy thêu tự động,.. Khi đó, nhiều nghi vấn của giới đầu tư đặt ra rằng: Garmex Sài Gòn còn gì để kinh doanh?

Sau nhiều năm tháng giành giật “sự sống”, khối tài sản của Garmex Sài Gòn bị bào mòn đi rõ rệt trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 2020 đến nay. Kết thúc quý 1/2024, tổng tài sản của GMC còn lại 407,9 tỷ đồng; trong khi đó, quý 2/2020 là thời điểm ghi nhận khối lượng tài sản lớn nhất của GMC với 1.232 tỷ đồng, tức gấp khoảng 4 lần so với thời điểm báo cáo gần nhất. Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản cố định khoảng 148 tỷ đồng, hàng tồn kho 94 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền và tiền gửi giảm mạnh từ 206 tỷ đồng xuống 30 tỷ đồng.

Kiệt quệ sau “cú đấm” nghìn tỷ của gã khổng lồ Amazon: Garmex Sài Gòn khó tìm lối thoát
GMC còn lại 34 nhân viên sau quý 1/2024

Không chỉ bán đi nguồn lực cốt lõi, Garmex Sài Gòn còn sa thải nhân lực truyền thống nhằm tối ưu hóa dòng tiền, duy trì hoạt động khác cũng như giảm thiểu thiệt hại ở mức tối đa. Tính hết thời điểm 31/03/2024, Garmex Sài Gòn chỉ còn có 34 nhân viên. Nếu so với thời điểm đầu năm 2021, con số nhân sự hoạt động tại GMC lên tới 4.183 người (tương đương 4.149 nhân sự mất việc trong vòng 3 năm).

Từng “ngạo nghễ” trên thương trường dệt may

Trước khi lâm vào thảm cảnh, Garmex Sài Gòn từng là đơn vị dệt may xuất khẩu hàng đầu tại TPHCM. Tập trung phát triển sau cổ phần hóa, Công ty mở rộng mạng lưới với 9 xí nghiệp gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên, Tân Phú, Tân Xuân, len Bình Tân, giặt Bình Chánh (TPHCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, phần lớn doanh thu của GMC đến từ hoạt động xuất khẩu, chiếm trên 90% tổng doanh thu hàng năm, trong khi thị trường nội địa chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Các mặt hàng chính của công ty là áo khoác và trang phục thể thao, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Mỹ và EU.

Từ năm 2012 đến năm 2017, mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu của GMC có xu hướng chững lại do sự giảm sút đơn hàng từ hai khách hàng lớn là Columbia và Decathlon, công ty vẫn duy trì mức doanh thu trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Cho tới năm 2018 - đây là giai đoạn vàng son của Garmex Sài Gòn khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng mạnh 27% so với năm 2017 và là lần đầu tiên vượt mốc 2.000 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Đây chính là thời điểm nhiều khách hàng dịch chuyển đơn hàng dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam, do lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, dưới sức ép bởi tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước do Covid-19 ập tới, mọi thứ đã đảo ngược hoàn toàn. Đây có lẽ là một năm nằm ngoài mọi toan tính của Garmex Sài Gòn. Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh số xuất khẩu “bốc hơi” 93%, doanh nghiệp buộc phải chuyển sang gia công hàng trong nước để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, từ giữa tháng 8/2022, đơn hàng gia công cũng chững lại, hàng sản xuất ra chưa giao được, tồn kho tăng, đã khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế kỷ lục 85 tỷ đồng.

Bên cạnh tình hình khó khăn chung của ngành dệt may khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, Garmex Sài Gòn còn phải chịu tác động dây chuyền từ sự việc Gilimex bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt đơn đặt hàng trong khi đã đầu tư về cơ sở vật chất, hàng tồn kho,... “Cú đấm” của Amazon không chỉ gây ảnh hưởng cho chính Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex Sài Gòn chịu liên đới.

Kinh doanh gặp khó, Garmex Sài Gòn gửi "tâm thư" giãi bày với HOSE

Mới đây, Công ty CP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) đã có “tâm thư” gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh ...

Gần 1.500 tỷ đồng sắp đổ bộ về Phát Đạt (PDR)

BIDICI được thành lập vào tháng 10/2020, có trụ sở tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ...

Hòa Phát (HPG) cùng Thủy điện Đakrông nhận án phạt từ UBCKNN

Mới đây, UBCKNN vừa ra quyết định xử phạt 2 doanh nghiệp với tổng số tiền lên đến gần 200 triệu đồng. Trong đó, một ...

Bá Tùng