Đà Nẵng: Không phải cạnh tranh, Liên danh CTIN (ICT) thắng gói thầu 87,2 tỷ đồng

Cập nhật: 07:00 | 30/06/2024 Theo dõi KTCK trên

Không có đối thủ cạnh tranh, Liên danh gồm Công ty CP Viễn thông – Tin học Bưu điện (CIN; HOSE: ICT) đã thắng gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị hơn 87,2 tỷ đồng tại Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp Đà Nẵng (Ban QLDA) vừa ký Quyết định 268/QĐ-BDDCN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói cung cấp lắp đặt các hạng mục phụ trợ, và thiết bị phục vụ hoạt động khối nhà ICT1. Gói thầu này thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh bổ sung, Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1).

Quyết định công bố, trúng thầu là liên danh gồm 4 doanh nghiệp, trong đó Công ty CP Viễn thông – Tin học Bưu điện (gọi tắt là CTIN) giữ vai trò đứng đầu liên danh. Các thành viên khác gồm Công ty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Thái Sơn.

Quyết định công bố Liên danh CTIN trúng thầu
Quyết định công bố Liên danh CTIN trúng thầu

Trước đó, kết quả mở thầu ngày 3/6/2024 cho thấy, liên danh vừa nêu là nhà thầu duy nhất tham gia. Gói thầu này có giá dự toán 88.093.793.000 đồng. Giá trúng thầu của liên danh là 87.203.309.041 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng gồm 180 ngày thực hiện gói thầu + 720 ngày hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến hợp đồng.

Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) được phê duyệt tại Quyết định 752/QĐ-UBND ngày 9/4/2024 của UBND TP Đà Nẵng. Dự án có tổng mức đầu tư 986.296.359.000 đồng, nguồn vốn lấy từ ngân sách thành phố.

Theo báo cáo đánh giá E-HSDT, Công ty CP Viễn thông – Tin học Bưu điện có giá trị tài sản ròng lớn nhất liên danh, hơn 643 tỷ đồng; tiếp đến là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Thái Sơn (456,8 tỷ đồng); Công ty CP Kỹ thuật Công trình Việt Nam (153,4 tỷ đồng) và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy (28,1 tỷ đồng).

Về doanh thu trung bình 3 năm gần nhất (‘đề bài’ gói thầu buộc trên 125 tỷ đồng), Công ty Thái Sơn có kết quả cao nhất liên danh (hơn 2.533,5 tỷ đồng); tiếp đến là Viễn thông – Tin học Bưu điện (1.676,9 tỷ đồng); Công ty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam (443,3 tỷ đồng) và Công ty Nhất Huy (148 tỷ đồng).

Đà Nẵng: Không phải cạnh tranh, Liên danh CTIN (ICT) thắng gói thầu 87,2 tỷ đồng
Trích báo cáo đánh giá E-HSDT của Liên danh CTIN

Trong 4 nhà thầu thuộc liên danh, Công ty CP Viễn thông – Tin học Bưu điện là doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán (HOSE: ICT). Đây là nhà thầu khá tên tuổi, từng được công bố trúng ít nhất 387 gói thầu khắp cả nước. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, CTIN tham gia 41 gói thầu, trúng 17 gói, còn 13 gói chưa công bố kết quả.

Mobifone vẫn là chủ đầu tư quen thuộc của Công ty CP Viễn thông – Tin học Bưu điện. Dữ liệu của Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho thấy, CTIN từng trúng 52/68 gói thầu tham gia tại Trung tâm Mạng lưới Mobifone miền Trung - Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; 25/48 gói thầu tham gia tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone.

Lãi ‘siêu mỏng’, bị chiếm dụng vốn lớn

CTIN hiện có vốn điều lệ hơn 321,8 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đang là cổ đông lớn nhất, nắm 31,43% cổ phần CTIN. Các cổ đông lớn khác của CTIN gồm: TGĐ Hà Thanh Hải (12,94%); Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Lộc (10,94%); Nguyễn Thế Thịnh (10,31%).

Tổng giám đốc Hà Thanh Hải nắm 12,94% cổ phần CTIN
Tổng giám đốc Hà Thanh Hải nắm 12,94% cổ phần CTIN

Tổng tài sản của CTIN tại 31/3/2024 khoảng 1.322,9 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với đầu năm 2024 do tài sản ngắn hạn giảm mạnh. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm được 370 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm, góp phần tích cực cải thiện dòng tiền Công ty. Tuy vậy điểm trừ là hàng tồn kho tăng mạnh, lên 239,5 tỷ đồng tại 31/3/2024, gấp 4 lần đầu năm.

Trong cơ cấu vốn, nợ phải trả của CTIN hiện ở mức 677,6 tỷ đồng, giảm 5,1% so với đầu năm. Nợ ngắn hạn chiếm 674,8 tỷ đồng, gồm 194,3 tỷ đồng nợ vay.

Về tình hình kinh doanh, quý đầu năm 2024, CTIN thu về 100,3 tỷ đồng, tăng 29%; lãi gộp đạt 23,6 tỷ đồng, tăng đến 590% so với quý 1/2023. Khấu trừ hết thuế, phí, CTIN lãi 2,2 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm. Dù rất mỏng, khoản lãi này vẫn đáng mừng nếu so với khoản lỗ 19,2 tỷ đồng trong cùng kỳ.

Cơ cấu sở hữu của CTIN
Cơ cấu sở hữu của CTIN

Theo quan sát, CTIN có tỷ suất lợi nhuận rất thấp trong thời gian qua, khiến ‘ông lớn’ mảng viễn thông này chỉ thu về lãi rất mỏng. Cả năm 2023, CTIN đạt doanh thu 1.526,6 tỷ đồng, lãi ròng chỉ 14,92 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu và lãi ròng Công ty lần lượt ở mức 1.382,4 tỷ đồng và 18,9 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ thường niên mới đây, CTIN đặt mục tiêu 1.650 tỷ đồng doanh thu và 34,3 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2024; lần lượt tăng 8,1% và 130% so với kết quả thu về trong năm 2023.

Hàng trăm tỷ đồng đang bị chiếm dụng, cổ đông chịu thiệt

Như đã nêu ở trên, CTIN đã giảm đáng kể các khoản phải thu ngắn hạn chỉ sau 3 tháng đầu năm 2024, từ mức trên 1.000 tỷ đồng xuống còn hơn 660 tỷ đồng. Tuy vậy, có thể thấy nguồn tiền CTIN đang bị đối tác chiếm dụng khá lớn. Đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (183,1 tỷ đồng).

Tiếp đến gồm Tổng công ty Hạ tầng mạng (96,7 tỷ đồng); Tổng công ty Viễn thông Mobifone (73,2 tỷ đồng); Công ty Công nghệ thông tin VNPT – Chi nhánh TĐBCVTVN (20,6 tỷ đồng)…

Cao Thái

Tin cũ hơn
Xem thêm