Nở rộ công ty hủy tư cách đại chúng: Vì đâu nên nỗi?

Bài 3: Cơ điện Hà Nội rút công ty đại chúng, đất vàng Melia Hà Nội về tay ai?

Cập nhật: 08:27 | 16/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, UBCK đã có thông báo hủy tư cách đại chúng của Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM). Đây là dấu chấm hết trên sàn chứng khoán của một doanh nghiệp nhà nước có bề dày hoạt động và đã từng được đại chúng hóa. Nó cũng khép lại hành trình thâu tóm ngoạn mục một trong những mảnh đất vàng tại Hà Nội nơi tọa lạc khách sạn Melia trên đường phố hoa lệ Lý Thường Kiệt.

Lợi nhuận lớn đến từ S.A.S - CTMAD, chủ sở hữu Melia Hà Nội

Khách sạn Melia Hà Nội nơi được biết đến với những sự kiện ngoại giao quan trọng của đất nước, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị tầm cỡ quốc tế.

Đầu năm 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lưu trú tại Melia Hà Nội trong những ngày ở Việt Nam tham dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoài ra, nhiều tên tuổi lớn khác như Hoàng hậu Sofia của Tây Ban Nha, công chúa nước Anh Anne,... đều đã lựa chọn lưu trú tại Melia Hà Nội. Được biết, khách sạn này có 306 phòng gồm 5 loại chính: Deluxe King (140 phòng), Deluxe Twin (98 phòng), Executive Suite (66 phòng).

Ít ai biết rằng khu đất xây dựng khách sạn Melia Hà Nội thuộc về Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội, một doanh nghiệp nhà nước có bề dày lịch sử của Thủ đô.

Theo báo cáo thường niên công bố ngày 8/3/2024 (có lẽ đây là lần cuối cùng HEM phải công bố loại báo cáo quan trọng này), doanh nghiệp có vốn điều lệ 387,046 tỷ đồng.

Tiền thân của DN là Nhà máy chế tạo điện cơ, được thành lập ngày 15/1/1961 đặt trụ sở tại 44B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ ngày 15/2/1996, Công ty đổi tên thành Công ty Chế tạo điện cơ theo quyết định số 502/QĐ-TCCB của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Năm 2001, Công ty đổi tên thành Công ty chế tạo điện cơ Hà Nội và đặt trụ sở chính tại K12 – đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm.

Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội được thành lập năm 2009 trên cơ sở chuyển đổi Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên thành công ty cổ phần, vốn ban đầu là 320 tỷ đồng. Trải qua 3 đợt phát hành tăng vốn điều lệ, hiện tại vốn của công ty là hơn 387 tỷ đồng. Ngành nghề chính của Công ty là thiết kế, chế tạo, lắp đặt và kinh doanh các loại động cơ điện, máy bơm, máy phát điện, máy biến áp.

Việc sở hữu đất vàng 44B Lý Thường Kiệt đã tạo lợi thế lớn trong hoạt động kinh doanh cho Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nvà cũng là đối tượng “nhòm ngó” của nhiều đại gia nức tiếng.

Bài 3: Cơ điện Hà Nội rút công ty đại chúng, đất vàng Melia Hà Nội về tay ai?
Quá trình phát triển Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM)

Melia Hà Nội thuộc sở hữu của Công ty SAS-CTAMAD- liên doanh giữa Công ty cổ phần Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM) và Công ty SAS Trading (trực thuộc tập đoàn TTC của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi).

Năm 1994, HEM hợp tác cùng với công ty SAS Trading Ltd của Thái Lan để lập nên Công ty SAS-CTAMAD- chủ đầu tư của khách sạn Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO. Hiện tại HEM đang sở hữu 35% vốn điều lệ của Công ty TNHH S.A.S – CTMAD (vốn điều lệ 22,372 triệu USD). Trong đó HEM đóng góp 183,744 tỷ đồng và SAS Trading là gần 341,249 tỷ đồng.

Tuy doanh thu năm 2023 của HEM không đạt kỳ vọng nhưng lợi nhuận hợp nhất của công ty vượt 121,6% kế hoạch. Kết quả rực rỡ này có được là nhờ trong năm 2023, tình hình kinh doanh của S.A.S – CTMAD tăng trưởng tích cực đóng góp phần lớn vào kết quả sản xuất kinh doanh của HEM.

Về tình hình kinh doanh của HEM, kết thúc năm 2023, doanh nghiệp đạt 405,963 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 43,478 tỷ đồng, một kết quả khá ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của DN đạt hơn 772 tỷ đồng trong đó nợ phải trả là hơn 240 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức lên tới 25%.

Vì sao hủy công ty đại chúng?

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, HEM đã trình đại hội nội dung liên quan đển hủy tư cách công ty đại chúng của HEM. Theo quy định tại Điểm a, khoản 1, điều 32 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định về công ty đại chúng: “Công ty có vốn điều lệ đã góp 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phần có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ”. Theo danh sách cổ đông tới ngày 19/2/2024, cơ cấu cổ đông của Công ty là: Công ty CP Điện lực GEX và Công ty CP Công nghệ và giải pháp NOVA nắm giữ 90.8%, cổ đông còn lại không phải là cổ đông lớn nắm hơn 3,559 triệu CP tương ứng tỷ lệ 9,2%.

Như vậy, HEM không còn đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng do cổ đông thiểu số không nắm đủ 10%.

Việc hủy công ty đại chúng cũng nhằm thực thi những toan tính mới của giới chủ thâu tóm HEM. Đó là nhằm phù hợp với định hướng phát triển công ty trong thời gian tới là tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, tập trung hoạt động kinh doanh đem lại những giá trị cao hơn, nên Công ty đã đề nghị hủy công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu tại UPCOM. Ngày 26/4/2024, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ra thông báo về việc hủy tư cách đại chúng của HEM.

Bài 3: Cơ điện Hà Nội rút công ty đại chúng, đất vàng Melia Hà Nội về tay ai?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc hủy tư cách công ty đại chúng của Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội

Ai trở thành ông chủ của HEM?

Theo báo cáo thường niên 2023, cổ đông lớn nhất nắm giữ HEM hiện nay là Công ty CP Điện lực Gelex. Cụ thể DN này nắm giữ 76,7%.

Ngay sau khi nắm quyền chi phối, một loạt nhân sự chủ chốt được Công ty CP Điện lực Gelex sắp xếp vào các vị trí trọng yếu của HEM.

Cụ thể, ông Đỗ Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, sinh năm 1971, đại diện sở hữu 9,945,546 cổ phần, chiếm 25,7% vốn điều lệ (đại diện của Công ty CP Điện lực Gelex). Cá nhân ông Hưng không sở hữu cổ phiếu HEM.

Tiếp đến là ông Đặng Xuân Tân, sinh năm 1972 giữ vai trò Tổng Giám đốc, đại diện sở hữu 9,869,685 cổ phần, chiếm 25,5% vốn điều lệ (đại diện của Công ty CP Điện lực Gelex). Giống như ông Hưng, cá nhân ông Tân không sở hữu cổ phiếu HEM.

Tiếp đến là ông Nguyễn Trọng Trung, thành viên hội đồng quản trị, sinh năm 1982. Ông Trung đại diện sở hữu 9,689,685 cổ phần, chiếm 25,5% vốn điều lệ (đại diện của Công ty CP Điện lực Gelex).

Như vậy có thể thấy, Công ty CP Điện lực Gelex nơi ông Nguyễn Văn Tuấn (người thường được biết đến với tên gọi Tuấn “mượt”) giữ vai trò chủ tịch HĐQT, chiếm tỷ lệ sở hữu áp đảo tại HEM.

Quá trình thâu tóm HEM đã được Công ty CP Điện lực Gelex tiến hành từ lâu, bản thân ông Nguyễn VănTuấn đã là Phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S – CTMAD, doanh nghiệp sở hữu đất vàng khách sạn Melia Hà Nội từ năm 2017.

Tuy nhiên, giúp sức cho việc đẩy HEM vào tình cảnh không đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng phải nhắc đến cái tên: Công ty CP Công nghệ và giải pháp NOVA.

Kinhtechungkhoan.vn sẽ trở lại với doanh nghiệp này trong bài viết sau.

300 triệu cổ phiếu GEE sắp giao dịch trên sàn HOSE

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM(HOSE) vừa có quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty CP Điện lực GELEX (UPCoM: GEE).

"Nội soi" Cienco4 (C4G) trước thời điểm Tổng cục Thuế kiểm tra chuyên ngành

Tập đoàn Cienco4 (C4G) là một trong số doanh nghiệp xây dựng, bất động sản lọt "tầm ngắm" kiểm tra chuyên ngành của Tổng cục ...

Nguyễn Đăng

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm