Vì sao TPBank chối bỏ trách nhiệm bảo lãnh hợp đồng với doanh nghiệp?

Cập nhật: 08:42 | 16/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam nhận được phản ánh của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long về việc Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Thăng Long không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Phía TpBank chưa có phản hồi khi Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đề nghị làm rõ các vấn đề xung quanh sự việc.

Nhiều lần yêu cầu TPBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Ngày 18/1/2023, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (bên giao thầu - TIG) cùng với Công ty Cổ phần BI-ME Thăng Long (bên nhận thầu) đã ký kết hợp đồng thi công xây dựng số 1801/2023/HĐTCXD/TIG-BIME vào ngày 18/1/2023 (“Hợp đồng”).

Theo Hợp đồng này, BIME có trách nhiệm thực hiện gói thầu: Thi công xây dựng 38 căn Biệt thự Thanh Liên tại các lô đất có ký hiệu BT24, BT25, BT27 và BT 28 – thuộc Dự án Khu du lịch, biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng Vườn Vua (“Dự án”).

Nội dung công việc thi công bao gồm thi công xây dựng nhà chính biệt thự, cầu thang bộ, bể phốt-hố ga, bể bơi và toàn bộ hệ thống sân vườn nội bộ của biệt thự theo thiết kế bản vẽ thi công được TIG phê duyệt và hình thức theo căn biệt thự mẫu tương ứng đã xây dựng tại Dự án đến khi được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng quy định của Dự án và quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ, giá cả, an toàn và các thỏa thuận khác trong hợp đồng.

Trên cơ sở Hợp đồng này, BIME đã đề nghị Ngân hàng TMCP Tiên Phong - Chi nhánh Thăng Long (người đại diện là ông Đinh Tiến Đức - Giám đốc Chi nhánh) đứng ra bảo lãnh thực hiện Hợp đồng và bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước.

Qua đó, TIG đã nhận được Thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng số BG009176 (ngày 13/2/2023) với số tiền bảo lãnh tối đa là 2.031.231.000 đồng và Thư bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước số BG0099175 (ngày 13/2/2023) với số tiền bảo lãnh tối đa là 7.617.117.000 đồng.

Vì sao TPBank chối bỏ trách nhiệm bảo lãnh hợp đồng với doanh nghiệp?
TIG đã nhận được Thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng số BG009176 (ngày 13/2/2023) từ TPBank

Từ các bảo lãnh trên, TIG đã thực hiện tạm ứng 7.617.117.000 đồng cho BIME theo ủy nhiệm chi ngày 1/3/2023 và 17/3/2023.

Tuy nhiên, theo TIG, trong quá trình thực hiện thi công gói thầu, BIME liên tục vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng và TIG đã yêu cầu Ngân hàng TPBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với các lý do:

Thứ nhất, điều kiện để Ngân hàng TPBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh vi phạm bất kỳ nghĩa vụ nào của Hợp đồng, điều này được thể hiện chi tiết tại khoản 4.1 Thư bảo lãnh của TPBank quy định: "Bên bảo lãnh cam kết thanh toán vô điều kiện và không huỷ ngang cho Bên nhận bảo lãnh số tiền bảo lãnh tối đa trong mọi trường hợp không vượt quá số tiền 7.617.117.000 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ sáu trăm mười bảy triệu một trăm mười bảy nghìn) sau khi nhận được Văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Bên nhận bảo lãnh tuyên bố việc Bên được bảo lãnh vi phạm bất kỳ nghĩa vụ nào theo Hợp đồng dẫn đến việc phải hoàn trả số tiền tạm ứng trước cho Bên nhận bảo lãnh nhưng Bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc hoàn trả khi đến hạn, kèm theo các tài liệu, chứng từ về việc Bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ của Hợp đồng".

Vì sao TPBank chối bỏ trách nhiệm bảo lãnh hợp đồng với doanh nghiệp?
Điều kiện để Ngân hàng TPBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh vi phạm bất kỳ nghĩa vụ nào của Hợp đồng, điều này được thể hiện chi tiết tại khoản 4.1 Thư bảo lãnh của TPBank

Thứ hai, theo TIG, các vi phạm của BIME theo Hợp đồng cụ thể như sau:

Vào ngày 26/08/2023, TIG tiến hành kiểm tra hiện trường thi công tại khu vực công trường thi công 38 căn Biệt thự Thanh Liên của BIME. Tại thời điểm kiểm tra, công trường dừng thi công, tại hiện trường không có bất kỳ cán bộ phụ trách, công nhân nhà thầu của BIME.

Cùng ngày, BIME có gửi Công văn số 2608/2023/CV-BIME-TIG (“Công văn 2608”) về việc thông báo dừng thi công và đề nghị thanh lý Hợp đồng. Trước khi gửi Công văn 2608, BIME đã dừng công việc và rút toàn bộ nhân sự ra khỏi công trường mà không có bất kỳ thông báo nào cho TIG. Trong khi đó, trước 01 ngày BIME gửi Công văn 2608, BIME vừa nhận khoản thanh toán lần 3 và bổ sung thanh toán lần 2 của TIG với số tiền 2.300.251.278 VNĐ vào ngày 25/8/2023.

Sau đó, TIG đã yêu cầu BIME tiếp tục thực hiện công việc theo Hợp đồng mà hai Bên đã ký kết và BIME đề xuất sẽ phản hồi yêu cầu của TIG sau khi họp nội bộ xem xét và thống nhất (Biên bản làm việc đính kèm).

Tại buổi làm việc ngày 25/9/2023, BIME chính thức trả lời: BIME không tiếp tục thực hiện Hợp đồng và quyết định đơn phương chấm dứt Hợp đồng (Hai bên có lập vi bằng nội dùng này).

Theo TIG, toàn bộ các hành vi nêu trên của BIME hoàn toàn không thực hiện theo trình tự, thủ tục tạm ngừng, chấm dứt Hợp đồng theo Điều 13 và vi phạm vấn đề này. Việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng này của BMIE đã gây thiệt hại và tổn thất rất lớn cho TIG.

Ngoài ra, trong quá trình thi công gói thầu, BIME cũng đã vi phạm nghĩa vụ đảm bảo số lượng nhân lực theo tiến độ tại Bảng tiến độ thi công ngày 25/3/2023 được đại diện có thẩm quyền của BIME và TIG ký kết.

Căn cứ Khoản 4.1 Thư bảo lãnh, căn cứ các tài liệu chứng minh vi phạm của nhà thầu, TIG cho rằng đã đáp ứng đầy đủ hồ sơ và các điều kiện được hoàn trả tiền tạm ứng theo quy định. Vì vậy, TIG đã yêu cầu TPBank phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vô điều kiện và ngay lập tức theo đúng nội dung của Thư bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng cho TIG với số tiền cụ thể là: 5.031.371.804 đồng.

Trước khi yêu cầu TPBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, phía TIG cho biết công ty cũng đã yêu cầu BIME hoàn trả tiền tạm ứng tại Công văn số 236/2023/CV-TIG ngày 30/8/2023 của TIG với số tiền 5.031.371.804 VNĐ, thời hạn hoàn trả: trước ngày 8/9/2023. Tuy nhiên, BIME đã không thực hiện việc hoàn trả số tiền ứng trước khi đến hạn theo yêu cầu của TIG.

Theo thông tin TIG cung cấp, công ty đã rất nhiều lần gửi công văn yêu cầu Ngân hàng TPBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với TIG theo quy định của Thư Bảo lãnh số BG 0099175 và Thư Bảo lãnh số BG 0099176.

Thế nhưng, TIG cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, phía ngân hàng vẫn chưa thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào với công ty.

Kéo dài thời gian chờ Thư bảo lãnh hết hiệu lực?

Tại các công văn phản hồi lại TIG, phía Ngân hàng TPBank đã liên tiếp từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo yêu cầu của TIG. Đáng nói, lý do ngân hàng này từ chối bảo lãnh qua từng công văn trả lời TIG không có sự nhất quán.

Vì sao TPBank chối bỏ trách nhiệm bảo lãnh hợp đồng với doanh nghiệp?
TIG đã nhiều lần có công văn yêu cầu TPBank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Cụ thể, tại công văn đầu tiên TPBank trả lời TIG về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (ngày 18/9/2023) phía ngân hàng cho rằng TIG chưa cung cấp được các tài liệu, chứng từ chứng minh BIME vi phạm hợp đồng.

Đến ngày 23/10/2023, phản hồi công văn số 309/2023/CV-TIG, ngân hàng này tiếp tục từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với lý do TPBank hiện chưa có cơ sở để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo yêu cầu của TIG.

Tới ngày 15/11/2023, phản hồi Công văn số 330/2023/CV-TIG, TPBank tiếp tục từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với các lý do sau: (i) TIG chưa cung cấp đủ hồ sơ chứng minh việc BIME vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng; (ii) TIG chưa thực hiện công tác nghiệm thu sản lượng dở dang thực tế còn lại trên công trường.

Phía TIG trong công văn gần đây nhất gửi TPBank ngày 7/6/2024 kèm các tài liệu liên quan, Công ty khẳng định đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp hồ sơ/tài liệu chứng minh BIME vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng và BIME không thực hiện số tiền tạm ứng trước khi đến hạn theo yêu cầu của TIG. Vì vậy, TIG yêu cầu TPBank nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định của Thư Bảo lãnh số BG 0099175 và Thư Bảo lãnh số BG 0099176 ngày 13/02/2023.

Thế nhưng, những gì TIG nhận lại từ TPBank vẫn chỉ là cái "lắc đầu". Cụ thể, tới ngày 19/6/2024, phản hồi Công văn số 180/2024/CV-TIG, TPBank thông báo do TIG gửi công văn số 180 và các tài liệu chứng từ chứng minh sau Thời gian hiệu lực của Thư bảo lãnh và chưa cung cấp đầy đủ chứng minh việc BIME không thực hiện/thực hiện không đầy đủ việc hoàn trả số tiền ứng trước đến hạn theo yêu cầu của TIG. Vì vậy, TPBank tiếp tục từ chối nghĩa vụ bảo lãnh theo yêu cầu của phía TIG.

Như vậy là cho tới thời điểm hiện tại, đã quá thời gian hiệu lực của Thư bảo lãnh và TPBank vẫn liên tiếp "nói không" trước yêu cầu ngân hàng này thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, dù cho TIG đã khẳng định đã cung cấp đầy đủ hồ sơ/tài liệu để TPBank phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Câu hỏi được đặt ra là, liệu phía TPBank có đang vi phạm nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán với TIG? Việc doanh nghiệp làm việc với ngân hàng trên cơ sở quy định của pháp luật và sự tin tưởng vào hệ thống quản lý của ngân hàng, xem như một trung gian tài chính để đảm bảo được về an toàn tài chính trong các giao dịch với đối tác, trong đó có giao dịch về bảo lãnh, bởi hoạt động bảo lãnh được phát hành trên cơ sở uy tín của ngân hàng. Thế nhưng, ngân hàng lại né tránh trách nhiệm, nghĩa vụ đối với bảo lãnh đã phát hành, cố tình trì hoãn với nhiều lý do khác nhau. Vấn đề này phần nào gây lên hoang mang với các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất niềm tin vào nghiệp vụ bảo lãnh của hệ thống ngân hàng.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã gửi nội dung tới TPBank đề nghị làm rõ các vấn đề xung quanh sự việc nhưng chưa nhận được phản hồi.

TIG – Triển vọng từ cụm dự án nghỉ dưỡng 240 ha

Cụm dự án nghỉ dưỡng bao gồm Vườn Vua Resort & Villas; Sân golf 18 hố kết hợp biệt thự sinh thái - nghỉ dưỡng ...

BĐS nghỉ dưỡng khoáng nóng Vườn Vua Resort & Villas khẳng định vị thế giữa thị trường nhiều biến động

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động vốn, việc duy trì hoàn thiện hệ ...

Chủ đầu tư ra mắt phân khu khép kín đầu tiên tại Vườn Vua Resort &Villas

Với sự ra mắt ấn tượng của phân khu biệt thự cao cấp trong thời gian gần đây, chủ đầu tư dự án Vườn Vua ...

Ngọc Lâm