Tiềm năng cổ phiếu công nghệ

Cập nhật: 11:49 | 13/08/2018 Theo dõi KTCK trên

Sau thương vụ niêm yết trên sàn của Công ty cổ phầnTập đoàn Yeah1 với mức giá kỷ lục 250.000 đồng/cổ phiếu, tới đây, các nhà đầu tư có thể sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với một doanh nghiệp công nghệ khác khá nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ cao, đ Asanzo.

Doanh nghiệp sản xuất tivi này mới đây đã bất ngờ công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, số lượng khoảng 30-40% tổng số cổ phần hiện có của doanh nghiệp. Tổng số tiền mà công ty công nghệ nhắm đến là huy động được khoảng 300-400 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn đầu tư vào dây chuyền sản xuất các mặt hàng như tivi, smartphone, điện gia dụng...

Mặc dù, còn ít được biết đến ở khu vực thành thị, nhưng ở khu vực nông thôn, Asanzo là một tên tuổi khá nổi. Với chiến lược chi phí rẻ, tiện ích đủ dùng để phù hợp với đại đa số người dùng ở khu vực nông thôn, hiệu quả kinh doanh của Asanzo khá lạc quan với thị phần mảng chủ lực tivi hiện khoảng trên dưới 16% và so kè khá khốc liệt với các thương hiệu ngoại hùng mạnh như Samsung, LG, Sony...

Kết thúc năm 2017, Asanzo đạt doanh thu 4.620 tỷ đồng. Tham vọng mà công ty công nghệ này đặt ra trong năm nay là tăng trưởng gấp đôi lên mức khoảng 8.000 tỷ đồng.

Tiềm năng cổ phiếu công nghệ
Lĩnh vực công nghệ cao non trẻ đang nhận được rất nhiều quan tâm

Công suất toàn hệ thống hiện có của Asanzo là khoảng 4 triệu sản phẩm/năm. Với các khoản đầu tư mới, trong kế hoạch tăng trưởng 5 năm tới, Asanzo có thể nâng công suất lên mức 10 triệu sản phẩm/năm. Trong đó, 3,5 triệu sản phẩm sẽ phục vụ nhu cầu nội địa, số còn lại sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào...

Bên cạnh đó, công ty này cũng sẽ lần đầu tiên lấn sân vào thị trường bất động sản với dự án đầu tiên là khu công nghiệp dành cho các nhà máy điện tử.

“Tôi sẽ xây dựng một khu công nghiệp diện tích tối thiểu 100 ha dành riêng cho ngành điện tử. Nơi đây tập trung tất cả dây chuyền sản xuất các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp sản xuất bao bì, khuôn mẫu, linh kiện. Ngoài phục vụ cho Asanzo, khu công nghiệp mới cũng sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo cho biết.

Có thể thấy, sự nổi lên gần đây của những tên tuổi như Yeah1, Asanzo... giống như những nốt nhạc ngẫu hứng, thổi một làn gió mới vào ngành công nghệ cao của Việt Nam - một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư tài chính nước ngoài. Chúng có thể mở ra một chương mới để thúc đẩy nhiều hơn dòng vốn đầu tư và làn sóng khởi nghiệp của giới trẻ Việt.

Thực tế thì thời gian qua, khá nhiều quỹ đầu tư đã xuất hiện tham gia vào tiến trình này, điển hình như ESP Capital, Innovatube, VIISA, 500 starup2 Vietnam... đi cùng với các khoản rót vốn hàng chục triệu USD vào các doanh nghiệp trong nước như Tiki, Foody, Vntrip, Momo, Wisepass.

Đồng hành với đó là việc Chính phủ đang xây dựng đề án thành lập quỹ đầu tư trị giá 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho các startups, hướng đến một lĩnh vực mới phát triển bền vững hơn.

Không chỉ có doanh nghiệp mới, các tập đoàn hàng đầu trong nước cũng bắt đầu thành lập các đơn vị thành viên trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đơn cử như Tập đoàn Vingroup mới đây đã bất ngờ lấn sân sang mảng sản xuất smartphone với việc cho ra đời thành viên mới Vinsmart. Ngay sau đó, Vinsmart đã ký hợp đồng mua lại bản quyền sở hữu trí tuệ của hãng sản xuất BQ (Tây Ban Nha) và dự kiến sẽ sớm cho ra mắt các dòng điện thoại thông minh mang thương hiệu Việt ở phân khúc cao cấp và bình dân.

Tất nhiên, bên cạnh tiềm năng thì vẫn có những rủi ro, nhưng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong tương lai, Việt Nam có thể sẽ có nhiều hơn các gương mặt công nghệ đình đám. Qua đó, sẽ mang đến nhiều hơn các cơ hội lựa chọn cho giới đầu tư chứng khoán, thay đổi tình hình số lượng còn ít ỏi của những cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Nam Minh

Theo thoibaonganhang.vn