‘Vòng đời’ ngắn ngủi của cổ phiếu một doanh nghiệp khoáng sản ở Nghệ An

Cập nhật: 12:19 | 25/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu KLM của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh sẽ hủy đăng ký giao dịch trong ít ngày tới, chấm dứt thời gian ngắn ngủi có mặt trên sàn của doanh nghiệp khoáng sản này.

Ông Đỗ Văn Tâm, Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa ký Quyết định 502/QĐ-SGDHN về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh. Quyết định nêu rõ, ngày 14/6/2024, toàn bộ 3,885 triệu cổ phiếu KLM sẽ hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Lý do, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh hủy tư cách công ty đại chúng theo Công văn 3060/UBCK-GSĐC ngày 15/5/2024 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thuộc trường hợp hủy đăng ký giao dịch theo quy định hiện hành.

Như vậy, cổ phiếu KLM đang đếm từng ngày để kết thúc ‘vòng đời’ hơn 4 năm trên sàn chứng khoán, kể từ ngày giao dịch đầu tiên vào 30/12/2019. Thời điểm chào sàn, cổ phiếu KLM được giao dịch ở mức giá 10.400 đồng/cp. Giá cổ phiếu này từng lên sát mức 20.000đ/cp vào giữa năm 2021 rồi ‘đổ đèo’ rất nhanh sau đó. Thị giá KLM nằm ở mức 9.200 đồng/cp hơn 1 năm nay, hầu như không có thanh khoản.

Cổ phiếu KLM rời sàn sau hơn 4 năm niêm yết trên UPCoM
Cổ phiếu KLM rời sàn sau hơn 4 năm niêm yết trên UPCoM

Tại ĐHCĐ thường niên 2023, 100% cổ đông KLM đã biểu quyết tán thành thông qua tờ trình về việc hủy tư cách công ty đại chúng theo đề nghị của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Trước ĐHCĐ 2023, Công ty trải qua hơn 1 năm không đáp ứng các điều kiện là công ty đại chúng.

Đầu tháng 4/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã có quyết định đưa cổ phiếu KLM vào diện hạn chế giao dịch. Lý do, báo cáo tài chính kiểm toán 2023 đã thể hiện, vốn chủ sở hữu của KLM bị âm. Với quyết định này, cổ phiếu KLM chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Giải trình về hiện trạng âm vốn chủ sở hữu, Công ty cho biết năm 2023 và các năm trước đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá thiếc giảm mạnh, chi phí tăng cao khiến hiệu quả kinh doanh thấp. Bên cạnh đó thiên tai bão lũ thường xuyên làm hư hại cơ sở vật chất khiến chi phí đầu tư, sửa chữa lớn. Với hàng loạt lý do này, đến 31/12/2023, Công ty bị lỗ 25,4 tỷ đồng.

Ngoài sản xuất thiếc, năm 2020, KLM đã đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty CP Du lịch Đắk lắk (UPCoM: DLD) với 800.000 cổ phiếu, mệnh giá 37.500đ/cp. Họa vô đơn chí, đại dịch Covid 19 kéo đến đã gây ảnh hưởng lớn cho ngành du lịch nói chung và Công ty CP Du lịch Đắk Lắk nói riêng. Trong giai đoạn này, Du lịch Đắk Lắk bị thua lỗ lớn, giá cổ phiếu DLD tụt dốc không phanh khiến khoản đầu tư của KLM cũng ‘bốc hơi’ từng ngày.

Căn cứ vào giao dịch cổ phiếu và báo cáo tài chính từ 2021 – 2023 của DLD, Kim loại màu Nghệ Tĩnh đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính, lũy kế đến cuối năm 2023 gần 29 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế chưa phân phối theo đó lên 54 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm gần 14 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, quy mô tài sản KLM giảm còn 27 tỷ đồng, tức bốc hơi gần 40% chỉ sau 1 năm.

Trong văn bản giải trình nêu trên, KLM đề ra phương án khắc phục bằng cách tập trung sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí để cải thiện hiệu quả kinh doanh. Về khoản đầu tư tài chính tại DLD, Công ty dự kiến hoàn nhập dự phòng sẽ giảm lỗ dần do tình hình kinh doanh của Du lịch Đắk Lắk đang khởi sắc.

Kim loại màu Nghệ Tĩnh từng bị Thanh tra Bộ TN-MT phạt hơn 1 tỷ đồng sau sự cố vỡ đập khiến một lượng lớn bùn thải quặng tuồn ra sông
Năm 2017, Kim loại màu Nghệ Tĩnh từng bị Thanh tra Bộ TN-MT phạt hơn 1 tỷ đồng sau sự cố vỡ đập khiến một lượng lớn bùn thải quặng tuồn ra sông

Có trụ sở tại Quỳ Hợp (Nghệ An), Kim loại màu Nghệ Tĩnh tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Thiếc Nghệ Tĩnh, thành lập năm 1980. Tháng 7/2004, Công ty chuyển về trực thuộc Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Đến năm 2008, Công ty được cổ phần hóa.

Trong cơ cấu cổ đông KLM thời điểm 2019, Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (HNX: KSV) là Công ty mẹ sở hữu 60.93% vốn, tiếp đến là CTCP Xuất nhập khẩu Thái Nguyên nắm 27.26%. Ngày12/6/2020, KSV thoái toàn bộ vốn tại KLM. Từ đây, Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh có 100% vốn do tư nhân nắm giữ.

Năm 2023, KLM ghi nhận doanh thu ở mức 49,7 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2022. Tuy vậy, giá vốn và các chi phí đã thổi bay hết lợi nhuận, khiến Công ty lỗ sau thuế hơn 16,8 tỷ đồng. Đến 31/12/2023, khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp khoảng sản này lên hơn 54 tỷ đồng, nợ phải trả ở mức 40,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu Dược phẩm TV.Pharm (TVP) chuẩn bị rời sàn UPCoM

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thông báo hủy tư cách công ty đại chúng của Công ty CP Dược phẩm ...

Đường sắt phía Nam (DPN) bị huỷ tư cách công ty đại chúng

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông báo huỷ tư cách công ty đại chúng của Công ty CP Đường sắt phía Nam ...

Đầu tư Xây dựng công trình 134 bị hủy tư cách đại chúng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ra thông báo về việc hủy tư cách đại chúng đối với Công ty CP Đầu tư ...

Cao Thái