Cuộc chiến “Quỹ bảo trì”: Bài học từ câu chuyện Cây khế

Cập nhật: 12:52 | 31/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Cuộc chiến tranh giành quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị dự án chung cư thời gian vừa qua đang cho thấy những dấu hiệu căng thẳng khó dứt điểm, nhất là khi 43 địa phương đều có những báo cáo, khiến nại về việc tranh chấp.  

Ngày 30.8 vừa qua, tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp với lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, nhiều doanh nghiệp trình bày những bất cập về việc bàn giao quỹ bảo trì chung cư 2% cho ban quản trị chung cư nắm giữ.

Nhiều ý kiến cho rằng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản mà Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 tới phải giải quyết triệt để cuộc tranh chấp giành quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư càng ngày càng khốc liệt hiện nay.

Trong “cuộc chiến” giữ quỹ bảo trì chung cư, một số cá nhân,đơn vị đưa ra kiến nghị: nhà nước nên thành lập một tổng công ty hay một doanh nghiệp để quản lý các Ban quản trị. Vì ngoài quỹ bảo trì còn có nhiều vấn đề khác mà Ban quản trị khó đảm đương nổi khi không có tay nghề.

cuoc chien quy bao tri bai hoc tu cau chuyen cay khe
Thức tế nhiều chung cư bị xuống cấp nhưng không còn quỹ bảo trì để sửa chữa (Ảnh: Ngọc Dương)

Một doanh nghiệp khác lại cho rằng, không nên giao quỹ bảo trì chung cư về cho Ban quản trị mà nên để chủ đầu tư nắm giữ. Bởi chủ đầu tư dù sao cũng là "người có tóc”, có tài sản lớn ở chung cư là các tầng hầm giữ xe ô tô, trung tâm thương mại. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có tay nghề trong việc sửa chữa, bảo trì, vận hành nhà chung cư. Còn Ban quản trị là cư dân được bầu vào nên hầu hết là tay ngang, tài sản ở chung cư chỉ là một căn hộ. Giá trị quy ra nhỏ hơn rất nhiều so với quỹ bảo trì. Nếu gặp người xấu, họ có thể âm thầm bán nhà hoặc bỏ luôn căn nhà để “ôm” khoản tiền kếch xù này bỏ trốn. Khi đó hậu quả sẽ khôn lường.

Dẫn lời ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành trên báo thanhnien.vn, cho rằng quỹ bảo trì chung cư hiện nay quy định 2%/tổng giá bán căn hộ mà Bộ Xây dựng đưa ra là quá lớn. Nên thu 2% trên giá thành xây dựng thay vì thu trên giá bán. Ngoài ra, trong 5 năm đầu dự án vẫn còn trong thời gian bảo hành nhưng buộc phải thu liền số tiền này rồi để không trong ngân hàng là không hợp lý.

Theo Bộ Xây dựng, tại 43 địa phương có đến 215 dự án nhà ở, chung cư có khiếu nại, tranh chấp trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân liên quan đến quỹ bảo trì; phần sở hữu chung, sở hữu riêng; chất lượng công trình; phí quản lý vận hành...

Đặc biệt, trong số này có đến 39 dự án chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định của pháp luật hiện hành. Tại nhiều chung cư chủ đầu tư không chịu nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng hoặc chiếm dụng kinh phí bảo trì vào mục đích khác.

Với quy định hiện nay, người mua nhà trước khi nhận bàn giao nhà phải đóng quỹ bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư tạm quản lý. Khi ban quản trị chung cư được thành lập do người dân bầu ra, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao số tiền này.

Tuy nhiên, tại nhiều chung cư do số tiền quá lớn nên đã xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, thậm chí giữa cư dân với chính ban quản trị chung cư. Một trong những nguyên nhân khiến các công ty không bàn giao số tiền này vì sợ bị mất. Bởi thành viên trong ban quản trị có thể ôm tiền đi bất cứ lúc nào khi nhà không phải của họ.

Trên thực tế, không nhiều cá nhân muốn tranh giành, khiếu kiện hay làm trong ban quản trị chung cư bởi họ đã có việc làm ổn định. Nhiều người còn cho rằng đây là công việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Song nhiều người lại xem việc làm trong ban quản trị chung cư là một nghề, thậm chí là một công việc hết sức béo bở, có rất nhiều quyền lợi. Từ việc thu tiền giữ xe, phí quản lý, việc cho thuê mặt bằng, cho thuê bảng hiệu quảng cáo trên tòa nhà, cho dịch vụ internet, cáp truyền hình, chọn công ty quản lý... tất cả đều phải thông qua ban quản trị. Đặc biệt là khoản tiền khổng lồ, có khi lên tới vài chục, cả trăm tỉ thu được từ phí quản lý chung cư đã làm bùng nổ tranh chấp. Số tiền này chỉ cần đem gửi ngân hàng nào đó ăn chênh lệch lãi suất hoặc được “lót tay” cũng đã rất lớn.

Bên cạnh một số người muốn hỗ trợ cư dân, đấu tranh với chủ đầu tư thì cũng có nhiều người mục đích muốn vào để kiếm ăn mà việc kiếm ăn này rất dễ dàng vì không ai quản lý và luật pháp hiện nay cũng không có quy định, các chế tài hay quản lý vấn đề này.

Hữu Dũng