Xuất khẩu sắt thép tháng 8/2021 đạt gần 1,5 tỷ USD

Cập nhật: 08:30 | 16/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 8, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước.

Xuất khẩu điều tháng 8 giảm mạnh, giá điều đứng im nhiều tháng

Thị trường cà phê đạt đỉnh 4 năm

Bị áp thuế CBPG và CTC, xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam giảm mạnh

So với tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 8/2021, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD; tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu, sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: ASEAN đạt 2,7 triệu tấn xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm trước, Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, giảm 13,2%.

5858-xuatkhauthep
Ảnh minh họa

Xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội sang hai thị trường EU và Hoa Kỳ. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần, sang Hoa Kỳ đạt 540 nghìn tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 8 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu sắt thép từ thị trường nước ngoài đạt hơn 7,73 tỷ USD, trong đó riêng tháng 8 đạt 0,93 tỷ USD. So với cùng kỳ, nhập khẩu sắt thép 8 tháng đầu năm tăng gần 43%.

Trước tình trạng xuất khẩu sắt thép tăng cao như hiện nay, mới đây, Bộ Công thương đã có yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động xuất nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước do tác động của Covid-19. Một số mặt hàng trong nước có nhu cầu lớn như sắt thép, phân bón nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước.

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sắt thép, quặng sắt cần rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao.

Trước đó, vào tháng 7/2021, Việt Nam chi 6,79 tỷ USD nhập khẩu sắt thép. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 8 triệu tấn, trị giá 6,79 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% về lượng nhưng tăng tới 42,4% về trị giá so với cùng kỳ.

Tính riêng tháng 7/2021, lượng nhập khẩu trong tháng là 933 nghìn tấn, trị giá là 1,01 tỷ USD, giảm 17% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với tháng trước.

Lũy kế 7 tháng, lượng sắt thép nhập khẩu đạt hơn 8 triệu tấn, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước, với trị giá nhập khẩu là 6,79 tỷ USD, tăng 42,4%. Giá nhập khẩu sắt thép trung bình 7 tháng đầu năm 2021 ước tính ở mức 840 USD/tấn, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua với 4 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 50% tổng lượng nhập khẩu, tăng 61,7% so với cùng kỳ. Tiếp theo đó là các thị trường Nhật Bản với hơn 1,08 triệu tấn, giảm 23,8%; Hàn Quốc 899 nghìn tấn, giảm 9,2%;…

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhập khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong nửa cuối năm 2021 sẽ giảm khi diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19 trong nước khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc nhập khẩu sắt thép các loại, chủ động giảm lượng tồn kho.

Hiện nhiều tỉnh, thành phố lớn tại khu vực phía Nam và Hà Nội buộc phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép trong nước tháng 7 và tháng 8/2021 giảm và việc vận chuyển cũng bị ảnh hưởng,...

Minh Phương