Vietjet và Bamboo muốn Chính phủ “giải cứu” như Vietnam Airlines

Cập nhật: 09:08 | 27/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Tại Hội thảo quốc gia: "Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam" tổ chức ngày 26/11/2020, đại diện các doanh nghiệp hàng không trong nước như Vietjet Air và Bamboo Airways đã nói lên những khó khăn trong hoạt động thời gian dịch bệnh vừa qua, các giải pháp tạm thời cũng như nêu lên mong muốn về chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

0217-may-bay-1
Các hãng bay đều sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng dịch covid-19.

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không thế giới đã và sẽ đối diện với 2 kịch bản: mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại; và mô hình chữ U (giảm xuống đáy và kéo dài từ 3 - 5 tháng) đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48 - 71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Hàng không Việt Nam từng bước phục hồi theo chữ V, Cục Hàng không đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh. Dự kiến, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019.

Vietjet và Bamboo cũng xin Chính phủ hỗ trợ vốn

5137-yyn-phyyng
Bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air - Mã: VJC) cho biết hãng bay đã lỗ 2.400 tỷ đồng trong 9 tháng qua, dù đã bán, chuyển nhượng tài sản tích luỹ trong nhiều năm, giảm lương tới 50 - 70% với quản lý cấp cao, trung và chỉ trả mức thu nhập tối thiểu 8 - 10 triệu đồng với người lao động. Ước tính, Vietjet đang thiếu hụt dòng tiền khoảng 7.000 - 10.000 tỷ đồng.

Nêu ra ví dụ hàng không các nước đều nhận được hỗ trợ rất lớn của Chính phủ như: Thái Lan chỉ định một ngân hàng quốc doanh để cho vay các hãng hàng không, lãi suất vay ưu đãi chỉ 2% một năm. Tuy nhiên gói vay được ưu tiên dành cho các hãng thuộc sở hữu trong nước nên Vietjet Thái Lan không tiếp cận được.

Chính quyền Hong Kong tung gói cứu trợ gần 1 tỷ USD để hoàn toàn miễn phí điều hành bay và phí đỗ máy bay. Ngoài ra, Hong Kong còn ứng ra 2 tỷ USD để mua 500.000 vé máy bay, qua đó tăng thanh khoản tạm thời cho các hãng hàng không. Về sau, chính quyền sẽ bán lại vé máy bay này cho người tiêu dùng.

Với các hãng bay Việt Nam, lãnh đạo Vietjet cho biết thách thức lớn nhất là về thanh khoản. VietJet Air kiến nghị vay vốn 4.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 3-5 năm từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước cho các Ngân hàng thương mại.

"Chúng tôi mong muốn có thể chỉ định hai ngân hàng có tiềm lực mạnh để tham gia cùng vào hỗ trợ cho hàng không, sau 3 năm (2023-2025) chúng tôi có thể trả lãi suất vay ưu đãi cùng vốn để vượt qua khủng hoảng", bà Phương đề xuất.

Ngoài ra, với chính sách thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, theo bà Phương, Quốc hội cho phép giảm 30% hết năm 2020, VietJet Air đề xuất xin giảm 70% cho hết năm 2021. Giảm phí, lệ phí tiếp tục giảm phí 50% phí hạ cất cánh đến hết năm 2021.

Vietjet và Bamboo muốn Chính phủ “giải cứu” như Vietnam Airlines
Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways.

Ngoài ra, bà Phương kiến nghị, các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 được kéo dài đến hết năm 2021; giảm 3% lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.

"Đến 2023 ngành hàng không mới hồi phục, sự hỗ trợ của nhà nước hiện nay sẽ giúp các hãng vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, đóng góp ngân sách", bà Phương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cũng kiến nghị, Chính phủ có các gói hỗ trợ, tái cấp vốn 2-3% thông qua hồ sơ tín dụng. Cùng với đó là hỗ trợ giảm phí cất hạ cánh, điều hành bay, phí nhiên liệu bay đến hết 2021.

"Chúng tôi đảm bảo đủ tài sản, phương án kinh doanh khả thi để được vay các gói dưới 12 tháng, tốt hơn là được vay trung hạn và dài hạn", ông Hải nói.

Cần một gói hỗ trợ cho cả ngành hàng không

Ngày 17/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo quy định của Luật Chứng khoán, nhưng được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.

Từ khi các biện pháp hỗ trợ mới là đề xuất, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự không đồng tình với việc Nhà nước tạo cơ chế đặc thù cho Vietnam Airlines - một doanh nghiệp do Nhà nước nắm 86% vốn.

PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng: Cách nghĩ ưu tiên hãng hàng không Nhà nước mà coi nhẹ hãng bay tư nhân "là tư duy theo cơ chế cũ, lỗi thời, tạo sự bất bình đẳng, hạn chế sự phát triển của xã hội".

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng nên có một gói hỗ trợ cho cả ngành hàng không, thay vì chỉ tập trung vào một doanh nghiệp.

"Theo nguyên tắc thị trường, việc chỉ tính phương án tháo gỡ khó khăn cho một hãng hàng không tạo ra sự thiên lệch giữa các hãng. Tôi cho rằng nên cân nhắc một gói hỗ trợ chung, tùy vào tình hình kinh doanh cụ thể của hãng hàng không mà đưa ra các tiêu chí nhận hỗ trợ, phương án cụ thể tháo gỡ khó khăn cho từng hãng đó", ông Thành nói.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị nếu đã có phương án tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, cũng nên hỗ trợ cho các hãng bay khác như Vietjet Air, Bamboo Airways. "Bởi việc chỉ ưu tiên giải cứu một hãng sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng", ông Doanh nói.

Thị trường chứng khoán ngày 27/11/2020: Thông tin trước giờ mở cửa

10 tháng, FPT lãi gần 3.000 tỉ đồng; HUD muốn thoái toàn bộ vốn tại công ty đầu tư dự án lớn tại Phú Quốc, ...

VASB tổ chức Hội thảo Đào tạo Bộ quy tắc Đạo đức nghề nghiệp ngành chứng khoán

Chiều 26/11/2020, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (số 2 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra buổi “Hội ...

Từ vụ DOJI và Chứng khoán Tiên Phong hủy mua cổ phiếu TPBank: Lộ diện những vấn đề đáng ngại

Nối gót Chứng khoán Tiên Phong, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI vừa quyết định hủy việc mua vào hơn 11,6 triệu cổ ...

Hoàng Hà (t/h)