Từ vụ DOJI và Chứng khoán Tiên Phong hủy mua cổ phiếu TPBank: Lộ diện những vấn đề đáng ngại

Cập nhật: 16:43 | 26/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Nối gót Chứng khoán Tiên Phong, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI vừa quyết định hủy việc mua vào hơn 11,6 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB) với những lý do được cho là khá bất thường. Điều gì ở TPBank đã khiến cho những quyết định đã được nhóm cổ đông này thông qua trước đó phải thay đổi?

Trước đó, DOJI đã đăng ký mua vào số cổ phiếu này nhằm nâng sở hữu tại TPB từ mức 6,64% lên thành 8% vốn. Giao dịch dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 26/11 - 25/12/2020 theo phương thức thỏa thuận trên sàn.

Tuy nhiên, ngày 25/11, DOJI đã có công văn đề nghị UBCKNN/HOSE chấp thuận việc hủy giao dịch mua kể trên. Lý do DOJI đưa ra là bởi thay đổi định hướng đầu tư.

Chứng khoán Tiên Phong hủy mua 5,1 triệu cổ phiếu TPB
Chứng khoán Tiên Phong hủy mua 5,1 triệu cổ phiếu TPB

Trước DOJI, vào đầu tháng 11, CTCP Chứng khoán Tiên Phong - TPS (UpCOM: ORS) cũng đã đề nghị hủy giao dịch mua 5,1 triệu cổ phiếu TPB từ ngày 2/11 - 1/12 nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 0 lên 0,58% vốn. Phía TPS cho biết, công ty đã kịp thời thấy rằng TPB hiện đang là cổ đông sở hữu hơn 9 triệu cổ phiếu ORS; giả định nếu giao dịch mua hoàn tất thì việc TPB sở hữu cổ phiếu TPS sẽ không còn phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trên thị trường, giá cổ phiếu TPB ghi nhận tăng giá 11% qua 3 tháng gần đây với khối lượng giao dịch bình quân hơn 1,9 triệu cổ phiếu/phiên.

Tuy nhiên, mã đã giảm điểm trong 5 phiên gần nhất. Chốt phiên ngày 26/11, cổ phiếu TPB giảm 1,4% về mức 24.800 đồng.

Trung tuần tháng 11 này, HĐQT TPB đã thông qua việc phát hành thêm 181,12 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngày đăng ký cuối cùng là 1/12/2020. Dự kiến sau các đợt phát hành, vốn điều lệ của TPB sẽ tăng từ 8.565 tỷ đồng lên mức 10.716 tỷ đồng.

Về kết quả hoạt động, theo báo cáo tài chính, kết thúc quý III, TPBank báo lãi 3.024 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 74,33% kế hoạch năm. Tổng tài sản của ngân hàng tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2019, đạt trên 193.000 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của TPBank tăng 60% lên hơn 1.970 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính có kiểm toán năm 2019 của TPBank, mục Tài sản có khác ghi nhận giá trị 11.879 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng tài sản của ngân hàng. Điểm đáng chú ý ở đây là có khoản Phải thu từ dịch vụ thư tín dụng trả chậm (Deferred L/C) hơn 3.125 tỷ đồng.

Về lý thuyết, theo Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN, các khoản cam kết trong nghiệp vụ L/C trả chậm phải được hạch toán ngoại bảng mà cụ thể là Tài khoản 9215. Theo báo cáo, khoản này được ghi nhận là 1.761 tỷ đồng.

Phần liên quan đến L/C trả chậm sẽ được hạch toán vào nội bảng chỉ có thể là số tiền ký quỹ, thế chấp, cầm cố của khách hàng, trong Tài khoản 4272 - Tiền gửi để mở Thư tín dụng (L/C). Phần này được ghi nhận trong báo cáo là hơn 10 tỷ đồng.

tong no xau cua tpbank tang 60 len hon 1970 ty dong
Tổng nợ xấu của TPBank tính đến ngày 30/9 tăng 60% lên hơn 1.970 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019

Trong khi đó, không hiểu hơn 3.125 tỷ đồng phải thu từ dịch vụ L/C trả chậm kia, TPBank đã hạch toán ở tài khoản nội bảng nào?

Rõ ràng, khoản này không thể được hạch toán ngoại bảng vì đây là khoản tiền mà ngân hàng đã ứng trả cho khách hàng là đơn vị nhập khẩu. Và vì lý do nào đó, khách hàng chưa thể trả cho TPBank đúng kỳ hạn. Số tiền này tương đương với khoản nợ quá hạn được quy định trong Khoản 4 – Điều 10 của Thông tư 02/2013/TT-NHNN về Phân loại cam kết ngoại bảng và khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng.

Điều này đặt ra nghi vấn, 3.125 tỷ đồng này chính là nợ xấu mà ngân hàng đã ẩn đi bằng cách đưa vào khoản Phải thu khác. Chưa hết, trong khoản phải thu khác còn 5.298 tỷ đồng từ Hợp đồng bán nợ cho các công ty mua bán nợ được cấp phép mà TPBank vẫn chưa thu về được.

Quý I/2020, nợ xấu của TPBank gia tăng khá nhanh, tới trên 50%, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng tăng lên 1,87% từ mức 1,29% hồi cuối năm 2019. Đây là nguyên nhân khiến chi phí dự phòng của ngân hàng này tăng vọt. Như đã đề cập, điều này không lạ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tại thuyết minh số 15.1 trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của TPBank có đề cập đến khoản phải thu từ các hợp đồng bán trái phiếu và bán nợ lên tới trên 5.200 tỷ đồng. Nôm na là TPBank bán trái phiếu và nợ cho một hoặc nhiều pháp nhân, khiến các khoản trái phiếu và nợ này được đưa ra khỏi dư nợ tín dụng, thế nhưng đây lại là "bán chịu" với quy mô lên đến trên 5.200 tỷ đồng.

Mới đây, theo báo cáo tài chính quý III/2020 của TPBank cho thấy, tổng nợ xấu tính đến 30/9 là hơn 1.970 tỷ đồng, tăng 60% so với thời điểm cuối 2019 (hơn 1.235 tỷ đồng) trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 27% lên hơn 569,5 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 82% lên hơn 555 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 76% lên hơn 846 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức gần 1,3% hồi đầu năm lên gần 1,8%.

Chi tiết xem tại đây...

TPBank bị tố đội lãi suất với khách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

tpbank bi to lam trai thong tu cua ngan hang nha nuoc
TP Bank bị doanh nghiệp “tố” làm trái thông tư và quy định của Nhà nước cũng như không rõ ràng trong lãi suất cho vay

Hồi đầu tháng 11 này, Công ty TNHH SGN, Chi nhánh Đồng Nai vừa có đơn phản ánh về lãi suất cho vay của Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Cụ thể, tháng 3/2018, Công ty TNHH SGN - chi nhánh tại Đồng Nai (Công ty) vay hơn 16,2 tỷ đồng tại TPBank Hùng Vương. Hằng tháng, khách hàng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Đến khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty bị ảnh hưởng nặng do doanh thu sụt giảm dẫn đến thu không đủ bù chi, khả năng chi trả tiền nợ gốc và lãi bị ảnh hưởng. Do vậy, công ty này làm đơn xin gia hạn, khoanh nợ các khoản trả vốn gốc và lãi của hợp đồng vay cho đến khi dịch COVID-19 hoàn toàn được khống chế, bệnh nhân an tâm đến phòng khám, hoạt động phòng khám trở lại bình thường.

Thế nhưng, TPBank Hùng Vương không đồng ý giảm lãi mà chỉ đồng ý khoanh nợ gốc 5 tháng, từ kỳ hạn tháng 4/2020 đến tháng 8/2020 và toàn bộ gốc đến hạn trong khoảng thời gian này được cộng dồn và phân kỳ trả nợ đều hàng tháng vào các kỳ trả nợ.

Dẫn nguồn tieudungvietnam.vn, đại diện doanh nghiệp vay cho biết: "Không những không giảm lãi suất mà TPBank Hùng Vương còn tăng lãi suất cho vay từ 8,8%/năm lên 12,2%/năm. Đây là mức lãi suất quá cao và không được quy định rõ ràng trong hợp đồng - vị đại diện này khẳng định.

Đại diện Công ty SGN chi nhánh tại Đồng Nai cho rằng, bảng lãi suất tiết kiệm công khai của TPBank trên các phương tiện thông tin đại chúng không có mức lãi suất 8,2%/năm để cộng với biên độ 4% ra 12,2%/năm. Ngân hàng giải thích đây là biểu lãi suất dành riêng đối với “các tài khoản tiền gửi tái tục có số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên và cam kết không rút trước hạn”.

Bà N. bức xúc: “Mức lãi suất huy động này dành riêng cho một đối tượng rất nhỏ và không có tính phổ biến. Trong khi các ngân hàng khác hiện nay đang giảm lãi suất huy động xuống mức thấp, có nơi 5%/năm. Do đó, chúng tôi cho rằng TPBank không có thiện chí trong việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.

Theo Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP. HCM nhận định: “Theo tôi, hướng giải quyết của TPBank là không đúng theo quy định tại Thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo trình bày, khoản nợ của Công ty đã đáp ứng được các điều kiện để được hỗ trợ như khoản nợ đó phát sinh từ hợp đồng cho vay; nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng chính phủ công bố hết dịch; khách hàng không có khả năng trả nợ hoặc lãi đúng hạn theo hợp đồng vì doanh thu sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, khoản nợ đó không vi phạm quy định pháp luật”.

Chi tiết xem tại đây...

Chứng khoán phiên chiều ngày 26/11: Tăng hơn 6 điểm, VN-Index chinh phục thành công mốc 1.000

Về cuối phiên giao dịch, lực cầu dâng cao đã giúp nhiều cổ phiếu trụ cột tăng giá mạnh. VN-Index chỉ sau 30 phút cuối ...

Các doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức ngày 27/11

Trong ngày 27/11/2020, các doanh nghiệp như HT1, QLT, NAU, C4G,... sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền/cổ ...

Cienco4 sắp chuyển niêm yết sang HOSE

Liên tục nhận được hợp đồng mới với doanh thu ổn định, dự kiến đầu năm 2021, Cienco4 (UpCOM: C4G) sẽ chuyển niêm yết sang ...

Yến Thanh