TP. HCM dành 34.921ha đất cho phát triển hạ tầng đến năm 2020

Cập nhật: 10:05 | 14/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Vừa qua, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQ-CP ngày của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TPHCM.

Tăng quỹ đất cho phát triển hạ tầng

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM cho biết, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TPHCM đã được xây dựng công phu, chi tiết, có tính thực tiễn và được xác định trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng phê duyệt.

Cụ thể, các chỉ tiêu sử dụng đất theo cấp quốc gia phân bổ, loại đất có diện tích tăng nhiều. Đầu tiên là đất phát triển hạ tầng: Chỉ tiêu quốc gia phân bổ là 31.677ha, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 34.921ha, cao hơn 3.244ha. Tiếp đó, nhóm đất phi nông nghiệp chỉ tiêu quốc gia phân bổ là 117.810ha, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là 188.890ha, cao hơn 1.080ha. Đối với đất rừng phòng hộ, chỉ tiêu quốc gia phân bổ là 33.292ha, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 33.901ha, cao hơn 609ha… Các loại đất còn lại hầu như giữ nguyên hoặc biến động không đáng kể: đất ở tại đô thị là 24.060ha, bằng chỉ tiêu quốc gia phân bổ; đất trồng lúa là 3.000ha, bằng chỉ tiêu quốc gia phân bổ…

Đáng chú ý, trong Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, loại đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản trong kỳ cuối 2016 - 2020 với diện tích 26.246ha (kỳ đầu từ năm 2011 - 2015 chỉ có 3.121ha được chuyển đổi), năm 2018 có diện tích chuyển đổi nhiều nhất với 11.743ha.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, cần đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông kết nối giữa các khu dân cư và các tuyến metro để tiếp cận nhanh với giao thông công cộng, chú trọng đầu tư các khu đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi để hạn chế di chuyển người dân vào khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy chương trình giãn dân ra các khu đô thị mới.

Theo ông Thắng cần chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh của TP tại 4 hướng, phía Đông: phường Long Trường, quận 9 với diện tích 280ha; phía Tây, thuộc xã Tân Kiên huyện Bình Chánh diện tích 200ha, trục đường Nguyễn Văn Linh; phía Nam, khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ, diện tích 110ha; phía Bắc, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, hướng quốc lộ 22 với diện tích 500ha.

tp hcm danh 34921ha dat cho phat trien ha tang den nam 2020
Điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 là 34.921ha.

Xử lý nghiêm dự án treo, tổ chức đấu giá đất

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, phân tích, TP có diện tích 209.555ha, đất nông nghiệp chiếm 52% nhưng chỉ đóng góp 0,06% tổng giá trị GDP. Do đó, việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất lần này tạo điều kiện để đáp ứng cho yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và yêu cầu nâng cấp hạ tầng đô thị, bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kể cả đất dành cho an ninh quốc phòng. Đồng thời, TP phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả đối với diện tích đất canh tác còn lại, làm sao nâng cao được năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Việc thành phố tổ chức công bố Nghị quyết 80 là công bố công khai với kế hoạch sử dụng đất từng năm và các dự án cụ thể, để từ đó người dân có cơ sở giám sát quận huyện, sở ngành. Tiếp đó, công khai chỉ tiêu sử dụng đất thành phố đến năm 2020 cho các quận, huyện để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 80, phải công khai thống nhất chặt chẽ, tránh lãng phí và tăng nguồn thu ngân sách để đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố. Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu cho UBND TP về trách nhiệm của các UBND quận, huyện, của các sở ngành rất cụ thể, chứ không nói chung chung.

Theo ông Phong để thực hiện tốt các kế hoạc trên, cần công khai minh bạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TPHCM . Các dự án sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 và tất cả các dự án có bồi thường phải công bố công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư, nơi mà có đất thu hồi, tại nơi tái định cư với trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định, để cho người dân giám sát, cùng nhau thực hiện. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án, để từ đó đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong khu vực, giúp cho các cơ quan quản lý theo dõi tiến độ thực hiện dự án hàng năm, phát hiện và ngăn chặn xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất… Ông Phong cũng yêu cầu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá lại tình hình thực hiện các dự án từ 2016 – 2018 xem những dự án đã giao có triển khai hay không, nếu không thì thu hồi, như huyện Nhà Bè có 87 dự án nhưng rất nhiều dự án nhận xong rồi để đó. Đồng thời yêu cầu đôn đốc Sở Tài nguyên - Môi trường lập tổ công tác rà soát, trước hết là Nhà Bè, sau đó là tất cả các quận, huyện.

Do đó, các dự án trong quy hoạch đã ghi vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại quận, huyện đã được công bố 3 năm, từ năm 2016 đến nay mà không thực hiện thì hủy bỏ dự án, sau đó giải quyết quyền lợi cho người dân trong khu vực.

Các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà chậm đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư phải có văn bản gia hạn thời gian thực hiện 24 tháng theo quy định, đồng thời chuyển cơ quan thuế thu nghĩa vụ tài chính; trường hợp không có văn bản đề nghị gia hạn, hoặc sau khi gia hạn 24 tháng mà không đưa vào sử dụng thì thu hồi. Nếu không kiên quyết thì kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết 80 của Chính phủ sẽ không có hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, giao Công ty Đầu tư tài chính thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất lập kế hoạch vốn để tổ chức bồi thường tạo quỹ đất, trên cơ sở đất sạch thì tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng nguồn thu ngân sách.

PV