Quy định về việc nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu

Cập nhật: 13:22 | 18/06/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Quy định về việc nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu. Việc nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu được quy định thế nào?

quy dinh ve viec nop bao dam thuc hien hop dong trong dau thau

Quy định về liên danh khi tham gia đấu thầu

quy dinh ve viec nop bao dam thuc hien hop dong trong dau thau

Người lập hồ sơ dự thầu coppy hồ sơ dự thầu bị xử phạt như thế nào?

quy dinh ve viec nop bao dam thuc hien hop dong trong dau thau

Văn phòng đại diện tham gia đấu thầu được không?

quy dinh ve viec nop bao dam thuc hien hop dong trong dau thau
Ảnh minh họa

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:

Căn cứ vào Luật đấu thầu năm 2013.

2. Nội dung phân tích:

Trong mọi hoạt động ở đời sống xã hội đều mang sự rủi ro nhất định, để đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức thì các bên của các quan hệ xã hội thường xuyên tự quy định với nhau về các điều kiện để tránh rủi ro, đồng thời các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội này cũng có những quy định để tránh rủi ro cho các bên. Tương tự như vậy trong hoạt động thực hiện hợp đồng trong dự thầu thì luật có quy định về vấn đề nộp bảo đảm để thực hiện được hợp đồng. Đây là một trong những nội dung cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hợp đồng.

Thứ nhất, khái niệm:

– Khái niệm bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013, được xác định là việc các nhà thầu, các nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đảm bảo bao gồm đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của các tổ chức tín dụng hoặc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam với mục đích để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư.

– Gói thầu được xác định là một phần hoặc là toàn bộ dự án hoặc dự toán mua sắm; đối với gói thầu có thể sẽ gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án khác nhau hoặc là khối lượng mua sắm 01 lần hoặc khối lượng mua sắm cho 01 thời kỳ đối với trường hợp mua sắm tập trung hoặc mua sắm thường xuyên.

– Hợp đồng được quy định là một văn bản thỏa thuận giữa các bên sau:

+ Nhà thầu được lựa chọn với chủ đầu tư trong việc thực hiện gói thầu thuộc dự án;

+ Chủ thể hợp đồng giữa đơn vị mua sắm tập trung hoặc giữa đơn vị có nhu cầu mua sắm với nhà thầu được lựa chọn trong mua sắm tập trung;

+ Chủ thể hợp đồng là giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư đã được lựa chọn hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư đã được lựa chọn và doanh nghiệp của dự án trong lựa chọn nhà đầu tư;

+ Văn bản thỏa thuận giữa bên mời thầu với nhà thầu đã được lựa chọn trong trường hợp mua sắm thường xuyên.

Thứ hai, các quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng trong hợp đồng với nhà thầu:

– Chủ thể áp dụng bảo đảm thực hiện hợp đồng trong đấu thầu đó là nhà thầu được lựa chọn. Tuy nhiên quy định này không áp dụng đối với các nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc các nhà thầu được lựa chọn dựa theo hình thức tự thực hiện và tự tham gia thực hiện của cộng đồng.

– Thời điểm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng:

Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực pháp lý.

– Mức giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng: từ 2% đến 10% giá trúng thầu dựa trên cơ sở quy mô và tính chất của gói thầu.

– Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng:

Được xác định từ ngày mà hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày mà các bên trong hợp đồng hoàn thành nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng hoặc tính đến ngày chuyển từ nghĩa vụ trong hợp đồng sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành (nếu có).

Đối với trường hợp cần phải gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng thì phải yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng trong một khoảng thời hạn tương ứng.

– Nơi quy định bảo đảm thực hiện hợp đồng: phải được quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu.

– Các trường hợp không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 66 Luật Đấu thầu 2013, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng:

+ Một là, nhà thầu có hành vi vi phạm thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng;

+ Hai là, nhà thấu từ chối việc thực hiện hợp đồng sau khi hợp đồng đã có hiệu lực pháp lý;

+ Ba là, nhà thầu tiến hành thực hiện hợp đồng chậm hơn so với tiến độ quy định do lỗi của mình nhưng không gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Thứ ba, các quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng trong hợp đồng với nhà đầu tư:

Các quy định được ghi nhận tại Điều 72 Luật Đấu thầu 2013, cụ thể bao gồm các quy định sau:

– Thời điểm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng: được thực hiện bởi nhà đầu tư được lựa chọn trước khi hợp đồng có hiệu lực.

– Nơi quy định bảo đảm thực hiện hợp đồng: Bảo đảm thực hiện hợp đồng trong hợp đồng với nhà đầu tư sẽ được quy định trong hồ sơ mời thầu và hồ sơ yêu cầu theo quy định.

– Giá trị của bảo đảm thực hiện hợp đồng: có mức giá trị trong khoảng từ 1% đến 3% dựa trên tổng mức đầu tư của dự án phụ thuộc vào quy mô, tính chất của dự án.

– Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng: được xác định từ ngày hợp đồng được ký chính thức cho đến ngày công trình được hoàn thành và được nghiệm thu hoặc được xác định từ ngày hợp đồng được ký chính thức cho đến ngày mà các điều kiện bảo đảm cho việc cung cấp dịch vụ đã được hoàn thành theo quy định trong hợp đồng.

Ngoài ra, nếu thuộc trường hợp cần phải gia hạn thêm thời gian thực hiện hợp đồng thì có quyền yêu cầu nhà đầu tư phải gia hạn thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tương ứng với thời gian thực hiện hợp đồng.

– Nhà đầu tư sẽ không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định nêu trên nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Nhà đầu tư thực hiện hợp đồng nhưng chậm tiến độ do lỗi của chính bản thân nhà đầu tư đồng thời từ chối việc gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

+ Nhà đầu tư từ chối việc thực hiện hợp đồng sau khi hợp đồng đã có hiệu lực pháp lý theo quy định;

+ Nhà đầu tư có những hành vi vi phạm một trong các thỏa thuận trong hợp đồng.

Thứ tư, một số quy định khác về bảo đảm thực hiện hợp đồng:

– Giá trị của bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với gói thầu có quy mô nhỏ:

Được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, theo đó gói thầu có quy mô nhỏ thì giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng là từ 2% đến 3% giá trị của hợp đồng.

– Tăng giá trị của bảo đảm thực hiện hợp đồng:

Theo quy định tại điểm c khoản 9 Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP đối với trường hợp trong hợp đồng với nhà đầu tư mà để đề phòng các rủi ro nhất định thì chủ đầu tư có thể quy định đới với giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lên lớn hơn 10% nhưng không được quá 30% của giá trúng thầu và phải đảm bảo điều kiện là được người có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

Như vậy, có thể thấy đối với việc quy định và thực hiện bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với cả hợp đồng với nhà đầu tư và hợp đồng với nhà thầu.

Đối với hai loại hợp đồng này quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng tương đối giống nhau, điểm khác nhau cơ bản nhất ta có thể nhận ra đó là giá trị của bảo đảm thực hiện hợp đồng tại hợp đồng với nhà thầu cao hơn nhiều so với bảo đảm thực hiện hợp đồng tại hợp đồng với nhà đầu tư.

Đối với bảo đảm thực hiện hợp đồng các bên đóng trước nhưng cũng không mất đi mà bản chất là để đưa ra các hình thức nhằm ràng buộc quyền và nghĩa vụ cũng như để đảm bảo các bên sẽ buộc phải thực hiện hợp đồng và sẽ được hoàn trả nếu không rơi vào trong các trường hợp không được hoàn trả.

Minh Phương