Những điều cần biết khi làm thẻ Căn cước công dân gắn chip

Cập nhật: 10:09 | 17/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Những ngày qua, nhiều địa phương gấp rút triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip cho người dân. Để không mất nhiều thời gian, người dân cần lưu ý những điều sau đây để không phải đi lại nhiều lần.

Thủ tướng đồng ý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội sửa đổi quy chế xử lý nợ rủi ro

Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2021

Những chính sách có hiệu lực từ ngày 1/3/2021

Những điều cần lưu ý

Theo cán bộ phụ trách công tác cấp căn cước công dân (CCCD) của Công an TP.HCM, số CCCD là 12 số, gắn liền với mỗi cá nhân. Việc chuyển từ thẻ CCCD mã vạch sang thẻ CCCD gắn chip không làm thay đổi số CCCD của cá nhân. Thẻ gắn chip hay thẻ mã vạch chỉ khác biệt về công nghệ lưu trữ thông tin công dân.

Người dân có giấy CMND 12 số và thẻ CCCD mã vạch 12 số khi đổi sang thẻ CCCD gắn chip thì vẫn giữ nguyên số. Trường hợp người dân đổi từ giấy CMND loại 9 số sang CCCD gắn chip thì sẽ đổi số căn cước sang 12 số.

Người có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM muốn cấp (lần đầu), cấp đổi, cấp lại có thể đến công an quận, huyện (công an cấp huyện nơi thường trú) hoặc phòng cảnh sát quản lý hành chính công an cấp tỉnh để thực hiện thủ tục.

0801-cancuoc
Những điều cần biết khi làm thẻ Căn cước công dân gắn chip (Ảnh minh họa)

Về lịch tiếp nhận hồ sơ, hiện nay công an các tỉnh thành hầu hết đều có bố trí ca đêm, tiếp nhận tất cả các ngày trong tuần và cả tổ công tác lưu động. Người dân cần liên hệ công an nơi thực hiện thủ tục để nắm rõ lịch, thời gian để sắp xếp.

Tại TP.HCM, tùy đơn vị cụ thể, thời gian tiếp nhận hồ sơ có chút khác nhau. Ví dụ tại Công an TP Thủ Đức tiếp nhận hồ sơ từ 7h-24h mỗi ngày, vào tất cả các ngày trong tuần, Phòng cảnh sát quản lý hành chính Công an TP.HCM tiếp nhận từ 7h-22h tất cả ngày trong tuần.

Về hồ sơ, người dân đi làm thẻ CCCD cần mang theo sổ hộ khẩu. Khi đến nơi, cán bộ tiếp nhận sẽ cấp tờ khai để người dân điền thông tin. Nếu đổi giấy CMND 9 số, 12 số hoặc thẻ CCCD mã vạch sang thẻ CCCD gắn chip, người dân cần mang theo giấy CMND, thẻ CCCD cũ để cán bộ tiếp nhận cắt góc. Với CMND 9 số bị hỏng, bong tróc, công an sẽ thu lại và tiêu hủy.

Theo lộ trình, sau này khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý CCCD được thu thập, vận hành hoàn chỉnh thì công dân đến làm thủ tục cấp (lần đầu), cấp lại, cấp đổi chỉ cần khai đúng mã số định danh cá nhân (số căn cước) mà không cần mang thêm giấy tờ tùy thân khác (đã bị đơn giản, xóa bỏ).

Lệ phí cấp Căn cước công dân gắn chip

Theo Thông tư 112/2020/TT-BTC, kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021, lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.

Kể từ ngày 01/7/2021 trở đi, mức thu lệ phí nêu trên thực hiện theo Thông tư 59/2019/TT-BTC.

Chi tiết xem tại bảng sau đây:

Mức thu lệ phí

Từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021

Từ ngày 1/7/2021

Chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang cấp thẻ CCCD

15.000 đồng/thẻ CCCD

30.000 đồng/thẻ CCCD

Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu

25.000 đồng/thẻ CCCD

50.000 đồng/thẻ CCCD

Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam

35.000 đồng/thẻ CCCD

70.000 đồng/thẻ CCCD

Như vậy, lệ phí cấp CCCD gắn chip từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021 là 15.000 đồng/thẻ CCCD, từ ngày 01/7/2021 trở đi là 30.000 đồng/thẻ CCCD.

* Lưu ý: Các trường hợp miễn, không phải nộp lệ phí thực hiện theo Điều 5 Thông tư 59/2019/TT-BTC. Cụ thể:

- Các trường hợp miễn lệ phí:

+ Đổi thẻ CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;

+ Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

+ Đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

- Các trường hợp không phải nộp lệ phí:

+ Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật căn cước công dân;

+ Đổi thẻ CCCD khi đến tuổi đổi thẻ CCCD theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật căn cước công dân;

+ Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD.

Thu Uyên (Tổng hợp)