Hiểu đúng quy định Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí

Cập nhật: 10:16 | 03/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Từ ngày 1/12/2020, Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản chính thức có hiệu lực trong đó nổi lên câu chuyện "Chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh... đều có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với vi phạm trong hoạt động này"...

Nghị định nêu: Ngoài thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông, các lực lượng như thanh tra ngoại giao, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường, công an, chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh... đều có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân vi phạm. Trong khi đó, quyền đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh cũng được mở rộng hơn.

Thực chất, Nghị định 119 thay thế Nghị định 159/2013 nhằm tăng cường bảo vệ các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, phòng ngừa và xử lý hành chính trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Nghị định cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Xuất bản 2016 và Luật Báo chí 2016.

Tuy nhiên, cần hiểu thế nào cho đúng, cho tường những nội dung được nêu trong Nghị định này lại là vấn đề khiến nhiều người thắc mắc.

Tác nghiệp báo chí: Đừng để mãi là cuộc chiến không cân sức

Hiểu đúng để thực hiện đúng

Trước thông tin cho rằng Nghị định 119 trao quá nhiều quyền cho các cơ quan chức năng khác, bất cứ đơn vị nào cũng có quyền xử phạt vi phạm báo chí, ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: "Đây là cách hiểu rất sai lầm".

Ông Toàn phân tích, thực tế việc quy định đơn vị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí – xuất bản không hề mới. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội đều đã được quy định chặt chẽ trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

"Nghị định 119/2020/NĐ-CP cũng phải áp dụng theo quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, lĩnh vực báo chí – xuất bản không phải là ngoại lệ mà đều chịu sự điều chỉnh chung giống như các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục… Những vi phạm trong hoạt động báo chí – xuất bản bị phát hiện, các cấp có thẩm quyền xử phạt là bình thường", ông Toàn nói.

Ông Ngô Huy Toàn nêu ví dụ: Đối với lực lượng quản lý thị trường khi họ phát hiện một người có hành vi mua bán, phát hành những tờ báo, tạp chí đã bị thu hồi, họ hoàn toàn có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này.

Một ví dụ khác là khi một nhà báo trong quá trình tác nghiệp tại địa phương, bị đối tượng khác hành hung, phá hoại phương tiện tác nghiệp thì UBND cấp xã, cấp huyện hoàn toàn có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở báo chí tác nghiệp.

Đối với hành vi giả mạo báo chí cũng tương tự, khi phát hiện đối tượng giả mạo báo chí, tống tiền… lực lượng công an, chính quyền địa phương đều có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

"Nếu một cơ quan, đơn vị nào đó cố tình xử phạt sai đối với báo chí thì cơ quan báo chí có quyền khiếu nại lại quyết định đó theo trình tự, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi làm rõ quyết định đó là sai thì cơ quan, đơn vị ra quyết định sai đó phải chịu trách nhiệm", ông Toàn khẳng định.

Một điểm mới trong Nghi định 119 gây sự chú ý của dư luận là quy định chủ tịch UBND cấp xã được quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Theo TS Dương Hoán, giảng viên Khoa luật hành chính, Đại học Luật TP. HCM, việc bổ sung được nêu trong Nghị định lần này là cần thiết. Xét về thẩm quyền, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền chung nên vi phạm hành chính trong lĩnh vực nào trên địa bàn thì cũng có thể phạt (nếu quy định mức phạt cao nhất cho hành vi đó là không quá 5 triệu đồng đối với cá nhân).

Cần hiểu rằng, không chỉ có các chủ thể có chức năng quản lý chuyên ngành về xuất bản, báo chí mới được trao thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực này; Những chủ thể có thẩm quyền chung như Chủ tịch UBND, công an nhân dân… cũng được trao thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đối với những hành vi vi phạm nhất định như cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí (Điều 7 NĐ 119).

1445-vip
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Thẩm quyền xử phạt có vượt luật?

TS Dương Hoán cho rằng, căn cứ vào những hành vi vi phạm được mô tả, liệt kê trong Nghị định 119, có thể thấy các hành vi vi phạm chủ yếu là của tổ chức. Căn nguyên của cách quy định này là do Chính phủ hướng đến ưu tiên xử lý những vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản phổ biến do tổ chức thực hiện.

Điều 4 Nghi định 119 quy định: Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Tức là Nghi định 119 dùng mức tiền phạt áp dụng đối với tổ chức tham chiếu/xác định mức phạt áp dụng đối với cá nhân.

Về mặt lập quy, cách quy định này khác với cách quy định thông thường trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan về quy định mức phạt. Thường thì các văn bản quy định mức phạt tiền của cá nhân, sau đó xác định mức phạt đối với tổ chức là gấp đôi nhưng Nghị định 119 thì ngược lại. Cách quy định ngược này khiến nhiều người thấy rối. Do đó, phương pháp quy định mức phạt tiền trong Nghi định mới này cần được tiếp cận phù hợp nhằm tránh hiểu nhầm về thẩm quyền xử phạt.

Có ý kiến cho rằng khoản 1 Điều 40 NĐ 119 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã lên đến 10 triệu đồng là trái với Luật Xử lý vi phạm hành chính bởi lẽ điểm b khoản 1 Điều 38 Luật này quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền không quá 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định thẩm quyền xử phạt hành chính của những người được quy định từ Điều 38 đến 51, áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân (với tổ chức gấp hai lần cá nhân). Mức phạt tối đa 10 triệu đồng nói trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, tức là đối với hành vi vi phạm của cá nhân sẽ bị phạt 5 triệu đồng. Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính chứ không vượt về thẩm quyền như nhiều ý kiến lo ngại.

Một số hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch xã

Theo Nghị định 119, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt.

Chủ tịch xã còn được áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm quy định của pháp luật…

Theo NĐ 119, Chủ tịch UBND cấp xã sẽ phạt được một số hành vi như: Sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn hoặc làm giả để hoạt động báo chí; cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định; cản trở việc phát hành sản phẩm báo chí; bán sản phẩm báo chí nhập khẩu trái phép…

Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp xã cũng có cơ sở pháp lý để xử phạt, bảo vệ nhà báo khi đến địa phương tác nghiệp hợp pháp mà bị cản trở, hành hung.

Lịch trả cổ tức đầu tháng 11/2020: MPC bạo chi 300 tỷ đồng giữa vụ kiện né thuế tôm

Tuần mới từ 2/11 đến 9/11/2020, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết thông báo chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng ...

Chính thức mở chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên về Việt Nam

Sau khi được chấp thuận thực hiện chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên về Việt Nam, hãng Vietnam Airlines đã mở ...

Thủ tướng yêu cầu không được cách li xã hội khi chưa có ổ dịch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với ...

Quốc Trung

Tin cũ hơn
Xem thêm