Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự khai mạc kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Cập nhật: 20:00 | 05/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Sáng 5/12/2020, tại Trung tâm hội nghị số 25B, TP Thanh Hóa đã diễn ra khai mạc kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Về dự và phát biểu chỉ đạo có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN.

Thanh Hóa sẽ có khu trung tâm thương mại hơn 700 ha tại TP. Sầm Sơn

Chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa xong hạ tầng chủ đầu tư đã "bán chui" dự án Khu dân cư trăm tỷ

Thanh Hóa: Phê duyệt đề án khu du lịch rộng hơn 23.000 ha tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

3744-m-1607148045
Khai mạc kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Tại kỳ họp thứ 14 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ sự vui mừng, đánh giá rất cao những thành tựu mà Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua. Nhất là sau khi tổ chức thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV.

Tại phiên khai mạc kỳ họp, đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các Nghị quyết mà HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đồng thời, các Nghị quyết đã ban hành nhiều tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của tỉnh nhà. Những nghị quyết có tính bước ngoặt, đó là: Sắp xếp các đơn vị hành chính, trường học; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, chủ tịch hội đặc thù ở cấp xã, thôn dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy; bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho các trường mầm non công lập; quyết định chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội v.v…. Đặc biệt, đã xác định được năm 1029 là năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đây là nghị quyết mang giá trị lịch sử và ý nghĩa tinh thần to lớn.

Cùng với các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời xem xét, ban hành rất nhiều văn bản kết luận phiên họp, giải quyết kịp thời hơn 400 tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh giữa hai kỳ họp, bảo đảm công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và giúp ổn định đời sống người dân.

Hoạt động giám sát, chất vấn của Hội đồng Nhân dân tỉnh có nhiều đổi mới, thẳng thắn và trách nhiệm, bảo đảm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện tái giám sát đối với các vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm; nhiều lĩnh vực sau giám sát, sau chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh đã có chuyển biến tốt hơn.

Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân được quan tâm và đã có những cải tiến như tăng số buổi tiếp xúc cử tri, giảm bớt các thủ tục lễ nghi hình thức; dành nhiều thời gian để nghe cử tri phát biểu và đối thoại với cử tri.

3852-j-1607148225
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự khai mạc kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử. Việt Nam chúng ta đã trải qua 2 đợt dịch Covid-19 ở một số địa phương với những tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng; một số ngành sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, vận tải, du lịch.

Thanh Hóa đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong phòng chống đại dịch Covid-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội; có 21/27 chỉ tiêu chủ yếu được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,08% - mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Ở thời điểm này, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đã đứng thứ 8 cả nước và từng bước trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Các ngành sản xuất cơ bản đều có bước phát triển.

Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; là tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức rất thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, với tổng vốn đăng ký đầu tư ước khoảng 15 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhiều dự án lớn, quan trọng đã hoàn thành đi vào hoạt động, cùng với khởi công các dự án kết cấu hạ tầng tạo diện mạo mới cho bộ mặt thành thị, nông thôn và các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất, tinh thần củaNhân dân tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác tư pháp có nhiều tiến bộ hơn, thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, thu ngân sách chưa thật sự bền vững, một số dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng ở các huyện miền núi chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; liên kết vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội có mặt còn hạn chế, bất cập.

Kiều Vượng

Tin cũ hơn
Xem thêm