Lộc Trời (LTG) lỗ nặng trong quý II, tổng nợ vay tăng thêm hơn 1.030 tỷ đồng

Cập nhật: 16:18 | 02/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM - Mã chứng khoán: LTG) công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu tăng 30% lên 3.547 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn 34% nên lợi nhuận gộp còn tăng 6% đạt 372 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,83% xuống 10,48%.

Chi phí tài chính gấp đôi lên 116 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 31% lên 239 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 17% lên 88 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chi phí tài chính tăng cao do lỗ chênh lệch tỷ giá lớn trong chi phí bán hàng tăng do chi phí vận chuyển và xuất khẩu tăng.

Lộc Trời (LTG) lỗ nặng trong quý II, tổng nợ vay tăng thêm hơn 1.030 tỷ đồng

Biên lợi nhuận gộp giảm cùng chi phí tăng đã khiến công ty nông nghiệp lỗ 46 tỷ đồng quý II, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 47 tỷ đồng. Quý gần nhất doanh nghiệp báo lỗ là quý I/2020 với 38 tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần tăng 15% lên 5.893 tỷ đồng, lãi ròng giảm 40% xuống 138 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng lương thực ghi nhận tăng 47% lên 3.390 tỷ đồng và đóng góp đến 57% tổng doanh thu. Các mảng như thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, bao bì đều giảm.

Tuy nhiên, mảng lương thực biên lợi nhuận gộp mỏng hơn 2,4%, chỉ đem về 83 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Mảng thuốc bảo vệ thực vật có biên lợi nhuận gần 37% và hạt giống cây trồng đạt 25,8%.

Tại thời điểm cuối quý II, gạo Lộc Trời giảm mạnh khoản tiền và tương đương tiền từ 1.799 tỷ đồng xuống 766 tỷ đồng, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm từ 134 tỷ đồng xuống 35,3 tỷ đồng. Song, khoản phải thu ngắn hạn hơn gấp đôi lên 3.307 tỷ đồng, chủ yếu tăng trong phải thu ngắn hạn khách hàng từ 887 tỷ đồng lên 2.379 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng từ 2.368 tỷ đồng lên 2.874 tỷ đồng.

Về phần nguồn vốn, công ty tăng vay nợ ngắn hạn từ 3.579 tỷ đồng lên 4.600 tỷ đồng, vay nợ dài hạn duy trì ở mức 58 tỷ đồng. Tổng nợ vay tăng thêm hơn 1.030 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,6.

Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8 cổ phiếu LTG tăng 400 đồng lên mức 34.800 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 244.390 đơn vị.

Lộc Trời (LTG) lỗ nặng trong quý II, tổng nợ vay tăng thêm hơn 1.030 tỷ đồng
Diễn biến cổ phiếu LTG trong 3 tháng gần đây. Nguồn: CafeF

Hoàn tất niêm yết trên HOSE trong năm 2025

LTG dự kiến trình cổ đông về việc gia hạn thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Cụ thể, trong tờ trình trước đây, công ty dự kiến trong năm 2022 sẽ niêm yết trên HOSE. Tuy nhiên, trong tờ trình mới được cập nhập, công ty dự kiến hoàn tất niêm yết trên HOSE trong năm 2025 với điều kiện đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận.

Một nội dung đáng chú ý, LTG dự kiến đưa kế hoạch thưởng cho HĐQT, lãnh đạo công ty. Trong đó, lợi nhuận tăng từ 0 đến 10%, thưởng 10% chênh lệch lợi nhuận so với cùng kỳ; nếu lợi nhuận tăng từ 10% đến 20%, thưởng tỷ lệ lên tới 15% chênh lệch giữa lợi nhuận kiếm được so với cùng kỳ; nếu lợi nhuận tăng 20%, mức thưởng lên tới 20%.

Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời thành lập hai công ty thành viên là CTCP Nông Sản Lộc Trời (Lộc Trời Agricuture Product JSC - LTA), CTCP Giống Cây Trồng Lộc Trời (Lộc Trời Seed JSC - LTS) đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp qua các hoạt động ký kết mua bán - tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản và các ngân hàng đã hợp tác lâu dài với tập đoàn.

Đóng góp hơn 4.000 tỷ vào doanh thu của toàn tập đoàn trong năm 2021, Tập đoàn cho biết CTCP Nông Sản Lộc Trời (LTA) là khâu đầu và cũng là khâu cuối cực kỳ quan trọng trong quy trình khép kín từ hạt giống đến khi thu hoạch và vận chuyển đến hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết được phân bổ khắp Đồng bằng sông Cửu Long để sấy, xay xát, lưu kho, và giao hàng theo tiến độ hợp đồng đã ký.

Với năng lực sấy lúa gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa, LTA đáp ứng được các đơn hàng số lượng lớn quanh năm, đặc biệt cho các thị thường xuất khẩu khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…

Còn CTCP Giống Cây Trồng Lộc Trời (LTS), tiền thân là ngành giống của tập đoàn, đã đóng góp gần 900 tỷ đồng vào doanh thu năm 2021, hiện sản xuất trên 80.000 tấn lúa giống các loại trên các vùng trồng và phân phối trực tiếp qua hệ thống phân phối trên 300 đại lý trên cả nước.

LTS là đơn vị khai thác các giống lúa mà tập đoàn Lộc Trời sở hữu và được cấp quyền sản xuất và thương mại, bao gồm cả giống lúa Lộc Trời 28 - Quán quân Gạo thơm Thế giới năm 2018 và Giải nhất Gạo ngon Thương hiệu Việt vào tháng 1/2022. Qua LTS, giống lúa OM18 - gạo thơm chất lượng cao được trồng nhiều nhất Việt Nam và OM5451 - gạo trắng được xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam sẽ được cung cấp miễn phí cho các hợp tác xã liên kết sản xuất với Lộc Trời.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Lộc Trời (LTG) kế hoạch lợi nhuận 2022 đi lùi, hoàn tất niêm yết trên HOSE trong năm 2025

CTCP Tập đoàn Lộc Trời ( UPCoM – Mã: LTG) công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đại hội dự ...

Lộc Trời (LTG) tự tin lợi nhuận đạt tối thiểu 400 tỷ đồng năm 2022

Tại cuộc họp ĐHCĐ, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với cam kết lợi nhuận tổi ...

Lộc Trời (LTG) đề xuất thực hiện dự án 1 triệu hecta trồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, ông Huỳnh ...

Văn Toàn

Tin cũ hơn
Xem thêm