Kinh tế Việt Nam đánh trận Covid-19 như thế nào?

Cập nhật: 16:05 | 31/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Việc kiểm soát tốt và sớm Covid-19 cũng tạo điều kiện cho Việt Nam sớm đưa các hoạt động kinh tế xã hội dần trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Trường học mở cửa; các công sở, nhà máy trở lại guồng quay; các biện pháp giãn cách bắt đầu được gỡ bỏ, hoạt động giao thông, dịch vụ, văn hóa rồi du lịch nội địa… dần trở lại. Khi mùa hè đến, nhiều người Việt có lẽ đã quên rằng mình đang sống trong một thế giới “có Covid”.

Gia đình của ông Kha 3 đời bán cà phê ở phố cổ Hội An. Căn nhà nằm bên bờ sông Hoài là nơi 8 người trong nhà vừa ở vừa kinh doanh, không thuê thêm phụ việc bên ngoài. Những ngày giữa tháng 7, khi sân bay ở hai đầu đất nước nhộn nhịp hơn với các gia đình đi nghỉ hè, quán cà phê cũ kỹ của gia đình ông dần đông khách Hà Nội, Sài Gòn... Quang cảnh ấy đối lập với những nhà hàng phục vụ món Âu hay showroom đồ thủ công mỹ nghệ hào nhoáng xung quanh, nơi các chủ hộ vẫn đang phải trả mỗi tháng hàng chục triệu đồng chi phí thuê nhà, mướn nhân công..., trong khi khách quốc tế vẫn chưa biết bao giờ trở lại.

Thời điểm đó còn là trước đợt bùng phát ca nhiễm tại Đà Nẵng - Quảng Nam vào tháng 8, trước cả đợt lũ lụt tháng 10 gây thiệt hại nghiêm trọng cho miền Trung, trong đó có Hội An… Sau những “đợt tấn công” ấy, ông Kha tự hỏi không biết có thể duy trì được công việc của gia đình bao lâu, trước khi phố Hội của ông sầm uất trở lại như cách đó chỉ vài tháng.

Đó không chỉ là vấn đề của gia đình ông Kha hay của Hội An. “Cuộc chiến” chống lại Covid-19 của Việt Nam (cũng như của cả thế giới) đã bắt đầu từ hơn một năm trước đó.

Kinh tế Việt Nam đánh trận Covid-19 như thế nào?

Những "ATM gạo" trở thành hình ảnh tiêu biểu cho cuộc chiến chống dịch tại Việt Nam. Ảnh: Reuters

Quyết định xử lý dứt điểm, tránh lây lan từ những ca bệnh đầu tiên ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), nhà chức trách ban đầu chọn cách tiếp cận từng bước, tìm hiểu thông tin quốc tế và bước đầu ngăn chặn được khả năng lây nhiễm từ nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân số 17 và các ca bệnh sau đó tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay quán bar Buddha (TP HCM)… đã gióng lên hồi chuông về khả năng lây nhiễm từ bất cứ nguồn nhập cảnh nào vào Việt Nam, cũng như rủi ro tiềm tàng với hệ thống y tế nếu xuất hiện lây nhiễm diện rộng trong cộng đồng.

Các biện pháp phòng ngừa ngày càng được thắt chặt: từ dừng nhập cảnh trên bộ, dừng hoàn toàn các chuyến bay quốc tế, bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, khuyến cáo rửa tay… đến các biện pháp giãn cách và đỉnh điểm là cách ly toàn xã hội được đưa ra. Nhiều người Việt lần đầu tiên bị phạt hành chính vì ra khỏi nhà không lý do hoặc không đeo khẩu trang khi đi tập thể dục.

Các cơ sở cách ly tập trung được thành lập và hoạt động hiệu quả. Những bệnh viện lớn với y bác sĩ là tuyến đầu chống dịch. Học sinh, sinh viên Việt Nam có “kỳ nghỉ Tết dài nhất trong lịch sử”, người lao động tại các công sở, cơ quan, xí nghiệp trong lĩnh vực không thiết yếu bắt đầu chế độ “làm việc từ xa”… Toàn xã hội cùng theo đuổi một mục tiêu chung. Giai đoạn dài nhất cho đến nay là 99 ngày Việt Nam không ghi nhận bất kỳ một ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, trở thành một trong điển hình được cả thế giới ca ngợi về công tác phòng chống dịch.

Kiểm soát tốt và sớm Covid-19 cũng tạo điều kiện cho Việt Nam sớm đưa các hoạt động kinh tế xã hội dần trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Trường học mở cửa; các công sở, nhà máy trở lại guồng quay; các biện pháp giãn cách bắt đầu được gỡ bỏ, hoạt động giao thông, dịch vụ, văn hóa rồi du lịch nội địa… dần trở lại. Khi mùa hè đến, nhiều người Việt có lẽ đã quên rằng mình đang sống trong một thế giới “có Covid”.

Thế nhưng với một nền kinh tế mà độ mở - tức tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm - tương đương hơn 200% tổng thu nhập quốc nội và non nửa GDP được đóng góp bởi khu vực dịch vụ thì những tác động kinh tế của dịch bệnh cũng đến nhanh như tốc độ lây lan của Covid-19 tại châu Âu hay Bắc Mỹ. Từ những chủ quán cà phê nhỏ ở Hội An như ông Kha cho đến chủ đầu tư của các chuỗi khách sạn, resort cao cấp tại Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc… rồi các hãng lữ hành sớm phải đối mặt với bài toán khách hủy tour, doanh thu lùi dần về 0 mà không có cách nào cứu vãn.

Kinh tế Việt Nam đánh trận Covid-19 như thế nào?

Trong một cuộc điều tra theo yêu cầu của Chính phủ, tiến hành ngay tháng 2/2020 với hơn 7.000 doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê thành phố cho biết có đến 90% ý kiến xác nhận công việc kinh doanh đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Là người làm trong ngành thống kê 26 năm, căn cứ trên các số liệu thu thập hàng tháng, ông Vũ nói không bất ngờ khi Đà Nẵng - nơi mà 65% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) được đóng góp từ khu vực dịch vụ - sẽ lần đầu tăng trưởng âm kể từ khi được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương năm 1997.

Số liệu GRDP 2020 cuối cùng được thành phố báo cáo là giảm 9,7%. Và Đà Nẵng cũng không phải trường hợp cá biệt. Sự đìu hiu của du lịch Hội An khiến GRDP của tỉnh Quảng Nam giảm gần 7% so với năm 2019, lần đầu tiên kể từ khi tái lập tỉnh. Một “đầu tàu” du lịch khác là Khánh Hòa cũng lần đầu ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm 10,5%, ngân sách hụt thu đến 30%. “Khó khăn của chúng tôi đang là các khoản nợ. Cơ sở vật chất vẫn phải duy trì, nếu đóng thì nó hư hỏng đi. Hiện nay, có khoảng 80% doanh nghiệp du lịch đã đóng cửa", ông Phạm Minh Nhựt, Tổng giám đốc CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang nói với VOV.

Một “nạn nhân” dễ nhận diện khác trong cuộc chiến với Covid-19 là ngành hàng không. Việc không thể thực hiện các chuyến bay thương mại quốc tế và chỉ có thể khai thác một cách hạn chế các tuyến nội địa khiến tổng số chuyến bay được 5 hãng hàng không Việt Nam thực hiện sau 11 tháng giảm khoảng 36% so với cùng kỳ 2019, còn chưa đầy 200.000 chuyến theo số liệu của Cục Hàng không.

Tại kỳ họp tháng 11, Quốc hội cũng lần đầu tiên phải ra một nghị quyết để “cứu” hãng hàng không quốc gia - Vietnam Airlines - thông qua hình thức tái cấp vốn và gia hạn để ngân hàng cho vay sau khi hãng này đứng trước nguy cơ cạn kiệt tiền mặt và dự kiến lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng. 4 hãng còn lại cũng đều đã có đề nghị được Chính phủ hỗ trợ trong bối cạnh thị trường hàng không khó có thể phục hồi trước năm 2022.

Ở khu vực sản xuất, ngay trong quý I, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận được báo cáo về việc doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ tạm ngừng hoạt động vì khan hiếm nguồn nguyên liệu do việc thông thương với các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, đình trệ. Các đơn vị vốn có thói quen dự trữ đầu vào từ trước Tết cũng chỉ có thể cầm cự đến tháng 3. Khó khăn hơn cả là ngành dệt may, da giày khi ngoài áp lực về nguyên liệu còn gặp tình trạng hoãn, giãn, thậm chí hủy đơn hàng từ đối tác EU hay Mỹ bởi sức cầu tại các thị trường này sụt giảm. “Chúng tôi có thể thiệt hại hàng triệu USD khi dịch Covid-19 kéo dài tới quý II”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên phát biểu khi ấy.

Chi tiết xem thêm tại đây...

Thị trường chứng khoán năm 2021: Lộc năm cũ vẫn còn cho năm mới

Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có tựa đề "Thời cơ trỗi dậy" đã đưa ra những ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô đã dày công gây dựng

Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không ...

Tăng trưởng GDP TP. Hà Nội năm 2020 ước đạt 3,94%

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương khai mạc vào sáng ngày 28/12, Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà ...

Theo ndh.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm