Hình phạt với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

Cập nhật: 07:04 | 04/09/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tôi có góp vốn làm ăn chung với một người, tôi đưa người đó 60 triệu để đi mua đất xây cửa hàng, nhưng đến bây giờ chưa thấy liên lạc, đến nhà thì anh ta bỏ trốn. Tôi muốn hỏi anh ta phạm tội gì và hình thức xử phạt như thế nào?    

hinh phat voi toi lam dung tin nhiem chiem doat tai san

Cần tiền chi tiêu và thanh toán các khoản nợ cũ cựu Chủ tịch SMES và đồng bọn lừa gần 300 tỷ

hinh phat voi toi lam dung tin nhiem chiem doat tai san

Long An: Rút ruột Quỹ BHXH kế toán trưởng lĩnh 20 năm tù

hinh phat voi toi lam dung tin nhiem chiem doat tai san

Cà Mau: Bắt phó Tổng giám đốc công ty Công Lý lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trả lời:

Thứ nhất: Về tội danh

Về trường hợp của bạn, chúng tôi xác định người này đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

hinh phat voi toi lam dung tin nhiem chiem doat tai san
Hình minh họa

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người này đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do đã đủ những dấu hiệu cấu thành tội phạm, cụ thể như sau:

Về chủ thể của tội phạm: người này đã có đẩy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, không bị bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi…hoàn toàn có ý thức và đã là một chủ thể đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự do đã kí được hợp đồng đối với bạn.

Về khách thể: hành vi của người này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của bạn, làm thiệt hại số tiền của bạn, cụ thể là 60 triệu đồng mà bạn đã đưa để cùng làm ăn.

Về hành vi: Người này đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của bạn thông qua một hợp đồng cùng góp vốn làm ăn, hợp đồng đó là hợp pháp do sự thỏa thuận giữa hai bên, sau đó người đó đã lợi dụng sự tin tưởng của bạn để chiếm đoạt tài sản, có hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó. Về hành vi bỏ trốn, có thể được hiểu là hành vi trốn tránh để không phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền sau khi đã giao dịch với người khác bằng các hình thức vay, mượn, thuê tài sản.

Về lỗi: người phạm tội có lỗi cố ý chiếm đoạt tài sản, có thể xảy ra sau khi đã giao kết hợp đồng, người đó nảy sinh ý muốn chiếm đoạt hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích khác mà không có điều kiện trả lại rồi bỏ trốn.

Như vậy, người này đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 do người này đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai: Về hình phạt:

Căn cứ vào quy định tại điều 175, Bộ luật hình sự năm 2015, căn cứ vào thiệt hại thực tế và tình huống của bạn thì hình phạt đối với người này có thể là 02 đến 07 năm tù do người này đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản số tiền từ 50 triệu đến dưới 200 triệu (cụ thể là 60 triệu đồng) là một số tiền lớn, gây thiệt hại không nhỏ cho người bị hại. Tuy nhiên, hình phạt cuối cùng là hình phạt của Tòa án và Tòa án sẽ căn cứ vào những điều kiện cụ thể, xem xét những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để định tội một cách khách quan nhất.

Bạn có thể đến trình báo tại cơ quan Công an cấp huyện/quận/Thị xã để Công an vào cuộc điều tra, tiến hành truy tố, xét xử, sau đó sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 60 triệu mà người đó đã chiếm đoạt.

Hùng Dũng