Hàng không Việt Nam khan hiếm phi công dù trả lương khủng

Cập nhật: 11:54 | 08/07/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Ngành hàng không Việt Nam hiện nay đang rất phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực mạnh, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây vẫn là một bài toán khó.

hang khong viet nam khan hiem phi cong du tra luong khung

Tập đoàn FLC, Bamboo Airways ký loạt thoả thuận trị giá 200 triệu USD nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng

hang khong viet nam khan hiem phi cong du tra luong khung

Bamboo Airways khởi công Viện đào tạo Hàng không vào tháng 7/2019

hang khong viet nam khan hiem phi cong du tra luong khung

Bình Định duyệt chủ trương đầu tư dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Nhơn Hội

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo về tổng thể nhân lực ngành hàng không. Ông Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) - cho rằng: "Đang xảy ra tình trạng mất cân bằng giữa đào tạo và sử dụng".

Tổng Giám đốc VNA - Dương Trí Thành cho biết, hiện hãng khai thác, vận hành trên 115 máy bay với hơn 20.000 người, trong đó phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay khoảng 2.500 người, tiếp viên hàng không 3.000 người.

hang khong viet nam khan hiem phi cong du tra luong khung
Các hãng hàng không đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng (Ảnh minh họa)
Do cãng hãng bay thiếu phi công nên xuất hiện tình trạng giành giật phi công. Tháng 4 vừa qua, VNA đã có báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải về việc phi công chuyển sang các hãng khác.

Ông Thành chia sẻ: "Để có được một phi công lái chính Airbus A320, A321, cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này còn phải kéo dài tới 7 - 8 năm. Nhưng do thị trường hàng không phát triển quá nóng, đào tạo không theo kịp nên tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là phi công, đang rất nghiêm trọng".

Cùng với đó, do hàng không một là ngành đặc thù, nên mức lương đối với một số vị trí trong ngành (nhất là lương phi công) cũng có những khác biệt so với phần còn lại.

Được biết, mức lương của phi công Vietnam Airlines là 132,5 triệu đồng/tháng đã tăng 9% so với lương bình quân 121,6 triệu đồng/tháng của năm 2017. Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietjet hiện chưa công bố lương bình quân hàng tháng của phi công năm 2018. Tuy nhiên, lương phi công năm 2017 của hãng bay giá rẻ này khoảng 180 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với Vietnam Airlines (gần 60 triệu đồng). Tại Jetstar Pacific – công ty con của Vietnam, lương cơ phó khoảng 100–120 triệu đồng, cơ trưởng 110–160 triệu đồng mỗi tháng (tùy giờ bay và thâm niên). Bamboo Airways – tân binh vừa gia nhập thị trường đầu năm nay cũng liên tục đăng tin tuyển dụng phi công, với cam kết mức lương hấp dẫn nhất thị trường Việt Nam và cả khu vực.

hang khong viet nam khan hiem phi cong du tra luong khung
Đào tạo phi công tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Trở lại câu chuyện nguồn nhân lực, theo ông Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cho biết, trong nước chỉ có Trường phi công Bay Việt đào tạo mỗi năm gần 100 phi công, mỗi năm trường tuyển sinh 4-5 khoá phi công cơ bản, mỗi khóa 25-30 học viên. Mà thị trường hàng không Việt Nam có 5 hãng bay gồm VNA, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways. Các hãng liên tục mua máy bay, tăng tần suất khai thác, mở đường bay mới nên càng khiến tình trạng thiếu hụt phi công trầm trọng hơn.

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành hàng không, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký văn bản cho phép Tập đoàn FLC thành lập Đại học FLC được xây dựng với quy mô dự kiến khoảng 50 ha tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với ba chuyên ngành mũi nhọn là đào tạo công nghệ cao, du lịch và hàng không. Trường dự kiến tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với quy mô tuyển sinh ban đầu là 600 sinh viên sau đó tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024 và 10.000 sinh viên vào năm 2035.

Học viện có hệ thống buồng lái mô phỏng hoàn chỉnh được cung cấp bởi Airbus. Bên cạnh đó, Trung tâm Đào tạo Vietjet đã gia hạn thành công chứng chỉ Tổ chức Huấn luyện Hàng không (ATO), liên tục tuyển dụng và hoàn thành huấn luyện ban đầu để đưa vào khai thác 174 phi công, 415 tiếp viên, 96 nhân viên khai thác mặt đất, và 48 kĩ sư.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2018, đại diện Vietjet Air cũng cho biết, Dự án Học viện Hàng không Vietjet, động thổ vào tháng 7/2017 đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị và sẵn sàng đi vào hoạt động.

Cách đây không lâu (ngày 19/6), UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2072/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways của nhà đầu tư Bamboo Airways.

Viện đào tạo có quy mô 10 ha với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động từ Quý I/2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành như: Phi công, Tiếp viên hàng không, Kỹ thuật, Khai thác Mặt đất.

Bên cạnh đó, Viện đào tạo sẽ hợp tác và liên kết với Học viện Hàng không New Zealand (New Zealand Aviation Academy) – một trong những học viện uy tín của quốc gia có nền giáo dục hàng đầu châu Úc với ngành vận tải du lịch hàng không cực kỳ phát triển - để đào tạo phi công theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đây có thể xem là tín hiệu tích cực khi các hãng hàng không bắt đầu chú trọng đến việc đào tạo phi công nội có chất lượng nhằm đáp ứng cho nhu cầu nhân lực ngày càng cao trong thời gian tới.

3 điều quan trọng để trở thành phi công:

- Phải đam mê và có tình yêu với nghề phi công.

- Có quá trình định hướng rèn luyện từ khi học phổ thông, tập trung một số môn tự nhiên, chủ yếu là toán, vật lý và tiếng Anh.

- Cuối cùng là điều kiện tài chính.

Ngoài ra, còn một số điều kiện đầu vào như tốt nghiệp THPT (cấp 3) trở lên, tuổi từ 18-32, nam cao tối thiểu 1,65m, nữ 1,60m…

Thu Uyên