Dự báo xu hướng thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2022-2030

Cập nhật: 07:45 | 13/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và các nguồn vốn cho thị trường tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Nhà Khang Điền (KDH) bảo lãnh cho công ty con vay hơn 4.600 tỷ đồng làm Dự án Tân Tạo A

Tiếp tục kiểm soát dòng tín dụng vào bất động sản trong thời gian tới

Theo đó, Môi trường kinh tế vĩ mô vững chắc sẽ tiếp tục là nền tảng cơ sở thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là thị trường hoạt động bất động sản sẽ ngày càng có vai trò quan trọng hơn giai đoạn 2022-2030.

Các dự báo mới đây của các chuyên gia bất động sản (BĐS) cho thấy, môi trường kinh tế Việt Nam giai đoạn 2022-2030 dần hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và dần lấy lại đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và 7-7,5% trong giai đoạn 2022-2030, cao hơn giai đoạn 2011-2020 (6%/năm).

Môi trường kinh tế vĩ mô vững chắc sẽ tiếp tục là nền tảng cơ sở thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là thị trường hoạt động BĐS sẽ ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong tương lai. Dự báo thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn trong giai đoạn sắp tới.

0958-bat-dong-san-la-gi
Ảnh minh họa

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đưa ra những dự báo về thị trường bất động sản giai đoạn 2022-2030.

Trong đó, phân khúc bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục phát triển. Nhu cầu nhà ở trung bình và thấp, nhà ở công nhân tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thị trường. Mô hình dự án bất động sản xanh, bất động sản sinh thái ở các khu vực ngoại ô thành phố sẽ thu hút nhà đầu tư do vừa đáp ứng nhu cầu môi trường sống trong lành, vừa đáp ứng xu hướng đầu tư căn nhà thứ hai của người dân đô thị.

Phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ và nghỉ dưỡng sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19.

Cụ thể, bất động sản bán lẻ sẽ chịu tác động từ xu hướng thay đổi sang phương thức bán hàng đa kênh, đa phương thức và linh hoạt hơn theo hướng tăng cường quản lý chuyên nghiệp. Còn bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng quan tâm hơn đến yếu tố vệ sinh, an toàn sức khỏe.

Đối với bất động sản logistics, phân khúc này trong tương lai phát triển theo hướng các dự án gần nguồn sản xuất, đa dạng hóa nguồn đầu vào.

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp được dự báo tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, RCEP... Vì vậy, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp cũng nhận được nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước như miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư.

Nguồn cung mới trong các năm tới sẽ chủ yếu tập trung ở các vùng lân cận ngoại ô của các thành phố lớn và lân cận các đô thị vệ tinh. Một số nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội phát triển dự án bất động sản tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên.

VNREA cũng dự báo phân khúc bất động sản nông nghiệp, lâm nghiệp sinh thái, bất động sản năng lượng sẽ phát triển khi cơ chế, chính sách hoàn thiện cho loại hình bất động sản này.

Về nguồn cung bất động sản trong tương lai, VNREA đánh giá nhu cầu bất động sản giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục tăng trưởng, căn cứ vào nền tảng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, xu hướng tăng cường đầu tư, thương mại và nhu cầu thực tế của người dân.

Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diện tích bình quân nhà ở đầu người cả nước đến năm 2025 phải đạt 27 m2/người; đến năm 2030 phải đạt 30 m2/người.

Như vậy, trung bình mỗi năm phải xây dựng mới khoảng 60 triệu m2 nhà ở các loại. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 2030 dự báo tăng lên 6.000 - 6.500 USD (gấp đôi so với hiện nay), qua đó làm tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Việt Nam còn là nước có chế độ chính trị ổn định, có nguồn nhân lực khác trẻ, tương đối dồi dào. Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có du lịch phát triển. Đặc biệt, việc Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng là một yếu tố thuận lợi phát triển ngành công nghiệp “không khói”.

Nhiều nhận định cũng cho rằng, khi đầu tư công, nhất là các dự án về hạ tầng được triển khai sẽ là động lực giúp thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và những năm sau đó. Tuy nhiên, cũng cần phải có những chính sách, nhất là chính sách thuế, công khai quy hoạch, phát triển đô thị... để loại bỏ những cơn sốt đất ảo do đầu nậu, cò đất tung tin thổi giá làm nhiễu loạn thị trường như năm 2021.

Thuận An

Tin cũ hơn
Xem thêm